Những phản ứng của Trung Quốc khi bị tàu chiến Mỹ thách thức ở biển Đông cho thấy Bắc Kinh phải cân nhắc giữa việc thỏa mãn chủ nghĩa dân tộc với việc thể hiện chủ trương ngoại giao"kiên quyết" mà không làm gia tăng căng thẳng, theo báo The Wall Street Journal (WSJ).

Trung Quốc khó xử khi bị tàu chiến Mỹ thách thức ở biển Đông

Một Thế Giới | 31/10/2015, 14:59

Những phản ứng của Trung Quốc khi bị tàu chiến Mỹ thách thức ở biển Đông cho thấy Bắc Kinh phải cân nhắc giữa việc thỏa mãn chủ nghĩa dân tộc với việc thể hiện chủ trương ngoại giao"kiên quyết" mà không làm gia tăng căng thẳng, theo báo The Wall Street Journal (WSJ).

Vài ngày sau khi khu trục hạm USS Lassen của hải quân Mỹ đi vào vùng 12 hải lý quanh Bãi Subi mà TQ tuyên bố chủ quyền trái phép, các quan chức TQ phản đối điều họ cho là một hành vi “đe dọa chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và quyền lợi an ninh của TQ”, cảnh cáo Mỹ chớ nên tái diễn “những hành vi khiêu khích”.

Ngày 29.10, đô đốc Ngô Thắng Lợi, Tư lệnh hải quân TQ, nói với đô đốc Mỹ John Richardson rằng việc tuần tra khu vực trên có thể gây căng thẳng giữa không quân, hải quân hai nước, thậm chí có thể dẫn đến xung đột.

Giới truyền thông nhà nước TQ sốt sắng đưa tin sự phản đối của Bắc Kinh, nhưng các bài bình luận cũng kêu gọi bình tĩnh.

Các nhà phân tích nói hai giọng điệu này phản ánh sự thách thức đối với đảng Cộng sản TQ vào thời điểm căng thẳng ngoại giao. Khi Trung Quốc bị tàu chiến Mỹ thách thức ở biển Đông, TQ phải dung dưỡng "tinh thần yêu nước" mà không gây ra những phản ứng dân tộc chủ nghĩa quá đáng.

Theo WSJ, lãnh đạo đảng CSTQ từ lâu dựa vào cách khơi gợi chủ nghĩa dân tộc để nâng cao uy tín của đảng và thực hiện các mục tiêu đối ngoại. Bài bản này được Chủ tịch TQ Tập Cận Bình vận dụng triệt để.

Tuy nhiên, các nhà phân tích nói Bắc Kinh vẫn cảnh giác sức ép của chủ nghĩa dân tộc, rằng nếu không kiểm soát thì nó cũng có thể phá hoại quyền lực của đảng.

Jessica Chen Weiss, nữ giáo sư trợ giảng ở Đại học Cornell (Mỹ), người nghiên cứu vai trò của chủ nghĩa dân tộc trong các quan hệ đối ngoại của TQ, nói: “Kéo giảm tinh thần dân tộc là một mất mát về chính trị cho một chính phủ tự hào về chủ nghĩa dân tộc”.

Hạ giọng cho nhiều mục đích
Cuộc tuần tra của hải quân Mỹ diễn ra vào lúc ông Tập đang chủ trì một phiên họp lớn của đảng CSTQ về kế hoạch kinh tế 5 năm tới của TQ.

Huang Jing, một chuyên gia về chính trị TQ ở Đại học quốc gia Singapore, nói: “Đấy là một thời điểm rắc rối cho Bắc Kinh, dựa trên việc có thể đang có đấu đá nội bộ trong giới lãnh đạo cấp cao về chính sách kinh tế. Không lãnh đạo TQ nào có thể tỏ ra yếu đuối”.

Tối 27.10, chương trình thời sự của Đài truyền hình trung ương TQ đưa tin về kỳ họp của đảng CSTQ trước, rồi mới đưa tin vụ tàu chiến Mỹ tuần tra trong vùng biển mà TQ tuyên bố chủ quyền trái phép.

Nhân dân nhật báo sáng 28.10 dành trang nhất cho kỳ họp, đưa tin tàu Mỹ tuần tra vào trang 3. Phụ san của báo này là Hoàn cầu thời báo thì tránh những tuyên bố hung hăng thường có trước đây, quay ra kêu gọi mọi người bình tĩnh.

Hoàn cầu thời báo viết trên bản tiếng Hoa: “Nhân dân TQ trước tiên phải bình tĩnh. Những trò gây rối của tàu chiến Mỹ chỉ là một thách thức quen thuộc mà TQ từng đối mặt trong quá trình vươn lên”.

Theo các nhà phân tích, giọng điệu kiềm chế này và việc không có những cuộc xuống đường phản đối (thường xảy ra trong những giai đoạn Mỹ - Trung bất đồng trước đây) cho thấy Bắc Kinh miễn cưỡng chấp nhận sự tranh chấp biển Đông trong quan hệ ngoại giao với Mỹ.

Nhà nghiên cứu Andrew Chubb của Đại học Tây Úc, nghiên cứu về dư luận TQ và chính sách TQ về biển Đông và biển Hoa Đông, nói: “Điều chúng ta đang thấy là đảng CSTQ thu hút sự quan tâm của người dân vào vấn đề biển Đông cùng quan điểm “kiên quyết” của họ, đồng thời kéo giảm bất kỳ sự nhiệt tình quá đáng nào của chủ nghĩa dân tộc.

Nói chung, trong một cuộc khủng hoảng, sự phẫn nộ dân tộc chủ nghĩa có thể góp phần buộc nước ngoài phải nhượng bộ, hoặc ngăn không cho một kẻ thù leo thang căng thẳng. Nhưng tôi thật sự không thấy có sự vận dụng sự phẫn nộ của dân chúng trong vụ này”.

Trong quá khứ, Bắc Kinh từng để người dân phẫn nộ trong những vụ việc liên quan đến Mỹ. Năm 1999, chính quyền TQ cho phép biểu tình bên ngoài các cơ quan ngoại giao Mỹ ở Bắc Kinh, Thượng Hải và Thành Đô, để phản ứng việc NATO ném bom sứ quán TQ ở Belgrade (Nam Tư cũ).

Nhưng năm 2001, TQ không cho dân biểu tình, vào lúc đang đàm phán với Mỹ để giải quyết vụ đâm va giữa một máy bay do thám Mỹ với một chiến đấu cơ TQ ở ngoài khơi đảo Hải Nam.

Sau này có nhiều thay đổi trong quan hệ song phương, có nghĩa Bắc Kinh không muốn cho phép gia tăng căng thẳng.

Sau vụ tàu chiến Mỹ tuần tra hôm 27.10, phản ứng chống Mỹ bị ngăn chặn lập tức. Hôm 28.10, một người phản đối xuất hiện trước sứ quán Mỹ ở Bắc Kinh, liền bị công an kéo đi ngay.

Sự phẫn nộ của người TQ chỉ còn ở trên mạng xã hội Weibo. Nhiều người viết rằng Mỹ khiêu khích, thậm chí chê lãnh đạo TQ không dùng quân sự để đối đầu với Mỹ.

Nhưng chuyên gia Chubb nói: “Bắc Kinh có thể dẹp tan cảm xúc này, bằng cách ngưng đưa tin về vụ tranh chấp. Trừ phi chính phủ TQ quyết định thu hút sự chú ý tới vấn đề này trong tương lai, họ sẽ để cho nhiều người dân cảm thấy rằng Mỹ đã thoái lui”.

Vĩnh Thụy (theo The Wall Street Journal)

Bài liên quan
Lớp phủ không tưởng giúp máy bay tàng hình Trung Quốc vô hình trước radar chống tàng hình
Các nhà khoa học quân sự Trung Quốc đã đạt được điều không tưởng với một vật liệu tàng hình mới có thể đánh bại radar chống tàng hình.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tổng Bí thư trao đổi chuyên đề 'Kỷ nguyên phát triển mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam'
một giờ trước Sự kiện
Chiều 25.11, tại Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Giáo sư, Tiến sĩ Tô Lâm, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam trực tiếp trao đổi chuyên đề “Kỷ nguyên phát triển mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam”.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Trung Quốc khó xử khi bị tàu chiến Mỹ thách thức ở biển Đông