Theo báo The Age, nhà phân tích Rory Medcalf, Giám đốc Trường an ninh quốc gia thuộc Đại học quốc gia Úc, gọi việc xây các đảo nhân tạo là cuộc chơi liều lĩnh của Trung Quốc.

Cuộc chơi liều lĩnh của Trung Quốc khi xây đảo nhân tạo phi pháp

Một Thế Giới | 01/11/2015, 06:02

Theo báo The Age, nhà phân tích Rory Medcalf, Giám đốc Trường an ninh quốc gia thuộc Đại học quốc gia Úc, gọi việc xây các đảo nhân tạo là cuộc chơi liều lĩnh của Trung Quốc.

Hai năm qua, TQ vẽ lại bản đồ biển nhằm đòi chủ quyền biển Đông, và cũng để buộc Mỹ một là phải chấp nhận một thực tế địa lý mới, hai là phải ra đòn chủ động bằng cách dùng tàu chiến mạnh thực hiện quyền tự do hàng hải ở vùng tranh chấp này, một tuyến hàng hải tất bật của thế giới, một vùng biển có nguồn cá phong phú có thể nuôi nhiều nước và thềm lục địa có tiềm năng dầu khí.

Với quan điểm làm chủ các đảo thì làm chủ được biển Đông, cuộc chơi liều lĩnh của Trung Quốc là xây nhiều đảo nhân tạo để kiểm soát vùng biển chiến lược này.

Tham vọng của TQ là trở thành một thế lực thống trị biển cả, hất cẳng Mỹ vốn có hạm đội Thái Bình Dương hoạt động ở châu Á suốt 60 năm qua.

Hồi tháng 5, Bắc Kinh ra Sách Trắng quốc phòng, đề cập vai trò “phòng thủ xa bờ” của hải quân TQ. Chủ tịch TQ Tập Cận Bình cũng muốn biến chuyển quân đội đang tham nhũng nghiêm trọng thành một thế lực quân sự phù hợp với tầm cỡ kinh tế - chính trị của TQ.

Nếu không bị kiềm chế, hải quân TQ có thể lực lượng trấn giữ 30% tuyến đường thương mại toàn cầu đi qua biển Đông.
 Mỹ tuần tra, Úc sẽ ủng hộ?

Trong bối cảnh đó, ngày 27.10 hải quân Mỹ đưa khu trục hạm USS Lassen mang tên lửa hành trình đi vào vùng 12 hải lý của Bãi Subi trên quần đảo Trường Sa của Việt Nam bị TQ  xây dựng trái phép thành đảo nhân tạo.

Đây là chuyến tuần tra thực hiện quyền tự do hàng hải đầu tiên của Mỹ kể từ năm 2012. The Age viết: “Washington đã nói Bắc Kinh chơi trò tháu cáy”, nói tuyên bố chủ quyền các đảo nhân tạo là “hư cấu”. 

Phản ứng lại, Bắc Kinh dọa “xung đột là không thể tránh được, nếu Mỹ cứ tiếp tục thực hiện các cuộc tuần tra”. 

Ông Medcalf nói TQ không thể làm gì điên rồ chống lại quyền lợi kinh tế của họ, như chặn ngăn tàu thương mại. 

Nhưng xây đảo nhân tạo là để TQ có cơ sở hư cấu đòi chủ quyền vùng nước xung quanh chúng. Chúng chẳng khác gì chiếc tàu sân bay thường trực đậu yên một chỗ, che chở hoạt động của tàu ngầm TQ, giúp thả hệ thống dò dóng sonar dưới biển, dùng làm căn cứ cho máy bay và gây phức tạp cho hoạt động của hải quân các nước khác.
 “Đó là những lợi ích thật”, Medcalf nói, và thêm rằng dù Mỹ có tiếp tục tuần tra thêm nữa, TQ cũng sẽ không ngưng cải tạo đất trên các đảo nhân tạo.

Nhà nghiên cứu Andrew Chubb của Đại học Tây Úc, chuyên nghiên cứu về dư luận TQ và chính sách TQ về biển Đông và biển Hoa Đông, đồng ý với Medcalf: "TQ sẽ lập cơ sở quân sư mà họ thấy thích hợp trên các đảo này, và họ sẽ không ngưng cải tạo đất. Sẽ còn nhiều việc phải làm, nhất là quanh Đá Vành Khăn”.

Chubb nói chuyến tuần tra của chiến hạm Lassen sẽ “chặn bất kỳ tuyên bố chủ quyền trái phép của TQ trong vài năm tới”, đồng thời cũng trấn an các đồng minh của Mỹ và các đối tác ở châu Á đang bị căng thẳng.

Trước đó, Thượng nghị sĩ Mỹ John McCain văn Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter sao không xác nhận thông tin báo chí, rằng Mỹ đã đưa tàu Lassen vào Đá Subi. Ông Carter trả lời rằng các hoạt động tuần tra này sẽ được tiến hành thường xuyên. 

Vấn đề là liệu tình hình hoạt động trên biển Đông có trở lại bình thường, tàu chiến có thể đi ngang qua vùng biển mà không làm thế giới phải hồi hộp theo dõi?

Một phần câu hỏi này là liệu các nước khác, gồm cả Úc, có cần hỗ trợ Mỹ bằng cách họ tự thực hiện các chuyến tuần tra?

Theo lế hoạch, trong tuần đầu tháng 11, hai tàu hộ tống của hải quân hoàng gia Úc sẽ cùng hải quân TQ tập trận chung bắn đạn thật, sau đó sẽ đến biển Đông. Trên đường đi, những tàu này sẽ cẩn thận tránh bất kỳ tuyến đường nào đưa đến gần cái gọi là “Vạn lý trường thành trên cát”, tức các đảo nhân tạo của TQ.

Nhưng hiện Úc chưa có kế hoạch tuần tra riêng. Bộ Quốc phòng Úc đang bàn vấn đề này, chưa chính thức trình lên cấp cao hơn. Chắc chắn là Bắc Kinh sẽ bị bẽ mặt nếu 2 tàu hộ tống Stuart và Arunta tiến hành tuần tra biển Đông ngay sau khi rời khỏi cuộc tập trận chung.

Còn phải đấu nhiều hiệp

Nhưng các chuyên gia có tầm ảnh hưởng đã thuyết phục chính phủ Thủ tướng Úc Turnbull nên cùng Mỹ tuần tra. Các chuyên gia này gồm thành viên hội đồng cố vấn của chính phủ Úc. Họ tham gia soạn thảo Sách Trắng quân sự sắp công bố.

Thành viên Peter Jennings, Giám đốc Viện chiến lược Úc, nói một cuộc tuần tra nhanh bằng tàu chiến, hoặc bằng chiến đấu cơ không quân hoàng gia Úc sẽ đập tan bất kỳ nhận định nào của Bắc Kinh rằng “Mỹ đang bắt nạt TQ”.  

Thành viên James Goldrick, cựu đô đốc Úc, nói Úc nên “thể hiện sự quyết tâm bảo vệ luật pháp quốc tế” bằng một cuộc tuần tra.

Thành viên Medcalf thì cảnh báo chớ vội lao vào tuần tra, nhưng “giữ quyền làm gì đó trong tương lai mà không làm rùm beng… và như một phần hoạt động bình thường của chúng ta”.

Các chuyên gia nhất trí những cuộc tuần tra cần tiếp tục dưới các hình thức phục hồi nguyên tắc tự do hàng hải. Nhưng từ nay, chúng ta sẽ cần tiến hành lặng lẽ, tạo điều kiện cho Bắc Kinh không bị bẽ mặt, nhằm tránh gia tăng căng thẳng.

Theo báo The Age, chiến thuật này đã được chính quyền Tổng thống Mỹ Barack Obama áp dụng, không làm rùm beng cuộc tuần tra của chiếc Lassen, dù giới truyền thông đưa tin dày đặc.

Shi Yinhong, giáo sư khoa Quan hệ đối ngoại của Đại học Nhân dân Bắc Kinh nói tình hình sẽ vẫn bế tắc, nếu cả Mỹ lẫn TQ dứt khoát không thay đổi quan điểm: “Bước tiếp theo tùy phía Mỹ sẽ tiếp tục dùng máy bay, tàu chiến thách thức khi nào và ở đâu. TQ sẽ có phản ứng tùy theo tình hình, nhưng trong bất cứ trường hợp nào, TQ cũng như Mỹ, sẽ không làm gì  khiến xảy ra xung đột quân sự”.

Shi nói hành động của Mỹ khiến có chút thay đổi: “TQ đã tuyên bố ngưng cải tạo đất trên các bãi nửa chìm, nhưng TQ tiếp tục xây đường băng”.

The Age đặt câu hỏi: Vậy ai thắng hiệp này? Và kết luận: Đó là một thắng lợi ban đầu của Mỹ. Nhưng còn nhiều hiệp nữa mới có thể quyết định ai thắng ai thua.
Vĩnh Thụy (theo The Age) 
Bài liên quan
Phó chủ tịch Trung Quốc dự lễ nhậm chức của ông Trump
Bộ Ngoại giao Trung Quốc thông báo cử Phó chủ tịch Hàn Chính sang dự lễ nhậm chức ngày 20.1 của Tổng thống Mỹ đắc cử Donald Trump, đánh dấu lần đầu tiên một nhân vật cấp lãnh đạo của nước này hiện diện tại sự kiện như vậy.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng Phạm Minh Chính tới thủ đô Praha, bắt đầu thăm Cộng hòa Séc
8 giờ trước Sự kiện
Sau khi kết thúc tốt đẹp chuyến thăm chính thức Cộng hòa Ba Lan, vào lúc 13 giờ ngày 18.1, giờ địa phương (tức 19 giờ giờ Hà Nội), chuyên cơ chở Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cùng phu nhân Lê Thị Bích Trân và Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã tới sân bay Václav Havel, thủ đô Praha, bắt đầu thăm chính thức Cộng hòa Séc từ ngày 18 - 20.1, theo lời mời của Thủ tướng Cộng hòa Séc Petr Fiala.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Cuộc chơi liều lĩnh của Trung Quốc khi xây đảo nhân tạo phi pháp