Hãng Kyodo News dẫn nguồn tin tiết lộ chính phủ Nhật Bản quyết định đổ lượng nước nhiễm phóng xạ từ nhà máy điện hạt nhân Fukushima ra đại dương.
Quyết định chính thức dự kiến được đưa ra trong tháng 10, chấm dứt 7 năm tranh cãi về cách xử lý vấn đề trên.
Một tiểu ban chính phủ đầu năm nay nộp báo cáo xác định đổ nước ra đại dương hay làm bay hơi chúng là phương án thực tế. Tuy nhiên nhiều ngư dân, tổ chức nghề cá Nhật cũng như láng giềng Hàn Quốc đều lên tiếng phản đối do lo ngại tác động lên môi trường - đặc biệt là hải sản - mà nước nhiễm phóng xạ đem lại. Theo nguồn tin, chính phủ Nhật sẽ lập một hội đồng chuyên trách giải quyết những lo ngại từ phía người dân.
Việc đổ nước nhiễm phóng xạ có thể phải mất khoảng 2 năm mới bắt đầu vì cần chuẩn bị kỹ lưỡng và đánh giá từ Cơ quan quản lý Hạt nhân Nhật.
Sau thảm họa động đất - sóng thần năm 2011, công ty điện lực Tokyo (Tepco) tiến hành công tác thu hơn 1 triệu tấn nước dùng cho công tác làm mát lõi nhiên liệu hạt nhân của nhà máy Fukushima. Nước được xử lý bằng hệ thống tiên tiến để loại bỏ phần lớn chất gây ô nhiễm rồi đưa vào bồn chứa riêng, dự kiến đến năm 2022 Tepco không còn chỗ chứa.
Các nhà máy hạt nhân ven biển thường xả ra nước chứa tritium – một đồng vị hydro vô hại. Tuy nhiên Tepco năm 2018 từng thừa nhận số nước từ nhà máy Fukushima còn chứa chất gây ô nhiễm khác ngoài tritium.
Vào tháng trước, Thủ tướng Nhật Yoshihide Suga hối thúc sớm quyết định hướng xử lý lượng nước nhiễm phóng xạ. Tổng giám đốc Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) Rafael Grossi trong chuyến khảo sát nhà máy Fukushima tháng 2 năm nay tuyên bố việc đổ nước nhiễm phóng xạ ra đại dương đáp ứng tiêu chuẩn toàn cầu.