Văn phòng Chính phủ vừa có công văn gửi các bộ, ngành, địa phương truyền đạt chỉ đạo của Phó thủ tướng Vương Đình Huệ yêu cầu cơ quan đại diện chủ sở hữu Nhà nước tại doanh nghiệp thực hiện nghiêm túc các chế độ báo cáo tài chính, hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp cũng như việc xử lý trách nhiệm liên quan theo quy định của pháp luật.

Nhiều bộ và địa phương 'phớt lờ' nộp báo cáo giám sát tài chính

10/05/2018, 11:51

Văn phòng Chính phủ vừa có công văn gửi các bộ, ngành, địa phương truyền đạt chỉ đạo của Phó thủ tướng Vương Đình Huệ yêu cầu cơ quan đại diện chủ sở hữu Nhà nước tại doanh nghiệp thực hiện nghiêm túc các chế độ báo cáo tài chính, hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp cũng như việc xử lý trách nhiệm liên quan theo quy định của pháp luật.

Nhiều bộ và địa phương chậm nộp báo cáo giám sát tài chính - Ảnh minh họa

Tới nay, nhiều bộ, địa phương tiếp tục chưa nộp báo cáo giám sát tài chính 6 tháng đầu năm 2016 và Báo cáo kết quả giám sát tài chính, đánh giá hiệu quả hoạt động và xếp loại doanh nghiệp năm 2016 theo quy định pháp luật, mặc dù lãnh đạo Chính phủ và Bộ Tài chính liên tục thúc giục, đôn đốc.

Không chỉ vậy, hầu hết các bộ, địa phương nói trên cũng chưa gửi báo cáo giám sát tài chính và đánh giá hiệu quả hoạt động, xếp loại doanh nghiệp trong năm 2016 đúng hạn.

Theo Nghị định số 87/2015/NĐ-CP, thời gian nộp báo cáo về tình hình tài chính của các doanh nghiệp cho cơ quan đại diện chủ sở hữu phải bảo đảm cơ quan đại diện chủ sở hữu có đủ thời gian tổng hợp và lập Báo cáo 6 tháng về giám sát tài chính gửi Bộ Tài chính trước ngày 31.8 của năm báo cáo và Báo cáo giám sát tài chính năm gửi Bộ Tài chính trước ngày 31.5 của năm tiếp theo.

Năm 2016, theo quy định tới 31.8.2016, các bộ, địa phương phải gửi báo cáo giám sát tài chính 6 tháng đầu năm, nhưng tới nay vẫn còn 13 cơ quan đại diện chủ sở hữu không gửi Báo cáo kết quả giám sát tài chính gồm: Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Y tế, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam; các tỉnh, thành phố như An Giang, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bắc Giang, Cao Bằng, Cần Thơ, Đắk Lắk, Kon Tum, Phú Yên, Quảng Trị, Sơn La.

Còn với nhiệm vụ tổng hợp báo cáo kết quả giám sát tài chính, đánh giá hiệu quả hoạt động và xếp loại doanh nghiệp năm 2016, vẫn còn 7 cơ quan đại diện chủ sở hữu không gửi Báo cáo kết quả giám sát tài chính, đánh giá hiệu quả hoạt động và xếp loại doanh nghiệp năm 2016 gồm: Bộ Công Thương, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam; TP.HCM và các tỉnh Bình Phước, Đồng Nai, Quảng Trị, Thái Nguyên.

Về tình hình gửi báo cáo kết quả xử lý trách nhiệm của các cơ quan đại diện chủ sở hữu đối với việc không thực hiện gửi báo cáo giám sát tài chính 6 tháng đầu năm 2016, còn 11 cơ quan đại diện chủ sở hữu (trừ Quảng Trị và Sơn La) chưa gửi báo cáo kết quả xử lý trách nhiệm gồm: Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Y tế, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam; các tỉnh An Giang, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bắc Giang, Cao Bằng, Cần Thơ, Đắk Lắk, Kon Tum, Phú Yên.

Nhưng ngay cả với 2 tỉnh Quảng Trị và Sơn La, báo cáo xử lý trách nhiệm của hai tỉnh này cũng không nêu cá nhân liên quan nào vi phạm quy định tại khoản 3 Điều 47 Nghị định số 87/2015/NĐ-CP (Quảng Trị) hoặc đã thực hiện công tác giám sát tài chính theo quy định (Sơn La), mặc dù Bộ Tài chính không nhận được báo cáo kết quả giám sát tài chính 6 tháng đầu năm 2016 của các địa phương này.

Với việc xử lý trách nhiệm chậm nộp báo cáo giám sát tài chính, đánh giá hiệu quả hoạt động doanh nghiệp của năm 2016, tính đến 31.3.2018, còn 7 cơ quan đại diện chủ sở hữu (trừ Bộ Xây dựng và Bạc Liêu) chưa gửi gồm: Bộ Công Thương, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam; TP.HCM và các tỉnh: Bình Phước, Đồng Nai, Quảng Trị, Thái Nguyên.

Trước tình trạng trên, Phó thủ tướng Vương Đình Huệ yêu cầu các bộ, cơ quan: Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Y tế, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ cùng UBND các tỉnh An Giang, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bắc Giang, Cao Bằng, Cần Thơ, Đắk Lắk, Kon Tum, Phú Yên khẩn trương, nghiêm túc thực hiện gửi báo cáo giám sát tài chính 6 tháng đầu năm 2016 theo công văn số 8140/VPCP-ĐMDN ngày 3.8.2017.

Bộ Công Thương, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ, UBND TP.HCM và UBND các tỉnh Bình Phước, Đồng Nai, Quảng Trị, Thái Nguyên khẩn trương, nghiêm túc gửi báo cáo xử lý trách nhiệm chậm nộp báo cáo giám sát tài chính, đánh giá hiệu quả hoạt động doanh nghiệp của năm 2016 theo công văn số 13506/VPCP-ĐMDN ngày 20.12.2017 liên quan đến báo cáo kết quả giám sát tài chính, đánh giá hiệu quả hoạt động và xếp loại doanh nghiệp năm 2016.

Ngoài nghĩa vụ thực hiện báo cáo tài chính của đại diện chủ sở hữu Nhà nước tại doanh nghiệp trong năm 2016, Bộ Tài chính cho biết còn 15 cơ quan đại diện chủ sở hữu chưa gửi Báo cáo kết quả giám sát tài chính 6 tháng đầu năm 2017 về Bộ Tài chính (gồm Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, Ngân hàng Nhà nước; các tỉnh Bắc Giang, Bình Dương, Đắk Lắk, Đắk Nông, Kiên Giang, Kon Tum, Lào Cai, Quảng Nam, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế).

Với các trường hợp này, Phó thủ tướng Vương Đình Huệ yêu cầu các bộ, địa phương kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm các cá nhân liên quan vi phạm việc báo cáo kết quả giám sát tài chính 6 tháng đầu năm 2017 quy định tại khoản 3 Điều 47 Nghị định số 87/2015/NĐ-CP, gửi Bộ Tài chính để tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Theo khoản 3, Điều 47, Nghị định số 87/2015/NĐ-CP ngày 6.10.2015 của Chính phủ, việc cơ quan đại diện chủ sở hữu (các bộ, địa phương) chậm thực hiện các báo cáo, thì cấp có thẩm quyền (Thủ tướng Chính phủ) sẽ xem xét, quyết định các hình thức kỷ luật khiển trách, cảnh cáo, miễn nhiệm và cách chức theo quy định của Luật Công chức, Luật Viên chức đối với cá nhân, tổ chức liên quan.

Lam Thanh

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Ba kịch bản về lạm phát năm 2024
Ba kịch bản lạm phát năm 2024 tương ứng với CPI bình quân năm lần lượt là 3,8%, 4,2% và 4,5%.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Nhiều bộ và địa phương 'phớt lờ' nộp báo cáo giám sát tài chính