Các công ty Mỹ cung cấp thiết bị tinh xảo và đắt tiền trong lĩnh vực chip có kế hoạch cảnh báo chính quyền Trump về đề xuất đưa SMIC, nhà sản xuất chip hàng đầu của Trung Quốc, vào danh sách đen.
Được đại diện bởi Hiệp hội Quốc tế về thiết bị và vật liệu bán dẫn (SEMI), nhóm này đã soạn thảo một bức thư có thể được gửi ngay trong tuần này cho Bộ trưởng Bộ Thương mại Wilbur Ross, theo Reuters.
Trong bức thư dự thảo, nhóm lập luận rằng việc đưa SMIC ((Semiconductor Manufacturing International Corporation) vào danh sách đen sẽ gây nguy hiểm cho công nghệ Mỹ vì khiến các công ty nước này khó cung cấp hơn cho SMIC, vốn chiếm tới 5 tỉ USD doanh số bán thiết bị và vật liệu có xuất xứ từ Mỹ hằng năm.
Họ cũng cho rằng động thái như vậy sẽ "góp phần vào nhận thức ngày càng tăng" rằng việc vận chuyển hàng hóa của Mỹ là "không đáng tin cậy" và chiếm thị phần của nước này trên toàn thế giới.
“Chúng tôi kêu gọi Bộ Thương mại xem xét cẩn thận các tác động có hại trước mắt và lâu dài đối với ngành công nghiệp, kinh tế và an ninh quốc gia của Mỹ có thể, dẫn đến việc bổ sung SMIC vào danh sách thực thể”, nhóm có 2.400 thành viên trên toàn thế giới, gồm cả SMIC và các nhà cung cấp thiết bị sản xuất chip Mỹ như Lam Research, Applied Materials.
Bộ Thương mại Mỹ chưa bình luận về chuyện trên.
Joe Pasetti, Phó chủ tịch phụ trách chính sách công toàn cầu của SEMI cho biết: “Chúng tôi không bình luận về những bức thư nháp bị rò rỉ cho báo chí”.
Hôm 4.9, Reuters đưa tin Bộ Quốc phòng Mỹ đang làm việc với các cơ quan khác để xác định xem có nên thêm SMIC vào danh sách thực thể của Bộ Thương mại hay không. Điều này sẽ buộc các nhà cung cấp của Mỹ phải tìm kiếm các giấy phép khó xin trước khi giao hàng cho SMIC. Cổ phiếu của SMIC giảm gần 1/4 do tin tức này.
Vào thời điểm đó, SMIC cho biết họ "hoàn toàn bị sốc" trước thông tin đó nhưng sẵn sàng liên lạc với các cơ quan Chính phủ Mỹ với hy vọng giải quyết mọi hiểu lầm.
Trong khi một quan chức Bộ Quốc phòng Mỹ không tiết lộ động cơ của hành động được đề xuất, mối quan hệ của SMIC với quân đội Trung Quốc đang được giám sát chặt chẽ khi chính quyền Trump ngày càng tập trung vào sự phô trương sức mạnh quân sự của Trung Quốc, theo Reuters,.
Danh sách thực thể đã được chính quyền Trump sử dụng như một công cụ chống lại các công ty Trung Quốc đang bị giám sát ở Washington vì những lo ngại về an ninh quốc gia, từ gã khổng lồ viễn thông Huawei Technologies đến nhà sản xuất thiết bị giám sát Hikvision.
Một quy định mới vào tháng 5 vừa qua không cho phép nhà sản xuất giao chip cho Huawei mà không có sự chấp thuận từ Chính phủ Mỹ nếu những chip đó được làm bằng công nghệ Mỹ.
15.9 vừa qua là ngày cuối cùng TSMC ((Taiwan Semiconductor Manufacturing - Tập đoàn chip bán dẫn hàng đầu thế giới của Đài Loan) có thể giao chip cho Huawei mà không cần giấy phép của Bộ Thương mại Mỹ. Huawei là khách hàng lớn thứ hai của TSMC.
SMIC là nhà sản xuất chip lớn nhất Trung Quốc nhưng đứng sau đối thủ TSMC, công ty dẫn đầu thị trường trong ngành này. Vừa qua, SMIC đã xây dựng các xưởng đúc để sản xuất chip để có thể cạnh tranh với TSMC. Thế nhưng, SMIC đang phải đối mặt với những hạn chế mới từ Bộ Thương mại Mỹ, cụ thể là có thể phải xin giấy phép trước khi sản xuất chip cho các hãng khác nếu dựa vào công nghệ của Mỹ. Được biết, SMIC cũng là một trong những nhà sản xuất chip cho Huawei.
Chính quyền Trump ngày càng tập trung vào các công ty Trung Quốc được hỗ trợ bởi quân đội Trung Quốc. Hôm 26.8, Mỹ đưa vào danh sách đen 24 công ty Trung Quốc vì liên quan đến các hoạt động quân sự và xây dựng các đảo nhân tạo ở Biển Đông, gồm cả Công ty Xây dựng Truyền thông Trung Quốc và Tập đoàn Công nghệ Điện tử Trung Quốc.
Vài tháng qua, Bộ Quốc phòng Mỹ đã công bố hai danh sách các công ty Trung Quốc được cho thuộc sở hữu hoặc sự kiểm soát của quân đội nước này, trong đó có nhà sản xuất máy bay AVIC, hai nhà mạng lớn China Mobile và China Telecom.
Nhân Hoàng