30/32 địa phương và một số bộ ngành đã chi gần 2.162 tỉ đồng mua kit xét nghiệm từ Công ty Công nghệ Việt Á.

Nhiều địa phương, bộ ngành chi gần 2.200 tỉ đồng mua kit xét nghiệm của Việt Á

Tuyết Nhung | 10/06/2022, 10:00

30/32 địa phương và một số bộ ngành đã chi gần 2.162 tỉ đồng mua kit xét nghiệm từ Công ty Công nghệ Việt Á.

Kiểm toán nhà nước (KTNN) vừa gửi báo cáo kiểm toán chuyên đề việc huy động, quản lý, sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng chống dịch COVID-19 tại 9 bộ, cơ quan trung ương và 32 địa phương.

Tổng nguồn lực đã huy động cho công tác phòng chống dịch – theo báo cáo của các bộ, cơ quan trung ương, địa phương – là 376.200 tỉ đồng, trong đó có 130.500 tỉ đồng từ nguồn ngân sách nhà nước (NSNN) gồm: ngân sách trung ương (51.668 tỉ đồng), ngân sách địa phương (78.883 tỉ đồng).

11.400 tỉ đồng trong 376.200 tỉ đồng tổng nguồn lực được lấy từ nguồn viện trợ nước ngoài, đây là con số quy đổi từ 69 triệu liều vắc xin ngoại giao đã tiếp nhận tính tới 31.12.2021. Ngoài ra, còn 140.500 tỉ đồng từ nguồn thực hiện các chính sách hỗ trợ và 93.600 tỉ đồng từ nguồn huy động khác.

Về việc quản lý và sử dụng kit xét nghiệm, Kiểm toán nhà nước cho biết các bộ, ngành, địa phương được kiểm toán trong giai đoạn 2020-2021 đã thực hiện mua sắm sinh phẩm, hóa chất và 58.716.805 kit xét nghiệm, sinh phẩm xét nghiệm PCR với tổng giá trị 7.973 tỉ đồng. Các sản phẩm này được mua với các mức giá khác nhau, tùy thuộc vào chủng loại, xuất xứ, hãng sản xuất.

Đáng lưu ý, một số đơn vị mua sắm kit xét nghiệm từ Công ty cổ phần Công nghệ Việt Á giá trị 2.161,6 tỉ đồng. Hình thức mua là mua hàng trực tiếp hoặc qua đơn vị trung gian phân phối.

Có 30/32 địa phương được kiểm toán mua kit xét nghiệm của Việt Á, gồm Hà Nội mua trị giá hơn 41 tỉ đồng, Bắc Ninh gần 30 tỉ đồng, Vĩnh Phúc hơn 64 tỉ đồng, Nghệ An gần 29 tỉ đồng, Hà Tĩnh gần 9 tỉ đồng, Đà Nẵng hơn 275 tỉ đồng, Quảng Nam 126 triệu đồng, TP.HCM hơn 33 tỉ đồng, Bình Dương gần 93 tỉ đồng, Long An hơn 38 tỉ đồng, Tây Ninh hơn 13 tỉ đồng, Hải Dương hơn 166 tỉ đồng…

Chỉ 2 tỉnh trong các địa phương được kiểm toán không mua kit xét nghiệm của Việt Á là Bà Rịa – Vũng Tàu và Bình Thuận.

Kiểm toán nhà nước cho biết, Bộ Y tế và các đơn vị trực thuộc mua sắm sinh phẩm, kit xét nghiệm nhanh, PCR với giá trị hơn 617 tỉ đồng, gồm 1.269.404 kit xét nghiệm nhanh; 237.452 bộ kit xét nghiệm PCR với nhiều mức giá khác nhau.

Giá mua kit xét nghiệm nhanh dao động trong khoảng 47.000-220.500 đồng một kit xét nghiệm, giá mua bộ kit xét nghiệm PCR dao động trong khoảng 126.042-653.571 đồng một bộ.

Kiểm toán nhà nước đánh giá, việc quản lý, sử dụng sinh phẩm, kit xét nghiệm còn một số hạn chế như việc xây dựng kế hoạch xét nghiệm, phê duyệt, phân bổ kit xét nghiệm chưa kịp thời phục vụ công tác xét nghiệm; việc quản lý, giám sát chưa chặt chẽ, chưa theo dõi được số lượng thực dùng.

Thậm chí, có lô kit xét nghiệm PCR tài trợ qua lấy mẫu thử nghiệm chưa bảo đảm chất lượng sử dụng. Cụ thể, lô 4.000 kit tại Đà Nẵng do doanh nghiệp tài trợ chưa được Bộ Y tế thực hiện thử nghiệm chất lượng. Kết quả thử nghiệm của Viện Pasteur Nha Trang cho thấy bộ kit không có giá trị sử dụng vì kết quả độ nhạy bằng 0%.

Một số đơn vị, địa phương ghi nhận việc mượn, mua vật tư, kit xét nghiệm, sinh phẩm xét nghiệm từ các nhà cung cấp với nhiều hình thức khác nhau nhưng có hoặc không có văn bản thỏa thuận, có hoặc không có hợp đồng, đơn giá, phương án hoàn trả hoặc thiếu thông tin chi tiết.

Sau khi có kết luận kiểm toán, Kiểm toán nhà nước đã chuyển danh sách các đơn vị, địa phương vay, mượn kit xét nghiệm có dấu hiệu bất thường sang Thanh tra Chính phủ để biết và lưu ý khi thực hiện thanh tra theo chuyên đề tại các bộ, ngành, địa phương vào ngày 8.4 và ngày 27.4.

Bài liên quan
Khởi tố vụ án tại CDC Bạc Liêu liên quan Công ty Việt Á
Cơ quan điều tra xác định có dấu hiệu tội phạm trong việc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) tỉnh Bạc Liêu đấu thầu mua sinh phẩm, vật tư y tế của Công ty Việt Á.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Vui buồn nghề muối Bạc Liêu - Bài 3: Hiến kế phát triển nghề
Để nghề sản xuất muối vượt qua khó khăn, làm tiền đề để nâng cao đời sống và có nhiều hơn những hộ khá giàu, bà con diêm dân đã mạnh dạn hiến kế để chính quyền địa phương xem xét, lựa chọn kế sách phù hợp, từng bước đưa nghề muối ở Bạc Liêu phát triển bền vững, diêm dân sống được với nghề vốn được xem là truyền thống.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Nhiều địa phương, bộ ngành chi gần 2.200 tỉ đồng mua kit xét nghiệm của Việt Á