Thời gian gần đây, nhiều ngân hàng thương mại cổ phần đã đồng loạt giảm lãi suất huy động đối với tiền đồng (VND) từ 0,1-0,3% so với mức lãi suất trước đó ở nhiều kỳ hạn.
Cụ thể, Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) đã giảm lãi suất huy động từ 0,1-0,3%/năm cho các kỳ hạn. Mức giảm lên đến 0,3% dành cho kỳ hạn 15 tháng, xuống còn 7,3%/năm. Các kỳ hạn 7 tháng và 12 tháng giảm 0,1%, xuống tương ứng 6,9% và 7,1%/năm.
Tại Ngân hàng TMCP Bản Việt, lãi suất tiền gửi cũng giảm 0,1% cho kỳ hạn 6 tháng, kỳ hạn dài từ 18-60 tháng cũng giảm 0,1%, xuống còn 7,8%/năm.
Ngân hàng TMCP Quốc tế giảm 0,1-0,3%/năm cho tất cả các kỳ hạn, trong đó lãi suất huy động cho kỳ hạn 1-2 tháng giảm 0,1% còn 5,1%/năm; kỳ hạn từ 3-5 tháng giảm 0,3% còn 5,2%/năm; kỳ hạn 6-11 tháng giảm 0,15% về 5,6%/năm; các kỳ hạn trên 12 tháng giảm 0,05% còn 7,1%/năm.
Tương tự, Ngân hàng TMCP Việt Nam Thương tín giảm 0,1-0,3%/năm cho kỳ hạn 7 tháng, 12 tháng, 15 tháng.
Trong khi đó, Ngân hàng TMCP Hàng hải giảm 0,2% mức lãi suất huy động kỳ hạn 18-36 tháng, từ 7,4% còn 7,2%. Ngân hàng TMCP Đông Á cũng thông báo giảm lãi suất 0,1%/năm kỳ hạn 1 tháng.
Theo Ngân hàng Nhà nước, động thái giảm lãi suất huy động của nhiều ngân hàng thời gian gần đây là hết sức bình thường, bởi lẽ việc điều chỉnh này theo chiến lược kinh doanh và điều kiện thị trường.
Ngoài ra, do nhu cầu vốn tại một thời điểm nhất định, một số ngân hàng thương mại cổ phần có thể tăng lãi suất cục bộ và tạm thời nhưng sau đó lại điều chỉnh giảm phù hợp với cung cầu thị trường.
“Thực tế, thanh khoản của cả hệ thống ngân hàng hiện vẫn đang trong trạng thái khá dồi dào, thị trường không có áp lực tăng lãi suất. Do đó, nhìn chung mặt bằng lãi suất huy động và cho vay của các ngân hàng thương mại cổ phần vẫn giữ ổn định”, Ngân hàng Nhà nước nhận định.
Phan Diệu