Theo nhà sử học Dương Trung Quốc, Chính phủ và Hà Nội cần quan tâm và thận trọng đối với việc quy hoạch sông Hồng bởi đây không chỉ đơn thuần là vấn đề về kinh tế, văn hóa, mà còn cần đo cả về tâm lý xã hội thì mới có sự đồng thuận cao.
Liên quan đến việc quy hoạch sông Hồng, VOV đã có cuộc trao đổi với Đại biểu Quốc hội, Nhà Sử học Dương Trung Quốc về vấn đề này.
Hà Nội là mảnh đất kinh kỳ, ngàn năm văn hiến, gắn liền với sông Hồng. Gần đây TP Hà Nội đã đặt ra vấn đề quy hoạch lại 2 bên bờ sông. Với tư cách là một nhà nghiên cứu Lịch sử, ông nghĩ như thế nào về việc này?
- Ai cũng biết Thăng Long xưa Hà Nội nay nằm trên lòng của con sông Hồng, dấu tích của một thời rất nhiều hệ thống mặt nước, ao hồ đầm. Cách đây hơn 1.000 năm, khi Lý Công Uẩn dời đô ra Đại La, việc làm đầu tiên là đắp đê, tu xá.
Theo nguyên lý xưa, "nhất cận thị, nhị cận giang", một đô thị có phát triển được hay không cũng nhờ vào con sông. Hà Nội là một đô thị nhưng lại phát triển không bình thường, không phát triển 2 bên bờ sông. Vào những năm 1925, 1926, khu vực này bị một trận lụt rất lớn, từ đó người Pháp đắp một con đê rất cao chạy dọc bờ sông Hồng, tạo ra một khoảng cách ngăn cách giữa TP Hà Nội và bên kia sông. Vì vậy, có một thời gian dài, Hà Nội chỉ phát triển một bên bờ sông Hồng. Khu vực ngoài đê, sự quản lý rất lỏng lẻo, cùng với sức ép của dân số, phát triển thời kỳ đô thị hóa đã tạo ra một không gian dân cư rất lộn xộn 2 bên bờ sông và để lại "di sản" lớn hiện nay.
Do đó, cùng với sự phát triển của Hà Nội, không chỉ là mở rộng không gian mà việc phát triển đồng đều tả và hữu ngạn con sông là một nhu cầu vô cùng bức thiết, thể hiện sự văn minh, đúng đắn và rất kịp thời. Sông Hồng chảy qua thành phố Hà Nội, nó có thể là nguồn lực rất lớn về nước, giao thông, cảnh quan, về khí hậu. Nếu giải quyết tốt sẽ mang lại lợi ích ngược lại sẽ có không ít tai họa cả về mặt khí hậu và mặt trị thủy.
Tôi đã đọc tài liệu của Quân đội nhân dân Việt Nam khi thẩm vấn De Casteri,ông ấy là một người có trình độ tri thức rất cao. Trong đó ông ấy có nói "tôi mới đến Hà Nội thôi đã lên chiến trường rồi nhưng giờ ngắm lại mới thấy nó quá đẹp". Ông ấy chính là người đưa ra ví von rằng nhìn cầu Long Biên giống như một tháp Effielngả giữa lòng Hà Nội. Nhưng ông ấy cũng phát hiện ra một điều tại sao thành phố này lại quay lưng lại với con sông của nó. Ông ấy cảm nhận bãi giữa sông Hồn giống như Paris, tại sao không cải tạo biến bãi giữa đó thành một không gian sinh thái.
Trong văn hoá của người Việt, dòng sông mang một điều gì đó rất gắn bó, thân thuộc. Đặc biệt, với người Hà Nội, sông Hồng như một phần cuộc sống tinh thần, vật chất, thưa ông?
- Trong cái nhìn xưa nay về dòng sông có gì đó gắn với yếu tố linh thiêng, phong thủy. Xưa kia các cụ rất quan trọng trong vấn đề ứng xử với dòng sông, nói đến hà bá, thủy thần, thủy quái… như vậy người xưa muốn gửi gắm vào đó một sự trân trọng và cả thận trọng trong cách ứng xử.
Dòng sông vừa là mạch nguồn giao thông, cửa ngõ ra vào, liên quan cả về vấn đề an ninh quốc phòng, là dòng sông hữu nghị.
Một trong những lý do người Pháp muốn đánh Hà Nội là đòi quyền đi lại trên dòng sông Hồng, họ muốn nối kết giữa Việt Nam với một thị trường mà họ rất quan tâm là thị trường phía nam Trung Quốc.
Chính phủ và Hà Nội cần rất quan tâm và thận trọng bởi đây không chỉ đơn thuần là vấn đề về kinh tế, văn hóa, mà còn cần đo cả về tâm lý xã hộithì chúng ta mới có sự đồng thuận cao.
Sông Hồng không chỉ có giá trị về mặt tự nhiên, mà nó còn mang các giá trị văn hóa, lịch sử, nhưng có vẻ như hiện nay dòng sông này chưa được đối xử đúng với vai trò, vị trí vốn có của nó?
- Đương nhiên, thứ nhất chúng ta chưa khai thác đúng mức, thứ 2 chúng ta chưa đầu tư. Chúng ta mới chỉ khai thác được một phần nhưng vẫn chưa bài bản. Quản lý con sông là một hệ thống từ thượng nguồn xuống hạ nguồn, không phải chỉ ở mỗi Hà Nội, do đó phải có sự thống nhất về quản lý, quy hoạch. Bàn câu chuyện Hà Nội, nhưng chỉ có thể thành công nếu như liên kết được với thượng nguồn, hạ nguồn.
Vậy khi quy hoạch sông Hồng, chúng ta nên xây dựng như thế nào?
- Hà Nội đang thiếu lá phổi cải thiện môi trường sinh thái, do đó xây dựng môi trường sinh thái phải được đưa lên ưu tiên hàng đầu. Đây cũng chính là yếu tố quyết định chất lượng sống của con người trong xã hội hiện đại.
Chúng ta vẫn đang cótư duy kinh tế thuần túy, đổi cái này để lấy cái kia; đổi mặt bằng này lấy cái mặt bằng khác nhằm khai thác lợi ích. Tuy nhiên, khi thực hiện dự án này phải nhìn lâu dài, có triết lý, mục tiêu để thay đổi bộ mặt của Hà Nội, đặc biệt là trong lĩnh vực môi trường và sinh thái.
Ngày nay thậm chí chúng ta đã chặt nhỏ bãi giữa sông Hồng, chia cho các quận quản lý. Theo tôi, hoàn toàn không nên làm như vậy, mà nên thu về một mối. Khi thực hiện quy hoạch cần giải được câu hỏi người dân ở đó sẽ sống ra sao, sau đó mới tính đến những lợi ích khác.
Trong quá trình thực hiện quy hoạch lại 2 bên bờ sông Hồng, có lẽ sẽ không tránh khỏi sự va chạm với các di tích lịch sử mà gần nhất là cầu Long Biên. Liệu có sự mâu thuẫn không giữa quan điểm của những người làm xây dựng muốn bỏ cũ xây mới và ý chí bảo vệ các giá trị truyền thống của các nhà sử học?
- Thực tế vẫn luôn luôn có những xung đột lợi ích giữa bảo tồn và phát triển. Nhưng quy luật chung là muốn phát triển, trước hết phải bảo tồn tốt. Lâu nay chúng ta nghĩ rằng "phú quý sinh lễ nghĩa", nhưng đúng ra phải có lễ nghĩa mới sinh được phú quý.
Nếu chúng ta quan tâm nhiều hơn đến chất lượng, hàm lượng văn hóa, thì giá trị sinh ra sẽ cao hơn. Du lịch là một lĩnh vực minh chứng rõ nhất. Tại sao chúng ta không tư duy theo hướng đó? Còn việc bảo tồn như thế nào, thì phải tranh thủ trí tuệ từ người dân và từ nhân loại.
Trước đây cũng đã có dự án quy hoạch sông Hồng của Hàn Quốc được đưa ra xem xét, nhưng vì có những ý kiến trái chiều nên đã dừng lại. Vậy ông nghĩ như thế nào về việc chúng ta mời các đơn vị nước ngoài thực hiện dự án này, thưa ông?
- Tôi cho rằng việc sử dụng những nguồn tri thức nước ngoài cũng rất cần thiết nhưng chỉ có thể thành công bền vững khi dựa trên cơ sở nội lực của chính chúng ta.Ta chỉ nhờ vào viện trợ nước ngoài khi những yếu tố đó ta còn thiếu. Nhưng ngay cả khi đó, cũng không thể giao phó cho họ, mà phải coi đó là cơ hội để học hỏi, chuyển giao công nghệ.
Quy hoạch 2 bên bờ sông Hồng là vấn đề lớn, không phải chỉ làm cho xong. Tôi cho rằng, trước hết chúng ta cần khai thác tối đa nguồn lực trong nước, sau đó mời chuyên gia nước ngoài để bổ sung những gì chưa có. Trong đó, phải tiến đến tự quản lý, vì đây không chỉ đơn giản là vấn đề về địa lý mà còn liên quan đến cảnh quan, văn hóa, chính trị. Nếu như 2 bên bờ sông Hồng được xây dựng trở thành kiến trúc ngoại lai thì không phù hợp, mà nó phải gắn với không gian, kiến trúc và lối sống của người Hà Nội.
Theo ông, có nên xã hội hoá việc qui hoach, xây dựng hai bên bờ sông Hồng không?
- Trong việc này, vai trò đầu tiên thuộc về nhà nước và TP Hà Nội. Việc giao cho doanh nghiệp còn tùy thuộc vào từng mảng và thế mạnh của họ. Nhưng nếu ta giao phó hoàn toàn cho doanh nghiệp làm thì rủi ro nhiều hơn. Mặc dù ta đánh giá rất cao vai trò của doanh nghiệp tham gia vào chương trình, nhưng những lợi ích của doanh nghiệp rất dễ đánh đổi những giá trị mà chúng ta đang bàn tới.
Chúng ta sẽ khắc phục bằng một quy trình, lộ trình phù hợp, đừng vội vã, nôn nóng, mà phải có tầm nhìn lâu dài. Nguy hiểm nhất là chúng ta chỉ có cái nhìn ngắn hạn, theo nhiệm kỳ.
Vậy teo ông, nên qui hoạch sông Hồng như thế nào để nó có những nét rất đặc trưng?
- Về hình dáng người ta vẫn hay nhắc đến là sông nhĩ hà, nó như cái vành tai bao bọc Hà Nội lại, đó là hình thái tự nhiên. Dòng sông Hồng đỏ, sắp tới nó còn đỏ được nữa không, nếu như sắp tới thượng nguồn họ xây đập? Cái đó nằm ngoài mong muốn của chúng ta nhưng chúng ta cũng cần cố gắng để tạo ra những giá trị tốt nhất. Cái tốt, cái tối ưu của nó là gì, đó là phục vụ cho cộng đồng, mang lại an toàn, tích cực cho xã hội.
Người dân nào cũng sẽ ủng hộ chủ chương này, nhưng chủ chương này phải minh bạch, phải rõ ràng. Bây giờ là lúc đang đấu tranh chống tham nhũng. Mọi cái phải được công khai, không thể tạo ra những hố đen vì lợi ích của ai đó.
Cámcảm ơn ông!
Nhóm PV VOV