Những từ bị dùng sai ấy, nếu người viết, nhất là các nhà báo chỉ cần để ý, kỹ lưỡng một chút thôi là tránh được sai sót.
Khi viết về số nhiều một đối tượng gì đó, nhìn chung ngôn ngữ nước ngoài thường biến thể phần đuôi của danh từ (tiếng Anh, tiếng Nga chẳng hạn) nhưng tiếng Việt ta thì có hẳn danh từ chỉ số lượng đứng trước danh từ được nhắc đến. Cụ thể là "các" và "những". Nhưng có rất nhiều phóng viên không phân biệt được sự khác nhau của 2 danh từ này, dùng búa xua, tùy tiện, lúc thì tràn lan "các", lúc thì đầy "những", đọc rất khó chịu, hỏng cả tiếng Việt.
Nên nhớ: "Các" là từ dùng để chỉ số lượng nhiều xác định được, ví dụ: Các nước trên thế giới, các học sinh trong trường, các ủy viên trung ương; còn "những" để chỉ số lượng không xác định, ví dụ: Những vì sao (nhạc sĩ Phạm Tuyên trong bài Những ngôi sao ca đêm đã viết: Ơi, hỡi những vì sao, những người bạn đường đêm nay, sau này có vài ca sĩ hát sai thành hỡi các), những ngày thơ ấu, những kỷ niệm, những học sinh tiểu học (chỉ nói học sinh tiểu học chung chung chứ không xác định bao nhiêu)...
Nhiều bạn dùng không chính xác 2 từ "đạt" và "đoạt". Mới nghe thì có vẻ na ná nghĩa nhau, nhưng thực ra không phải. "Đạt" là từ chỉ sự phấn đấu, đến được đích, được người và tổ chức nào đó ghi nhận công lao của mình bằng danh hiệu gì đó. Ví dụ: Đạt lao động tiên tiến, đạt giải Lương Định Của, đạt danh hiệu chi bộ trong sạch vững mạnh. Còn "đoạt" thể hiện kết quả của sự tranh giành, chiếm lấy, giành lấy thứ gì đó về cho mình, trong cuộc tranh đua quyết liệt với người khác, nhóm khác, số đông khác. Ví dụ trong cuộc thi hoa hậu, các thí sinh phải đua tranh từng tí về sắc đẹp, trí tuệ, tình cảm..., ai có giải thì gọi là đoạt giải. Trong thể thao cũng thế, đoạt giải quả bóng vàng, chiếc giày vàng, kiện tướng này nọ. Cơ quan A nào đó được thưởng huân chương do có nhiều đóng góp thì gọi là đạt huân chương, nhưng khi thi đấu bóng bàn được vô địch thì gọi là đoạt chức vô địch.
Trong khá nhiều tờ báo, tôi thấy có sự nhầm lẫn, nói toạc ra là sai, khi dùng một số từ. Cụ thể:
Giành và dành: “Giành” là động từ để chỉ sự chiếm lấy, đoạt lấy cái gì đó, ví dụ: Giành chính quyền, giành huy chương; còn “dành” là giữ lại, giữ cái gì cho ai đó, ví dụ: Dành của hồi môn cho con gái. Không ít phóng viên đã không phân biệt được 2 từ này, chẳng hạn viết: Dành 3 huy chương vàng.
Rời và dời: “Rời” là động từ chỉ việc đi hoặc di chuyển khỏi chỗ nào đó, ví dụ: Cháu bé rời thành phố về nông thôn nghỉ hè; còn “dời” là chuyển cái gì đó từ chỗ này qua chỗ khác, ví dụ: Chiếu dời đô, dời nhà.
Hằng và hàng: “Hằng” là từ có gốc Hán Việt, chỉ sự lặp lại nhiều lần hoặc theo chu kỳ, ví dụ: Hằng ngày, hằng năm, hằng đẳng thức đáng nhớ; “hàng” là từ chỉ số nhiều, ví dụ: hàng chục năm, hàng trăm người. Cặp từ này nhiều người hay sai nhất, chẳng hạn viết “hàng ngày” mà đúng ra phải là “hằng ngày”, cũng có khi lại viết “hằng chục năm qua” trong khi phải là “hàng chục năm qua”...
Nguyễn Thông