Vương quốc Anh cuối cùng đã rời EU, gọi tắt là Brexit, vào 0 giờ hôm nay (theo giờ Anh) tức 7 giờ sáng nay theo giờ VN sau 47 năm là thành viên của tổ chức này. Brexit đánh dấu một trong những thay đổi chính trị và kinh tế lớn nhất trong lịch sử châu Âu hiện đại.

Nhìn lại việc Anh rời EU: Cuộc ly hôn nào cũng có nước mắt và tiếc nuối

01/02/2020, 08:46

Vương quốc Anh cuối cùng đã rời EU, gọi tắt là Brexit, vào 0 giờ hôm nay (theo giờ Anh) tức 7 giờ sáng nay theo giờ VN sau 47 năm là thành viên của tổ chức này. Brexit đánh dấu một trong những thay đổi chính trị và kinh tế lớn nhất trong lịch sử châu Âu hiện đại.

Hạ cờ Anh khỏi EU - Ảnh: Internet

Brexit cũng là dấu chấm cho quá trình 3 năm rưỡi đầy biến động đã gây xáo trộn ở đời sống chính trị của Vương quốc Anh, sự bất ổn kinh tế và căng thẳng gia tăng giữa Anh và EU - vốn là đối tác thương mại lớn nhất của Anh.

Cuộc chia ly vào ngày 31.1 cũng đánh dấu sự khởi đầu của một giai đoạn chuyển đổi trực tiếp, trong đó Vương quốc Anh vẫn là thành viên của một liên minh thị trường và hải quan chung nhưng phải bắt đầu đàm phán với EU để đạt được thỏa thuận thương mại tự do. Trong thời gian chuyển đổi, Anh sẽ không có quyền biểu quyết về các vấn đề của EU nhưng vẫn bị ràng buộc bởi các quy tắc của EU.

Chính phủ Anh đã đưa ra một thời hạn đầy tham vọng (và một số người nói là không thể thực hiện được) vào cuối năm 2020, trong đó phải đạt được thỏa thuận, nếu không sẽ rời khỏi khối thị trường mà không có thỏa thuận đầy phiêu lưu.

Vì đâu nên nỗi?

Vào ngày 23.6.2016, người dân Anh đã đi bỏ phiếu trong một cuộc trưng cầu về việc liệu Vương quốc Anh có nên là thành viên của EU hay không.

Với sự vận động với các chính trị gia, trong đó có Thủ tướng đương nhiệm Boris Johnson, 51,9% người Anh đã bỏ phiếu đồng ý việc rời khỏi EU trong khi chỉ 48,1% bỏ phiếu chọn ở lại châu Âu.

Đây là kết quả gây sốc nhưng phản ánh thái độ của nhiều người Anh khi chủ nghĩa đồng euro đã lan tràn trong nước trong nhiều thập niên. Trước khi tiến hành cuộc trưng cầu dân ý, người Anh bị tác động mạnh bởi tâm lý bài Âu của một số kênh truyên thông chính và sự trỗi dậy của các đảng theo xu hướng muốn độc lập.

Kèm theo đó, cuộc khủng hoảng di cư ở châu Âu năm 2016 đã làm nảy sinh lo ngại cho người Anh về việc Thổ Nhĩ Kỳ có thể gia nhập EU. Mong muốn rời EU của nhiều người Anh xuất phát một phần từ việc ngăn chặn dòng người nhập cư. Có nhiều người Anh vẫn muốn bảo lưu các giá trị truyền thống của hòn đảo này và không muốn bị hòa tan bởi lục địa.

Sau cuộc bỏ phiếu, Thủ tướng David Cameron – người theo chủ trương ở lại, đã lập tức từ chức. Chính phủ bà Theresa May ra đời để kích hoạt Điều khoản 50, bắt đầu quá trình đếm ngược 2 năm đối với Vương quốc Anh để chính thức rời khỏi EU.

EU và Anh sau đó đã ký một thỏa thuận Brexit nhưng không thể giành được sự chấp thuận của đa số Nghị viện Anh vào tháng 3.2019 và bà May buộc phải yêu cầu EU gia hạn thời hạn Brexit.

Thỏa thuận Brexit của bà May đã bị Quốc hội bác bỏ tổng cộng 3 lần dẫn đến bà buộc phải từ chức lãnh đạo đảng vào mùa hè năm ngoái và đương nhiên rời ghế thủ tướng. Sự ra đi của bà đã thúc đẩy một cuộc đua lãnh đạo trong đảng Bảo thủ cầm quyền và Johnson lên làm thủ tướng vào tháng 7.

Johnson quay trở lại Brussels và đàm phán lại các phần của thỏa thuận Brexit. Kế hoạch của ông ban đầu cũng bị các nhà lập pháp Anh từ chối nhưng một cuộc bỏ phiếu chớp nhoáng vào tháng 12 đã cho ông sức mạnh để giải quyết rốt ráo mọi thứ.

Chuyện gì xảy ra tiếp theo?

Vương quốc Anh giờ đây sẽ vẫn là một thành viên của thị trường chung EU nhưng chỉ trong giai đoạn chuyển đổi quá độ cho đến cuối năm 2020.

Trong thời gian đó, Anh và EU sẽ cố gắng đạt được thỏa thuận thương mại càng sớm càng tốt dù Brussels đã cảnh báo London rằng mối quan hệ thương mại sẽ không giống với thời hậu Brexit.

Thủ tướng Ireland Leo Varadkar đã đề nghị trong một cuộc phỏng vấn với BBC cuối tháng 1 vừa qua rằng EU sẽ là “tập thể mạnh mẽ hơn” trong các cuộc đàm phán thương mại thời hậu Brexit và rằng không dễ để đạt một thỏa thuận. Tuy nhiên, ông Johnson không tỏ ra bi quan mà tin tưởng có thể đạt thỏa thuận với EU trong thời hạn xác định.

Điều chắc chắn, và được nhắc lại nhiều lần bởi phía EU, đó là mối quan hệ kinh tế và chính trị sẽ thay đổi. Anh có thể không được hưởng thương mại tự do, thứ mà họ rất thích khi là thành viên của EU.

Thị trường EU được xây dựng trên nguyên tắc đảm bảo sự di chuyển tự do của hàng hóa, vốn, dịch vụ và lao động - 4 trụ cột về quyền tự do của tổ chức. Và với dân số hơn 500 triệu người, giá trị làm thành viên trong EU là một lợi ích cho các doanh nghiệp trong khối.

Cảm xúc lẫn lộn

Vẫn còn nhiều điều hối tiếc ở cả phía EU và một nửa nước Anh. Đối với các nước như Đức, thì việc mất Vương quốc Anh không chỉ là mất một trong những nền kinh tế lớn nhất trong khối, mà còn là một đồng minh quan trọng.

Có những giọt nước mắt, những cái ôm, những bài phát biểu đầy cảm xúc và nghẹn ngào trong Nghị viện châu Âu hôm thứ tư khi các nhà lập pháp phê chuẩn những điều khoản của Brexit và chấp nhận những thách thức đối với mối quan hệ tương lai giữa EU - Anh, và chính trong lòng EU.

Bộ trưởng Ngoại giao Đức Heiko Maas trong một lá thư gửi tới Vương quốc Anh, được đăng trên tờ báo Đức Die Zeit hôm thứ tư, viết rằng Đức bị tổn thương khi Anh dứt áo ra di.

“Không chỉ vì Liên minh châu Âu đang mất 66 triệu công dân và là một trong những nền kinh tế mạnh nhất. Các bạn đã luôn luôn là "nước Anh của toàn cầu" và điều đó đã tô điểm cho EU. Tính thực tế của bạn, sự bền bỉ, khiếu hài hước của bạn - thậm chí sự bảo thủ của các bạn đối với một số lựa chọn là điển hình của nước Anh. Sẽ rất tiếc khi các bạn rời khỏi EU trong vài giờ tới”, ông Mass bày tỏ.

Các nhà lập pháp ủng hộ Brexit ở Anh luôn lập luận rằng nước mình luôn cần chủ động và không chịu ràng buộc bởi các quy tắc và quy định (như họ thấy là những hạn chế) của châu Âu.

Nhưng Anh trong tương lai vẫn sẽ phải tuân theo nhiều quy tắc đó nếu muốn có mối quan hệ giao dịch chặt chẽ với EU. Vương quốc Anh sẽ thành công như thế nào sau Brexit và triển vọng về các thỏa thuận thương mại tự do trên khắp thế giới? Điều đó có thể nhìn thấy trước, đặc biệt là khi Vương quốc Anh chuyển từ một phần của một khối có ảnh hưởng lớn sang một thực thể nhỏ hơn nhiều.

Và cuối cùng, Brexit không chỉ là về một sự chuyển đổi của Anh trong các mối quan hệ kinh tế và chính trị của EU, mà nó còn chi phối cảm xúc. Brexit từng là nguyên nhân của nhiều bất đồng ở nhiều đường phố và trong từng mái nhà, là nguyên nhân thường chia rẽ gia đình và tình bạn của Anh. Nhưng từ hôm nay, người Anh sẽ chỉ còn coi Brexit là một hoài niệm và họ phải tự bước lên phía trước mà không còn “27 anh em đồng hành”.

Anh Tú

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
ĐBSCL khát khô giữa mùa hạn - Bài 3: Nỗ lực giải cơn 'khát' cho từng nhà
31 giây trước Bảo vệ môi trường
Tình trạng thiếu nước sinh hoạt đang diễn ra gay gắt tại nhiều tỉnh thành vùng ĐBSCL. Để giúp người dân có nước ngọt phục vụ cho sinh hoạt, ăn uống, bằng nhiều cách, lãnh đạo các địa phương đã rất nỗ lực đưa nước sạch đến tận nơi.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Nhìn lại việc Anh rời EU: Cuộc ly hôn nào cũng có nước mắt và tiếc nuối