Điều quan trọng là tìm hiểu xem thiền là gì. Chính khi tìm hiểu thiền là gì, ta đang thiền. Bạn hiểu chứ?
Thiền rất quan trọng, nhưng điều quan trọng hơn nữa là phải hiểu thiền là gì, nếu không trí não sẽ bị vướng mắc vào kỹ thuật thuần túy. Học một mẹo hít thở mới, ngồi ở một tư thế nhất định, giữ thẳng lưng, tập theo một trong nhiều phương pháp để nhằm làm cho trí não yên lặng - tất cả những thứ đó chẳng hề quan trọng. Điều quan trọng là tìm hiểu xem thiền là gì. Chính khi tìm hiểu thiền là gì, ta đang thiền. Bạn hiểu chứ? Hãy từ từ, thưa các bạn, đừng vội đồng ý hay không đồng ý.
Thiền là gì?
Nếu bạn không biết thiền là gì thì cũng giống như một bông hoa không có hương thơm. Bạn có thể có năng lực tuyệt vời khi nói, vẽ hay tận hưởng cuộc sống; bạn có thể có một kiến thức như bách khoa toàn thư và kết hợp được mọi kiến thức, nhưng tất cả những điều ấy cũng vô nghĩa nếu bạn không biết thiền là gì.
Thiền cực kỳ quan trọng. Nhưng ta lại luôn đặt ra câu hỏi sai và do đó mà nhận được câu trả lời sai. Ta nói: “Tôi phải thiền như thế nào?”, rồi thế là ta tìm đến một thầy giảng đạo nào đó, hoặc ta nhặt lấy một quyển sách, hoặc theo đuổi một phương pháp, với hy vọng học được cách thiền. Bây giờ, nếu ta có thể gạt bỏ tất cả những thứ đó, những thầy đạo, người dạy thở, dạy ngồi yên, vân vân, thì tất yếu ta phải đi đến câu hỏi này: Thiền là gì?
Xin hãy lắng nghe thật kỹ. Ta không hỏi cách thiền như thế nào, hay kỹ thuật nhận thức là gì, mà ta hỏi thiền là gì. Đó mới là câu hỏi đúng. Nếu bạn đặt ra một câu hỏi sai, bạn sẽ nhận được một câu trả lời sai, nhưng nếu bạn đặt ra một câu hỏi đúng, thì chính câu hỏi đó sẽ tiết lộ câu trả lời đúng. Vậy, bạn có biết thiền là gì không?
Đừng lặp lại những điều bạn đã nghe người khác nói, ngay cả khi bạn biết người nào đó, như tôi biết, đã dành cả hai mươi lăm năm để thiền. Bạn có biết thiền là gì không? Rõ ràng là bạn không biết, phải không? Bạn có thể đã đọc những gì các giáo sĩ, các vị thánh, những nhà ẩn tu nói về việc suy niệm và cầu nguyện, nhưng tôi không hề nói về những điều đó. Tôi đang nói về thiền - không phải theo nghĩa trong từ điển, bạn có thể tra cứu sau.
“Tôi không biết”
Thiền là gì? Bạn không biết. Và đó là cơ sở để dựa vào mà thiền. “Tôi không biết.” Bạn có hiểu được vẻ đẹp của điều đó không? Nó có nghĩa là trí não tôi đã trút sạch mọi kỹ thuật, mọi thông tin về thiền, mọi điều người khác đã nói về nó. Trí não tôi thật sự không biết. Ta chỉ có thể tiến hành khám phá xem thiền là gì khi bạn thành thật nói rằng bạn không biết.
Và bạn không thể nói “Tôi không biết” nếu trong trí não bạn vẫn còn le lói một ý niệm mơ hồ của các thông tin thứ cấp. Vậy, trí não có thể ở trong một trạng thái mà nó nói rằng “Tôi không biết” được không? Trạng thái đó là khởi đầu và là kết thúc của thiền, bởi vì trong trạng thái đó mọi trải nghiệm - từng trải nghiệm - đều được hiểu mà không tích lũy. Bạn hiểu chứ? Bạn muốn kiểm soát tư duy của mình, và khi bạn kiểm soát tư duy của mình, giữ cho nó không bị xao lãng, năng lượng của bạn dồn cho sự kiểm soát chứ không phải cho tư duy. Bạn hiểu chứ? Chỉ có thể thu thập năng lượng khi năng lượng không bị lãng phí cho sự kiểm soát, cho sự chinh phục, cho việc đấu tranh với sự xao lãng, cho những giả thuyết, cho việc theo đuổi, hay những động cơ; và sự thu thập năng lượng, tư tưởng mênh mông này không hề có sự chuyển động.
Bạn hiểu không? Khi bạn nói “Tôi không biết”, tư tưởng của bạn không động đậy gì cả, phải không? Tư tưởng chỉ chuyển động khi bạn bắt đầu truy vấn, tìm hiểu, và cuộc tìm hiểu của bạn đi từ cái đã biết này đến cái đã biết khác. Nếu bạn không theo kịp điều này, có lẽ bạn sẽ suy ngẫm về nó sau.
Thiền là một quá trình thanh lọc trí não. Việc thanh lọc trí não chỉ có thể diễn ra khi không còn người kiểm soát; khi kiểm soát, chính người kiểm soát làm tiêu mòn năng lượng. Sự tiêu mòn năng lượng bắt đầu từ sự va chạm giữa người kiểm soát và đối tượng mà người đó muốn kiểm soát. Vậy, khi bạn nói “Tôi không biết”, tư tưởng không còn chuyển động theo bất kỳ phương hướng nào để tìm một câu trả lời; trí não hoàn toàn tĩnh lặng. Và để trí não tĩnh lặng, cần phải có một năng lượng khủng khiếp. Trí não không thể tĩnh lặng nếu không có năng lượng - không phải thứ năng lượng bị tiêu mòn vì xung đột, đàn áp, thống trị, hoặc vì cầu nguyện, tìm kiếm, van nài, vốn bao hàm một chuyển động, mà là thứ năng lượng vốn là sự chú tâm hoàn toàn.
Bất kỳ sự chuyển động nào của tư tưởng theo bất kỳ phương hướng nào cũng là tiêu mòn năng lượng, và để trí não hoàn toàn tĩnh lặng thì phải có năng lượng của sự chú tâm hoàn toàn. Chỉ khi đó mới xuất hiện cái mà không do mời gọi, không do tìm kiếm, cái mà không có gì phải tôn kính, không do theo đuổi thông qua đạo đức hay sự hy sinh dâng hiến. Trạng thái đó là sáng tạo, tức là cái phi thời gian, cái chân thực.