BUYO Bioplastics là doanh nghiệp cung cấp nhựa sinh học 100% nguồn gốc tự nhiên và phân hủy sinh học đi từ chất thải hữu cơ.
Trải qua hơn 100 ngày, từ 500 hồ sơ qua 4 vòng xét tuyển, 10 đội xuất sắc nhất đã tham gia tranh tài tại vòng chung kết cuộc thi Tìm kiếm tài năng khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia Techfest Việt Nam 2023, diễn ra vào ngày 24.11 tại TP.HCM.
Thúc đẩy các giải pháp đổi mới sáng tạo
Hưởng ứng chủ đề chung “Phát huy tài nguyên đất nước - Nâng tầm hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Việt Nam hội nhập quốc tế”, cuộc thi Tìm kiếm tài năng khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia Techfest Việt Nam 2023 hướng đến thúc đẩy các giải pháp đổi mới sáng tạo từ doanh nghiệp khởi nghiệp, góp phần thúc đẩy hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo cũng như góp phần tăng trưởng nền kinh tế Việt Nam.
Từ 10 đội thi, Ban giám khảo đã chọn ra 3 đội xuất sắc nhất để trao giải. Quán quân của cuộc thi năm nay là đội BUYO Bioplastics. Đây là doanh nghiệp cung cấp nhựa sinh học 100% nguồn gốc tự nhiên và phân hủy sinh học đi từ chất thải hữu cơ, với công nghệ độc quyền sáng chế. Sản phẩm có khả năng phân hủy hoàn toàn trong môi trường tự nhiên và an toàn cho sức khỏe, giảm thiểu phát thải carbon.
Giải Nhì thuộc về đội thi AIRX CARBON với giải pháp thúc đẩy nền kinh tế tuần hoàn bằng cách sử dụng chất thải nông nghiệp, công nghiệp và lâm nghiệp để tạo ra hạt nhựa sinh học.
Giải Ba thuộc về đội CENERGY - đơn vị nghiên cứu phát triển và sản xuất hệ thống tích trữ năng lượng dựa trên công nghệ ắc quy dòng chảy tại Việt Nam; hướng tới giải quyết cơ sở hạ tầng lưu trữ năng lượng còn hạn chế ở Việt Nam, cho phép sử dụng hiệu quả năng lượng tái tạo, thúc đẩy sự ổn định của lưới điện và hỗ trợ các hoạt động sử dụng năng lượng bền vững.
Giao thoa giữa đổi mới sáng tạo và phát triển bền vững
Theo nguyên Thứ trưởng Bộ KH-CN Trần Văn Tùng, cuộc thi đóng vai trò là phễu lọc, nơi đấu nối các cuộc thi khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo trong nước và cộng đồng người Việt nước ngoài, để tìm kiếm những gương mặt đại diện Việt Nam trên hành trình vươn tầm quốc tế.
Cuộc thi cũng tạo cảm hứng về tác động mạnh mẽ mà các doanh nghiệp khởi nghiệp có thể mang lại cho cộng đồng và sự phát triển kinh tế xã hội quốc gia.
Ông Tùng cho biết tình hình phát triển kinh tế - xã hội cũng xuất hiện những đề bài, những bài toán đòi hỏi giải pháp sáng tạo và thoát ra khỏi cách giải quyết khó khăn kiểu truyền thống. Chúng ta cần khuyến khích những người có năng lực, kiến thức công nghệ, tìm thấy sự hợp tác với các nhà lãnh đạo, tài năng kinh doanh để xây dựng mô hình sản phẩm, giải pháp công nghệ đáp ứng kỹ thuật, mang tính bền vững, hài hòa với môi trường, hướng đến giá trị nhân văn…
Đến với cuộc thi năm nay, BTC lựa chọn và khuyến khích nhóm doanh nghiệp khởi nghiệp công nghệ cao và nhóm doanh nghiệp ứng dụng công nghệ để xây dựng các mô hình kinh doanh theo hướng xanh, bền vững.
Theo bà Nguyễn Nhã Quyên - Trưởng ban tổ chức cuộc thi, Giám đốc vận hành SVF, bên cạnh các dự án là các nền tảng, dịch vụ chuyển đổi số thì phần lớn các sản phẩm trong top 20, top 10 đều có công nghệ sâu, giải pháp đổi mới sáng tạo về vật liệu mới, các loại nhựa sinh học, các sản phẩm liên quan đến tích trữ năng lượng, tiết kiệm năng lượng…
Bà Quyên đánh giá đó cũng là một yếu tố làm BTC cảm thấy đổi mới sáng tạo và phát triển bền vững đang ngày càng giao thoa. Điều đó cho thấy rất nhiều nhà khởi nghiệp, nhà sáng tạo thật sự đã hiểu hơn về nhu cầu thị trường, cho ra các sản phẩm tạo tác động lớn đến xã hội, cộng đồng và nền kinh tế Việt Nam.
Nguyên Thứ trưởng Bộ KH-CN Trần Văn Tùng bày tỏ: “Bộ KH-CN, Ban điều hành Đề án 844 cam kết tiếp tục hỗ trợ, tạo điều kiện để các ý tưởng của người Việt, các nhóm khởi nghiệp đổi mới sáng tạo có thể tiếp tục phát triển, đồng hành cùng kinh tế của đất nước”.
Ông Tùng hy vọng những giải pháp, sáng kiến đổi mới sáng tạo sẽ tham gia giải quyết các bài toán của các cơ quan quản lý nhà nước, tập đoàn, tổng công ty, để phát triển xanh, bền vững và thực hiện cam kết của Việt Nam với thế giới là Net-Zero vào năm 2050.