Tổng thống Recep Tayyip Erdogan là nhân vật quan trọng trong chính trường Thổ Nhĩ Kỳ hiện nay.
Chính trị gia 69 tuổi này giữ chức Thị trưởng Istanbul giai đoạn 1994-1998, sau đó vươn lên nắm giữ nhiều vị trí hàng đầu. Ông thành lập đảng Phát triển và công lý Hồi giáo (AKP) ôn hòa vào năm 2001 và dẫn dắt đảng thắng cử một năm sau đó.
Giai đoạn 2003-2014, ông Erdogan giữ chức thủ tướng rồi trở thành tổng thống sau khi từ chức lãnh đạo AKP. Ông nhanh chóng củng cố quyền lực và vào năm 2017 tổ chức trưng cầu dân ý để thông qua một loạt sửa đổi hiến pháp nhằm trao cho tổng thống nhiều quyền hạn hơn.
Không có nhà lãnh đạo nào trong 100 năm có sự kiểm soát với nền chính trị, chính quyền và tư pháp Thổ Nhĩ Kỳ lớn như Tổng thống Erdogan. Vào năm 2012, ông từng nhận xét phân chia quyền lực là “chướng ngại”.
Nhưng hiện tại Tổng thống Erdogan phải chịu áp lực lớn vì đất nước chìm trong khủng hoảng kinh tế, nhân quyền lẫn pháp quyền ngày càng bị hạn chế. AKP giờ đây liên minh với đảng Phong trào dân tộc chủ nghĩa (MHP) cực đoan. Vì vậy cử tri tham gia bỏ phiếu ngày 14.5 tới hoàn toàn có thể bầu cho các ứng viên khác.
Kemal Kilicdaroglu
Dù chưa bao giờ được xem như nhân vật lãnh đạo đương nhiên của phe đối lập, nhưng chính trị gia Kemal Kilicdaroglu lại vươn lên giành ưu thế và sẽ tranh cử vào tháng 5 tới với tư cách đại diện cho liên minh đối lập gồm 6 đảng.
Ông có biệt danh “Bác dân chủ”, nổi tiếng là quan chức chống tham nhũng, lãnh đạo đảng Cộng hòa nhân dân (CHP) từ năm 2007.
Chính trị gia Kilicdaroglu cùng liên minh đối lập cam kết biến Thổ Nhĩ Kỳ thành “một hệ thống nghị viện vững mạnh”. Họ muốn đảo ngược loạt thay đổi hiến pháp mà Tổng thống Erdogan đã thực hiện, khôi phục nền dân chủ nghị viện, pháp quyền, tự do ngôn luận, đồng thời đảm bảo phân chia quyền lực được tôn trọng trở lại.
Trả lời phỏng vấn của hãng tin Deutsche Welle, chính trị gia Kilicdaroglu nói rằng nếu lên nắm quyền ông sẽ bãi bỏ quy định xúc phạm tổng thống là phạm tội hình sự.
Ông được Thị trưởng Istanbul Ekrem Imamoglu và Thị trưởng Ankara Mansur Yavas ủng hộ. Nếu chính trị gia Kilicdaroglu đắc cử thì cả hai vị này sẽ trở thành phó tổng thống.
Nhiều chính trị gia người Kurd có ảnh hưởng mong đợi cử tri Kurd ở Thổ Nhĩ Kỳ - chiếm từ 15 đến 20% tổng số cử tri - sẽ ủng hộ chính trị gia Kilicdaroglu.
Muharrem Ince
Đây là một trong 2 chính trị gia phe đối lập quyết định tự tranh cử. Năm 2018 ông từng đại diện CHP tranh cử nhưng thất bại trước Tổng thống Erdogan dù nhận được 30% phiếu bầu.
Chính trị gia Ince sau đó rời khỏi CHP, thành lập đảng Tổ quốc (Memleket Partisi). Ông cáo buộc CHP không toàn lực hỗ trợ mình 5 năm trước.
Ở lần này, đàm phán giữa hai chính trị gia Kilicdaroglu và Ince không thể thuyết phục cựu đảng viên CHP thay đổi quyết định tranh cử.
Sinan Ogan
Đây là ứng viên có ít khả năng chiến thắng nhất, nhận ủng hộ từ liên minh gồm vài đảng nhỏ theo chủ nghĩa dân tộc cực đoan.
Năm 2011, chính trị gia Ogan trở thành nghị sĩ với tư cách đảng viên MHP, sau đó bị khai trừ khỏi đảng đến 2 lần. MHP cáo buộc ông có hành vi làm tổn hại nghiêm trọng đến tình đoàn kết của đảng, vô kỷ luật với chủ tịch đảng.
Là nhân vật theo chủ nghĩa dân tộc trung thành, lập trường chính sách đối ngoại của ông rất rõ ràng: ngừng kỷ niệm quốc khánh Hy Lạp và đặc biệt chú ý đến các quốc gia Azerbaijan, Kazakhstan, Kyrgyzstan và Uzbekistan.
Mọi phiếu bầu đều đáng giá
Năm 1994 khi bầu cử Thị trưởng Istanbul diễn ra, 4 ứng viên của các đảng không theo Hồi giáo lần lượt giành được 22%, 20%, 15% và 12% phiếu bầu, ông Erdogan giành chiến thắng trong gang tấc với 25% phiếu bầu.
Trong lần bầu cử tổng thống tháng 5 tới, phe đối lập lo ngại tình trạng mất đoàn kết nội bộ có thể giúp cho Tổng thống Erdogan chiến thắng lần nữa.