“Bao nhiêu năm qua anh em chạy xe ôm, xe lôi máy tụi tui xem việc cứu giúp người bị tai nạn giao thông là nghĩa vụ phải làm”, anh Giang nói.
Ngày 12.1, Giám đốc Công an tỉnh Long An đã khen thưởng 7 cá nhân đóng góp nhiều công sức trong việc cứu người bị nạn, bảo vệ tư trang của các nạn nhân, bảo vệ và thu dọn hiện trường vụ tai nạn giao thông thảm khốc do xe container gây ra tại ngã tư “tử thần” Bình Nhựt (huyện Bến Lức, tỉnh Long An) hôm 2.1. Tai nạn thảm khốc khiến 4 người chết, 18 người bị thương nặng phải vào viện cấp cứu.
7 người được khen thưởng là các anh, chị: Trần Quốc Lợi, Nguyễn Văn Kiệt, Lục Anh Minh (cùng ngụ ấp 1, xã Thạnh Đức, H.Bến Lức); Đặng Trường Giang (ngụ ấp 6, xã Thạnh Đức), Nguyễn Văn Đạo, Võ Tuấn Dũng (ngụ ấp 4, xã Nhựt Chánh) - H.Bến Lức; Nguyễn Thị Phượng (xã Định Thủy, H.Mỏ Cày Nam, tỉnh Bến Tre). Ngoài giấy khen của Giám đốc Công an tỉnh, các anh, chị còn được thưởng 420.000 đồng/người.
Cứu người là trên hết
Bộ bàn ghế bằng xi măng ở bãi đất trống cạnh chốt đèn tín hiệu giao thông ngã tư Bình Nhựt là “đại bản doanh” của những anh tài xế xe ôm, xe lôi máy nghĩa hiệp vừa được khen thưởng. Trưa mấy ngày sau, khi PV đến, chỉ có anh Giang và Kiệt ngồi chờ khách. Những người khác đang trên đường chở khách mưu sinh, còn chị Phượng thì đi bán vé số ở đâu không ai rõ.
Nhắc chuyện được Giám đốc Công an tỉnh khen thưởng, 2 anh Giang và Kiệt cười tít mắt, cho biết lúc nhận được giấy mời đến UBND xã Nhựt Chánh (nơi tổ chức lễ khen thưởng), mấy anh em bảo nhau: “Trời đất, chuyện qua rồi mà còn … bị công an mời là sao?”. Khi vào đến UBND xã Nhựt Chánh, biết “công an mời” để tặng giấy khen thì mọi người mới thở phào nhẹ nhõm.
Anh Giang nói: “Thật sự là anh em tụi tui rất bất ngờ. Lúc tai nạn xảy ra, hiện trường ngổn ngang người chết, người bị thương, tụi tui chỉ tập trung lo cứu người chứ có ai nghĩ cứu người để được khen thưởng. Mà tui cũng không biết ai lập danh sách khen thưởng anh em tụi tui, vì lúc đó tại hiện trường có rất nhiều người tham gia cứu nạn”.
“Lúc tui đang đậu xe gần ngã tư chờ khách thì nghe tiếng va chạm rầm rầm trên quốc lộ, rồi tiếng nhiều người kêu la hoảng loạn, thảm thiết. Tui nhìn ra lộ thấy chiếc xe container vẫn chạy ào ào qua ngã tư mà không thèm dừng lại, dưới gầm cuốn theo nhiều xe gắn máy, có người còn bị kẹt trong gầm xe”, anh Giang nhớ lại.
Bỏ chiếc xe của mình bên lề đường, anh Giang tức tốc chạy đến hiện trường vụ tai nạn. Nhìn thấy nhiều người bị thương, bị chết nằm la liệt trên mặt đường, anh Giang cùng nhiều người khác xông vào cứu giúp. Đang loay hoay tìm phương tiện đưa người đi bệnh viện thì anh Giang nhìn thấy anh Kiệt vừa chạy chiếc xe lôi máy biển số 61B1-128-35 về tới ngã tư, nên kêu anh Kiệt đưa xe đến chở người bị thương đi cấp cứu.
“Tui vừa chạy xe về tới ngã tư thì tai nạn xảy ra. Nghe anh Giang kêu cứu người, tui phóng xe đến, còn anh Giang và mọi người khiêng nạn nhân lên xe, rồi ảnh cùng tui đưa người bị thương qua Bệnh viện Bến Lức”, anh Kiệt nhớ lại. Tổng cộng 2 anh Giang, Kiệt chạy 4 chuyến cấp cứu, đưa được 4 người đến bệnh viện kịp thời, người cuối cùng là 1 thanh niên bị kẹt dưới gầm xe container.
Khi không còn nạn nhân trên mặt đường, 2 anh Giang, Kiệt lại lao vào cùng mọi người thu dọn tư trang của các nạn nhân chất thành đống chờ công an đến để bàn giao, sau đó lại xắn tay cùng mọi người thu dọn hiện trường, đưa 21 chiếc xe gắn máy bị xe contai ner cán nát bét lên xe đặc chủng của công an.
Ngày 12.1 Giám đốc Công an tỉnh Long An khen thưởng 7 người đóng góp nhiều công sức trong vụ tai nạn ngày 2.1 (chị Phượng không có mặt) - Ảnh: Thanh Anh
“Thu dọn xong hiện trường thì trời đã tối mịt, lúc đó tui mới nhớ chiếc xe gắn máy của mình bỏ bên đường nên đi tìm, thấy nó… vẫn chưa bị mất”, anh Giang cười xòa, nói. Còn anh Kiệt cho biết, trong lúc cùng mọi người đưa các nạn nhân đi cấp cứu, thu dọn hiện trường vụ tai nạn, nhiều cuộc điện thoại của khách quen kêu anh đi chở hàng, nhưng anh đều gạt phắt, nói đang bận công việc. “Sau vụ đó mấy mối khách quen giận tui, nhưng khi họ biết tui bận lo cứu người, dọn dẹp hiện trường tai nạn thì họ thông cảm, hết giận rồi”, anh Kiệt kể.
Cảm động nhất là trường hợp của anh xe ôm Trần Quốc Lợi. Khi tai nạn xảy ra, anh Lợi cũng bỏ xe bên đường lao vào cứu nạn. Bản thân anh Lợi đưa được 5 nạn nhân đi cấp cứu tại Bệnh viện Bến Lức. Sau khi các nạn nhân sơ cứu xong và được chuyển viện lên Bệnh viện Chợ Rẫy TP.HCM, thấy có nhiều người không có thân nhân, nên anh Lợi chẳng kịp suy nghĩ, nhảy theo xe cấp cứu đi cùng nạn nhân.
Đến Bệnh viện Chợ Rẫy, lúc các nạn nhân vào phòng cấp cứu thì anh Lợi ngồi bên ngoài giữ tư trang cho họ, chạy đôn chạy đáo làm các thủ tục cần thiết cho bệnh nhân khi các y, bác sĩ yêu cầu. Đến lúc các nạn nhân đã ổn định, tư trang của nạn nhân đã giao cho người thân của họ thì trời tối mịt, anh Lợi ra về nhưng sờ vào túi thì… không có đồng nào để trả tiền xe.
Nhiều người biết chuyện tặng anh tiền xe về Long An nhưng anh nhất quyết từ chối, dự định kêu xe ôm chở về đến Bến Lức sẽ trả tiền. Nhưng rất may là anh Lợi nhìn thấy 1 xe cấp cứu của Long An chuyển bệnh nhân đến Bệnh viện Chợ Rẫy nên xin quá giang về Bến Lức.
“Lo lắng cho những người bị tai nạn nên tui đi theo họ lên Bệnh viện Chợ Rẫy mà… quên rước đứa con nhỏ đang đi học. Tới Sài Gòn mới nhớ nên phải điện thoại về nhờ vợ đón dùm. Lúc quá giang xe cấp cứu về tới Bến Lức, tui đi tìm thì thấy chiếc xe gắn máy mình bỏ bên lề đường vẫn còn, mừng hết biết”, anh Lợi nói.
Cứu người là nghĩa vụ
Anh Lợi đang ở trong căn nhà tạm bợ cùng cha mẹ và vợ con,anh Giang thì thuê phòng trọ để tá túc, 41 tuổi mà vẫn độc thân. Cònanh Kiệt có 2 con nhỏ đang đi học, vợ làm công nhân. Thu nhập từ nghề chạy xe ôm, xe lôi máy của các anh chỉ khoảng 150.000 - 200.000 đồng/ngày, nhưng khi thân nhân những người bị nạn tìm đến tận nhà đền ơn thì các anh đều nhỏ nhẹ từ chối.
Anh Giang nói, cứu người mà chăm chăm chờ người ta đến trả ơn thì chẳng còn ý nghĩa gì, trong khi anh Lợi, anh Kiệt cho biết họ luôn sống theo lời cha mẹ giáo huấn: cứu người là việc cần làm, phải làm, không được nghĩ đến chuyện đền ơn. “Hôm nay mình cứu người làm phước, làm việc thiện tích đức thì ngày sau con cháu mình gặp nạn sẽ có người khác cứu giúp, tụi tui chỉ suy nghĩ vậy”, anh Kiệt nói.
Bãi đất trống cạnh trụ đèn tín hiệu giao thông ngã tư Bình Nhựt, nơi ông Cận và nhiều người cho rằng nếu tài xế Hiếu lao xe vào thì tai nạn thảm khốc đã không xảy ra - Ảnh: Thanh Anh
Ông Đặng Văn Cận, 62 tuổi, chạy xe lôi máy nhiều năm ở ngã tư Bình Nhựt, cho biết nhiều năm qua nhóm tài xế xe ôm, xe lôi máy đã cứu nạn, cứu hộ không biết bao nhiêu người bị tai nạntại ngã tư Bình Nhựt hay bất kỳ nơi nào trên đường họ mưu sinh. Điều đặc biệt là khi thân nhân người bị nạn tìm đến đền ơn, không ai chịu nhận tiền, nhận quà của họ vì cánh xe ôm, xe lôi máy luôn tâm niệm với nhau: “Thi ân bất cầu báo”.
Nhắc đến hỗn danh “ngã tư tử thần”, ông Cận cho biết sở dĩ có tên như vậy là vì khu vực này thường xuyên xảy ra tai nạn, nhưng vụ tai nạn ngày 2.1 là vụ kinh hoàng lần đầu tiên ông chứng kiến.
“Tui chứng kiến vụ tai nạn từ đầu đến cuối, nếu chiếc container lách tránh chiếc xe tải rồi đâm luôn vào bãi đất trống cạnh ngã tư thì chỉ bị lún, kêu xe cẩu đến kéo lên là xong, vụ tai nạn kinh hoàng, thương tâm sẽ không xảy ra.
Sau khi tai nạn xảy ra tui mới biết thằng Hiếu (tài xế Phạm Thành Hiếu) ở gần nhà tui cầm lái xe containersau khi đã uống rượu say và chơi ma túy, nên rất bàng hoàng, rất giận nó bởi nó bình thường hiền lắm, chạy xe nuôi 1 vợ 2 con và cả nhà bên vợ. Từ khi tai nạn xảy ra đến nay nhà nó đóng cửa suốt bởi ai đi ngang cũng chỉ trỏ, xì xào, vợ nó và mẹ vợ chẳng dám bước chân ra đường”, ông Cận cho biết.
Thanh Anh