“Hãy cứ sợ hãi, nhưng hãy cứ bắt tay vào làm. Điều quan trọng là hành động. Bạn không cần đợi đến lúc cảm thấy tự tin. Hãy cứ hành động và cảm giác tự tin sẽ đến”.
Tôi rất muốn quay trở lại thảm đấu, nhưng giờ tôi đã bốn mươi tuổi, vừa làm mẹ vừa làm một nhà tâm lý học. Ở độ tuổi này, với tất cả những trách nhiệm phải gánh vác trên vai, làm sao tôi có thể nghĩ đến võ thuật?
Tệ hơn, tôi còn mắc một chứng bệnh mạn tính ảnh hưởng đến sinh hoạt hằng ngày và khiến việc đi đứng bình thường cũng trở thành một thử thách. Đó là hội chứng nhịp tim nhanh ở tư thế đứng (POTS), có thể gây ra một loạt các triệu chứng, tệ nhất là ngất xỉu, choáng váng, mệt mỏi và khó thở. Tôi cho rằng một người mắc hội chứng POTS tập võ sẽ chẳng khác gì một vận động viên chơi trong Giải bóng bầu dục Quốc gia với đôi giày cao gót.
Đúng lúc này, các huấn luyện viên võ thuật mở một lớp học võ miễn phí một tháng dành cho các phụ huynh. Thế là vào mỗi buổi học, tôi lại tạm gác vai trò làm mẹ của mình và nhảy lên thảm. Không bao lâu, tôi đã hoàn toàn đắm chìm trong võ thuật.
Tôi yêu môn Taekwondo, nhưng cơ thể tôi thì không. Môn võ này đòi hỏi tôi phải đứng trong một thời gian dài, khiến tim đập nhanh, cơ thể nóng lên và tôi phải cử động đầu rất nhiều. Những hoạt động đó đều có nguy cơ kích hoạt các triệu chứng POTS.
Khi lên đai vàng (sau đai trắng nhập môn), tôi đối mặt với trận đấu quan trọng đầu tiên của mình, một giải đấu võ thuật địa phương. Bài thi đầu tiên của tôi là kỹ thuật công phá ván gỗ. Tôi hy vọng lần này mình sẽ công phá được tám tấm ván, bởi trong lúc luyện tập, tôi đã phá được năm tấm. Chồng ván càng được xếp lên cao, tôi lại càng run rẩy vì hồi hộp. Nhưng tôi lấy lại tinh thần, tập trung, nắm chặt nắm đấm, giơ cánh tay lên cao và đập mạnh xuống. Tôi kinh ngạc nhìn chằm chằm đống ván vỡ.
Chỉ có ba tấm bị vỡ.
Bài thi tiếp theo của tôi liên quan đến việc thực hiện các thế đánh. Tôi biết mình đã sẵn sàng, nhưng bụng và chân tôi không chịu nghe lời, tim tôi cũng đập càng lúc càng nhanh. Tuy vậy, tôi đã bước lên sàn đấu, đối mặt với ba vị giám khảo trông có vẻ nghiêm khắc và biểu diễn các thế đánh tốt hơn kỳ vọng rất nhiều. Tôi đã chắc nịch mình sẽ giành được huy chương vàng, nhưng các giám khảo thì không cho là vậy.
Bài thi cuối cùng, cũng là bài thi tôi mong đợi nhất, là vòng thi đấu đối kháng. Tôi mặc đồ bảo hộ rồi mới nhận ra rằng mình đã quên trang bị một vũ khí hết sức quan trọng – thức ăn. Tôi vẫn chưa ăn gì từ bữa sáng mà giờ đã quá trưa. Đường huyết thấp kết hợp với hội chứng POTS thường không mang lại kết quả tốt, nhưng giờ thì tôi không còn thời gian để ăn nữa.
Tôi đã chiến đấu kiên cường trong hiệp đầu tiên. Tôi quật ngã được đối thủ, nhưng tim tôi bắt đầu đập thình thịch trong lồng ngực. Tôi thở hổn hển, cảm thấy hơi mê man và đuối sức. May thay ngay lúc đó, chuông báo giờ reo vang và tôi có thêm đôi phút nghỉ giải lao để hồi sức. Tôi đến ngồi ở góc võ đài, cố gắng hết sức để thở. Tôi có thể vượt qua thêm một hiệp nữa. Tôi đã từng làm thế trước đây. Thế nhưng trọng tài đã lên tiếng đề nghị tôi bỏ cuộc và sư phụ của tôi đồng ý.
Trái tim tôi nặng trĩu. Làm sao tôi có thể bỏ cuộc lúc này được? Tôi vừa thắng hiệp đầu tiên nên chỉ cần thắng thêm một hiệp nữa là có thể đoạt huy chương vàng. Nhưng lực bất tòng tâm. Tôi cần nghỉ ngơi hơn một phút chỉ để hồi phục sau hai phút thi đấu. Tôi đành chọn giải pháp trông có vẻ khả thi hơn, nhưng đồng thời cũng mang lại cảm giác như cực hình. Tôi bỏ cuộc. Trọng tài nắm lấy tay tôi và tay đối thủ, nâng tay cô ấy lên tuyên bố thắng trận và để tay tôi buông thõng xuống thấp, thấp như tâm trạng của tôi lúc đó.
Dù không diễn ra như mong đợi, nhưng giải đấu đầu tiên này đã mở ra cho tôi một chặng đường phát triển mới, gập ghềnh nhưng rất đáng trải nghiệm. Tôi còn mắc nhiều sai lầm khác nữa. Một vài lỗi dễ sửa chữa; những lỗi khác thì lại khó khăn hơn nhiều. Sai lầm là một phần của cuộc sống, đặc biệt là khi bạn bước ra khỏi vùng an toàn của mình. Trên từng bước đường, tôi học được cách chấp nhận những sai lầm của bản thân, rút ra bài học từ chúng và vững bước tiến lên.
Ở giải đấu đầu tiên, tôi chỉ công phá được ba tấm ván, nhưng tôi không ngừng “công phá” những chướng ngại mình gặp phải suốt hành trình luyện tập, vốn xảy đến rất thường xuyên. Chướng ngại lớn nhất chính là tình trạng sức khỏe và cuộc sống bận rộn, phải tìm cách cân bằng giữa gia đình và sự nghiệp. Chưa kể, tôi cũng không còn ở tuổi xuân nữa. Nhưng bạn sẽ không bao giờ biết được thực lực của mình, trừ phi bạn cố gắng không ngừng, bất chấp mọi khó khăn.
Vì tình trạng sức khỏe không cho phép mà tôi đã không giành được huy chương vàng tại giải đấu đầu tiên, nhưng nếu bạn đã cố gắng hết sức mình, việc giành huy chương bỗng trở nên không quan trọng nữa. Mỗi ngày tôi đều đến lớp luyện tập, bất kể hôm đó tôi thực hành thế nào, như thế vẫn tốt hơn là không bao giờ bước lên tấm thảm. Tôi cũng học được nghệ thuật tự chủ. Tôi đã có thể thúc đẩy bản thân hoàn thành một buổi học, một bài kiểm tra hoặc đấu tập khi cần. Trong khi nhiều lần khác, tôi phải tự kiềm chế trước khi bắt đầu để tránh luyện tập quá sức.
Một trong những khía cạnh tốt đẹp của việc gặp thất bại khi thi đấu chính là được cảm nhận tình yêu thương từ những người luôn ở bên cạnh ủng hộ mình. Gia đình, sư phụ và các bạn học viên đã giúp tôi tiếp tục đứng vững trên đôi chân của mình và đứng dậy sau khi vấp ngã.
Ba năm đã trôi qua từ khi tôi chọn bỏ cuộc trong trận đấu đối kháng đầu tiên, và giờ đây, tôi đã lên được đai đen môn Taekwondo. Nếu trong thời gian luyện tập, tôi không phải chiến đấu với hội chứng POTS thì con đường này chắc chắn sẽ dễ dàng hơn rất nhiều. Nhưng nếu vậy, có lẽ tôi sẽ bỏ lỡ nhiều cơ hội phát triển bản thân và cả những mối quan hệ tốt đẹp mà tôi vun đắp được. Hơn nữa, hành trình vượt qua những trở ngại đã khiến những thành tựu trở nên ngọt ngào hơn. Tôi đã học được rằng chính những cơn bão của cuộc đời sẽ khiến cầu vồng ánh lên rực rỡ hơn.