Những người tiên phòng về metaverse đã chỉ trích việc Facebook đổi thương hiệu thành Meta Platforms là nỗ lực để tận dụng tiếng vang ngày càng tăng của một khái niệm mà nó không tạo ra.
Thuật ngữ metaverse (vũ trụ ảo) đã trở thành từ thông dụng công nghệ trong năm nay, với các công ty và nhà đầu tư muốn trở thành một phần của điều lớn lao tiếp theo. Không ít người dùng đã dành thời gian nhiều năm trong thế giới ảo phát triển nhanh chóng nhưng ít được biết đến này.
Ryan Kappel, một người Mỹ trong hơn hai năm đã tổ chức các buổi gặp mặt ở các metaverse khác nhau, cho biết: “Về cơ bản họ đang cố gắng xây dựng những gì mà nhiều người trong chúng tôi đã xây dựng trong nhiều năm nhưng đổi tên thương hiệu đó thành của riêng họ”.
Việc đổi tên Facebook thành Meta Platforms và thông tin chi tiết về kế hoạch xây dựng thế giới kỹ thuật số sống động của riêng mình được đưa ra hôm 29.10 sau khi công ty phải đối mặt với những lời chỉ trích từ các nhà lập pháp và cơ quan quản lý về lạm dụng sức mạnh thị trường, các quyết định về thuật toán, kiểm soát các hành vi lạm dụng trên các dịch vụ của mình.
Trong thế giới ảo, người dùng có thể đi vòng quanh với hình đại diện, gặp gỡ bạn bè và chơi game. Một số dựa trên blockchain cũng cho phép người dùng đầu cơ vào bất động sản ảo.
“Tôi nghĩ rằng Facebook đã thực hiện việc thay đổi tên sớm này về cơ bản để bảo đảm hợp pháp cho nhãn hiệu mới càng sớm càng tốt khi có nhiều thương hiệu quan tâm hơn”, theo Pranksy, nhà đầu tư tiền điện tử tại Anh cho biết lần đầu tiên mua bất động sản thế giới ảo vào khoảng đầu năm 2020.
Artur Sychov, người thành lập metaverse Somnium Space vào năm 2017, cho biết việc Giám đốc điều hành Facebook - Mark Zuckerberg thông báo về việc đổi thương hiệu có cảm giác "gấp gáp giống như đang cố gắng đưa mình vào câu chuyện metaverse đang diễn ra ngay bây giờ".
Artur Sychov dành tới 5 giờ mỗi ngày trong Somnium Space cùng với 1.000 đến 2.000 người dùng hàng ngày khác.
Dave Carr, lãnh đạo truyền thông tại tổ chức điều hành thế giới ảo Decentraland, cho biết động thái này từ Facebook có thể gặp phải sự phản kháng từ những người dùng metaverse cảnh giác với quyền kiểm soát của nó với nội dung.
"Những người muốn xác định tương lai của thế giới ảo mà họ sinh sống, duy trì quyền sở hữu sản phẩm sáng tạo của họ và di chuyển tự do giữa chúng sẽ chọn phiên bản phi tập trung", Dave Carr nói, mô tả môi trường metaverse của Decentraland là phi tập trung và kế hoạch của Facebook có khả năng là tập trung.
Được thành lập vào năm 2017 với khoảng 7.000 người dùng hàng ngày, Decentraland hiện coi mình như một giải pháp thay thế cho các nền tảng truyền thông xã hội truyền thống bán dữ liệu người dùng và kiểm soát nội dung mà họ xem.
Nhiều nền tảng metaverse hiện tại dựa trên công nghệ blockchain khiến việc kiểm soát trung tâm là không thể. Blockchain là kiến trúc sổ cái phân tán, làm nền tảng cho tiền điện tử. Trong những thế giới ảo này, nhiều người sử dụng tiền điện tử để mua đất và các đối tượng kỹ thuật số khác dưới dạng mã thông báo không thể thay thế (NFT).
Tuy nhiên, không phải tất cả những người tiên phong về metaverse đều phản ứng tiêu cực. Một số người cho rằng sự gia nhập của Facebook có thể nâng cao sự quan tâm đến khái niệm thế giới ảo nói chung, thu hút nhiều người dùng hơn và hỗ trợ sự phát triển của nhiều thế giới ảo.
Tristan Littlefield, đồng sáng lập công ty nft42 và là người dùng metaverse kể từ năm 2018, cho biết phản ứng đầu tiên với thông báo từ Facebook là tiêu cực vì anh không thích việc bán dữ liệu người dùng của nó. Thế nhưng "có một công ty khổng lồ như Facebook xuất hiện và đổ hàng tỉ USD vào metaverse có thể là điều tích cực" bởi sẽ mang lại không gian cho những người mới, Tristan Littlefield nói.