Nhiều người từng mắc COVID-19 muốn được hiến tạng sau khi qua đời. Song liệu nội tạng của những người này có thực sự an toàn khi được cấy phép?

Những người từng mắc COVID-19 liệu có thể hiến tạng?

Đan Thuỳ | 08/11/2021, 11:22

Nhiều người từng mắc COVID-19 muốn được hiến tạng sau khi qua đời. Song liệu nội tạng của những người này có thực sự an toàn khi được cấy phép?

COVID-19 đã tàn phá thể xác và tinh thần của bà Heidi Ferrer (50 tuổi) trong hơn một năm. Vào tháng 5 vừa qua, bà đã qua đời tại Los Angeles (Mỹ). “Tôi rất xin lỗi. Tôi sẽ không bao giờ làm điều này nếu tôi khoẻ mạnh. Làm ơn hãy thông cảm và tha thứ cho tôi”, Heidi Ferrer nói trong một video để lại cho chồng và con trai.

Chồng Heidi, Nick Guthe, một nhà văn kiêm đạo diễn cho biết  muốn hiến xác vợ mình cho khoa học. Nhưng bệnh viện cho biết đó  bà Heidi đã đăng ký hiến tạng trước đó. Vì vậy, các chuyên gia đã phục hồi một số cơ quan nội tạng trong cơ thể của bà trước khi rút máy thở.

Song ông Guthe lo lắng rằng sau một quá trình chữa bệnh kéo dài của vợ mình, nội tạng trong cơ thể bà có thể không được an toàn để hiến tặng cho những bệnh nhân khác. “Tôi nghĩ rằng nội tặng của người nhiễm COVID-19 có thể sẽ gây hại cho những người được nhận”, Guthe nói trong một cuộc phỏng vấn.

Vụ việc của gia đình Heidi đã làm dấy một cuộc tranh luận giữa các chuyên gia y tế về việc liệu nội tạng của những người từng nhiễm COVID-19 và thậm chí là cả của những người đã chết vì căn bệnh này có thực sự an toàn và đủ khoẻ mạnh để cấy ghép hay không.

anh-chup-man-hinh-2021-11-08-luc-10.10.35.png
Bà Heidi Ferrer và  chồng  - Ảnh: The New York Time

Những người đã đăng ký hiến tạng hiện được kiểm tra định kỳ để  xem có nhiễm vi rút SARS-CoV-2 hay không trước khi nội tạng của họ được dùng để cấy phép. Nhìn chung, các cơ quan nội tạng được coi là an toàn để cấy ghép nếu kết quả xét nghiệm âm tính, ngay cả khi người hiến tạng đã phục hồi sau khi mắc COVID-19. Nhưng không có một khuyến nghị được chấp nhận nào về thời điểm các cơ quan nội tạng có thể được phục hồi một cách an toàn từ các bệnh nhân mắc COVID-19 và cấy ghép cho những bệnh nhân khác.

Thực tế những người mắc COVID-19 kéo dài có các triệu chứng suy nhược cơ thể kéo dài trong nhiều tháng hầu hết không có kết quả dương tính với COVID-19. Một số nhà nghiên cứu lo ngại vi rút SARS-CoV-2 có thể tồn tại, ẩn náu trong cái gọi là ổ chứa bên trong cơ thể, bao gồm cả một số cơ quan nội tạng được sử dụng trong việc cấy ghép.

Rủi ro lớn là bác sĩ có thể “làm lây nhiễm COVID-19 cho những bệnh nhân khác từ những nội tạng này. Đó là một câu hỏi khó về đạo đức. Nếu bệnh nhân gặp phải rủi ro, chúng ta có nên làm không?”, Tiến sĩ Zijian Chen, Giám đốc y tế của Trung tâm Chăm sóc sau COVID-19 thuộc hệ thống y tế Mount Sinai cho biết.

Sự lây nhiễm dịch bệnh luôn là một mối lo ngại lớn khi các cơ quan nội tạng được cấy ghép nhưng nhu cầu về cấy ghép nội tạng ở Mỹ là rất lớn trong khi nguồn cung thì lại vô cùng hạn chế. Hơn 100.000 người đang trong thời gian chờ đợi để được cấy ghép và 17 người chết mỗi ngày trong quá trình chờ đợi.

Trong những năm gần đây, các quy định về việc nhận nội tạng từ những người bị nhiễm HIV, viêm gan C đã được nới lỏng.

Việc phục hồi nội tạng rất khác nhau giữa các trung tâm y tế và các  khu vực do ảnh hưởng bởi sự sẵn có của các cơ quan hiến tạng tại địa phương.

Khi dịch COVID-19 bắt đầu lan rộng tại Mỹ, các tiếp cận đối với việc cấy ghép nội tạng là rất quan trọng. Nhưng điều đó đang thay đổi. “Vào thời điểm đại dịch bắt đầu bùng phát, chúng tôi không biết đầy đủ về căn bệnh này”, Tiến sĩ Glen Franklin, cố vấn y tế của Hiệp hội các tổ chức thu mua nội tạng cho biết.

Tuy nhiên hiện nay các tổ chức ghép tạng lớn tại Mỹ đã áp dụng nhiều cách tiếp cận khác nhau. Nhìn chung, các bác sĩ đã tránh cấy ghép phổi của những bệnh nhân đã chết vì COVID-19 vì đây là một bệnh hô hấp có thể gây tổn thương phổi lâu dài.

Một phụ nữ đã bị nhiễm COVID-19 vào năm ngoái sau khi cấy ghép phổi của một người hiến tạng có kết quả xét nghiệm âm tính với vi rút SARS-CoV-2, theo một báo cáo trường hợp được công bố trên Tạp chí Cấy ghép Mỹ.

Một vài trường hợp tương tự cũng đã được báo cáo do vậy hiện nay các xét nghiệm bổ sung được tiến hành trên các mẫu mô lấy từ đường hô hấp dưới của những người hiến phổi. Việc cấy ghép chỉ được tiến hành nếu tất cả các xét nghiệm đều âm tính với vi rút SARS-CoV-2.

Song các cơ quan nội tạng khác cũng có thể bị ảnh hưởng bởi căn bệnh này. Các nhà khoa học ở Đức đã tiến hành khám nghiệm tử thi trên cơ thể của 27 bệnh nhân chết vì COVID-19 và đã tìm thấy vi rút này trong thận và mô tim của hơn 60% số người tử vong. Các nhà nghiên cứu cũng tìm thấy vi rút trong mô phổi, gan và não.

Tuy nhiên, Tiến sĩ Franklin cho biết các cơ quan nội tạng trong ổ bụng bên dưới cơ hoành như thận hoặc gan sẽ được phục hồi để cấy ghép ngay cả khi người hiến tạng có kết quả xét nghiệm dương tính với vi rút SARS-CoV-2 miễn là không có triệu chứng.

Tiến sĩ David Klassen, Giám đốc y tế của United Network for Organ Sharing, đơn vị quản lý mạng lưới mua bán nội tạng của Mỹ cho biết các quyết định phải được đưa ra trên cơ sở tuỳ “từng trường hợp”.

“Đó thực sự là một phép tính giữa rủi ro và lợi ích. Nhiều người đã chết trong quá trình chờ được cấy ghép nội tạng. Họ chỉ có thể sống sốt trong vài ngày. Nếu không được cấy ghép họ sẽ không thể sống sót”, ông Klassen nói.

Các bác sĩ của Hiệp hội Cấy ghép Mỹ cho biết họ sẽ không lấy bất kỳ nội tạng nào từ những bệnh nhân có dấu hiệu bị bệnh và có kết quả xét nghiệm dương tính với COVID-19.

“Nếu ai đó đã mắc COVID-19, chúng tôi sẽ không lấy nội tạng từ những người hiến tặng đó”, Tiến sĩ Deepali Kumar, chủ tịch hội cho biết.

Tuy nhiên, nếu một người hiến tặng nội tạng đã qua đời đã từng mắc COVID-19 trước đó và đã khỏi bệnh thì nội tạng sẽ vẫn được sử dụng. “Nếu chúng tôi từ chối nội tạng của những người đã từng khỏi COVID-19 thì chúng tôi sẽ phải từ chối rất nhiều nội tạng”, Tiến sĩ Kumar chia sẻ.

Một báo cáo được cập nhật gần đây từ một uỷ ban của Mạng lưới mua bán và Cấy ghép nội tạng Mỹ đã đưa ra bằng chứng về việc cấy  ghép nội tạng từ những người hiến tặng có tiền sử mắc COVID-19. Các tác giả nhấn mạnh có  rất  ít thông tin về kết quả lâu dài cho người nhận.

Tài liệu kiểm tra việc cấy ghép nội tạng từ những người hiến tặng đã qua đời có kết quả xét nghiệm dương tính với COVID-19, những người hiện tặng chết sau khi khỏi COVID-19 và có kết quả âm tính cùng những người hiến tặng còn sống đã khỏi COVID-19.

Báo cáo cho biết kết quả lâu dài với những người nhận nội tạng và những người hiến tặng còn sống trong một số trường hợp này là “không rõ ràng”.

Các tác giả cảnh báo việc cấy ghép nội tạng từ những người hiến tặng có kết quả dương tính với COVID-19 nên tiến hành một cách thận trọng.

Báo cáo cũng lưu ý rằng biến thể Delta có khả năng lây nhiễm cao hơn các chủng khác, do đó thời gian lây nhiễm “chưa được đánh giá toàn diện”.

Báo cáo không đề cập đến bệnh nhân mắc triệu chứng COVID-19 kéo dài. Các bác sĩ chuyên chăm sóc những bệnh nhân COVID-19 này nói rằng dù họ mắc một loạt triệu chứng dai dẳng nhưng đa số các cơ quan nội tạng dường như hoạt động bình thường.

“Với những người đã bị tổn thương cơ quan nội tạng do COVID-19, chúng tôi có nhiều cách để phát hiện ra điều đó”, Tiến sĩ Jennifer D. Possick, Phó giáo sư tại Trường Y Yale, người điều hành một phòng khám phục hồi sau COVID-19 tại Bệnh viện Yale New Haven (Mỹ) cho biết.

Thế nhưng, các xét nghiệm chức năng nội tạng không hoàn hảo. Bà Jennifer D. Possick cảnh báo: “Chúng tôi chỉ làm tốt những thử nghiệm hiện chúng tôi có. Đây là một lĩnh vực chưa được khám khá”.

Tiến sĩ Chen đồng ý rằng các có quan nội tạng của bệnh nhân COVID-19 kéo dài thường hoạt động bình thường trong các bài kiểm tra chức năng, song cũng cho rằng những người được cấy phép nội tạng từ những người này nên được thông báo về những rủi ro có thể gặp phải.

Một mối quan tâm khác là những bệnh nhân được cấy ghép nội tạng thường được yêu cầu dùng thuốc ức chế hệ thống miễn dịch để ngăn chặn sự đào thải của các cơ quan nội tạng.

“Nếu mắc COVID-19, họ sẽ dễ bị nhiễm trùng và vết thương sẽ lâu lành. Tôi nghĩ về mặt đạo đức, cần cho những người nhận nội tạng biết rủi ro là có thật”, ông Chen nói.

Trước khi chết, Heidi Ferrer đã ghi chép lại những triệu chứng của COVID-19 kéo dài mà bà mắc phải, trong đó có ngón chân bị co cứng khiến bàn chân đau đến mức không thể đi lại được. Các cơn chấn động khiến cơ thể bà co giật dữ dội. Mất ngủ triền miên và thường xuyên cảm thấy tuyệt vọng. Ngoài ra, tim bà thường đập loạn nhịp, lượng đường trong máu không ổn định. Tệ nhất là bà không thể suy nghĩ tích cực. Song, bệnh viện nghĩ dù sao Heidi cũng sẽ là một người hiện tạng phù hợp.

anh-chup-man-hinh-2021-11-08-luc-10.10.50.png
Ông Nick Guthe và con trai - Ảnh: The New York Times

Hai người đàn ông tại California mắc bệnh thận giai đoạn cuối đã được cấy ghép thận của Heidi. Không có kết quả phù hợp nào được tìm thấy ở các cơ quan nội tạng khác của bà. Gan của Heidi bị tổn thương nghiêm trọng vì bà từng tự điều trị bằng liều lượng lớn Ivermectin, một loại thuốc chống ký sinh trùng được cho có thể chữa khỏi triệu chứng COVID-19 kéo dài và chế độ ăn uống thay thế gồm gần 2/3 cốc dầu ô liu mỗi ngày.

Với Guthe, việc con trai ông và các thành viên khác trong gia đình chứng kiến bệnh viện rút máy thở của bà Heidi thực sự rất đau lòng. Guthe nói rằng ông đã hứa với vợ mình sẽ chia sẻ với mọi người về hậu quả của COVID-19 kéo dài.

“Heidi rất muốn hiến tạng nhưng em ấy sẽ không muốn những điều nguy hiểm xảy ra với người khác. Chúng tôi cần tạo ra các nguyên tắc cho những gì là an toàn và những gì không”, ông Guthe nói.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng Phạm Minh Chính tới thủ đô Praha, bắt đầu thăm Cộng hòa Séc
4 giờ trước Sự kiện
Sau khi kết thúc tốt đẹp chuyến thăm chính thức Cộng hòa Ba Lan, vào lúc 13 giờ ngày 18.1, giờ địa phương (tức 19 giờ giờ Hà Nội), chuyên cơ chở Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cùng phu nhân Lê Thị Bích Trân và Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã tới sân bay Václav Havel, thủ đô Praha, bắt đầu thăm chính thức Cộng hòa Séc từ ngày 18 - 20.1, theo lời mời của Thủ tướng Cộng hòa Séc Petr Fiala.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Những người từng mắc COVID-19 liệu có thể hiến tạng?