Từng là một câu chuyện thành công trong đại dịch, Đài Loan hiện đóng cửa với thế giới bất chấp những tổn thất về du lịch, giao thương, lối sống và chưa có kế hoạch mở cửa trở lại.

‘Đợi vi rút yếu đi’ và những lý do Đài Loan duy trì Zero COVID-19 tương tự Trung Quốc

Sơn Vân | 08/11/2021, 11:20

Từng là một câu chuyện thành công trong đại dịch, Đài Loan hiện đóng cửa với thế giới bất chấp những tổn thất về du lịch, giao thương, lối sống và chưa có kế hoạch mở cửa trở lại.

Tại một quán bar bên bờ biển ở cực nam Đài Loan, một số ít du khách mặc đồ bơi và chân trần chạy quanh boong ngoài trời, tận hưởng đêm giữa tuần ấm áp, bia rẻ, không có đám đông và không có sự sôi động.

Chủ quán bar, giữa việc phục vụ đồ uống, cho biết du lịch tại địa phương đến làng lướt sóng South Bay đang bùng nổ, nhưng chủ yếu tập trung vào cuối tuần. Không có khách quốc tế để lấp đầy bàn trong tuần để bù đắp cho 3 tháng khó khăn buộc phải đóng cửa trong đợt bùng phát COVID-19 vào mùa hè.

Bà cho biết việc kinh doanh cũng bị ảnh hưởng bởi các vấn đề về chuỗi cung ứng do tác động của đại dịch và đã không thể mua những thứ cơ bản như mayonnaise hoặc bánh ngô. "Thật là điên rồ, tôi đã không tìm thấy nó trong 3 tháng", bà chia sẻ.

Khung cảnh này tổng hợp những may rủi lẫn lộn của Đài Loan, khi phần còn lại trên thế giới mở cửa nhưng đảo này vẫn đóng cửa vững chắc.

Cái giá phải trả

Trong 18 tháng đầu tiên của đại dịch COVID-19, cuộc sống ở Đài Loan vẫn tươi sáng. Khi các thành phố bị đóng cửa trên khắp Trung Quốc, châu Âu và châu Á, Đài Loan vẫn an toàn, sôi động, gần như bình thường.

Nhờ chiến lược ngăn ngừa ca bệnh và loại bỏ nhanh chóng, Đài Loan hiện ghi nhận 16.430 ca mắc COVID-19, tương đối thấp so với nhiều nơi, chủ yếu nhập cảnh và phát hiện trong khu cách ly, với 847 người chết.

Giờ đây, hầu hết các nước trên thế giới bắt đầu mở cửa, chấp nhận chung sống với vi rút khi tỷ lệ tiêm vắc xin COVID-19 cao kèm áp dụng các biện pháp khác, Đài Loan có nguy cơ bị bỏ lại phía sau.

Gần 2 năm sau khi COVID-19 lần đầu tiên xuất hiện, Đài Loan đã tuân thủ chặt chẽ các biện pháp giúp nó thành công sớm - đóng cửa biên giới, cách ly nghiêm ngặt, truy vết sát sao các trường hợp liên quan F0 và bắt buộc đeo khẩu trang. Có rất ít dấu hiệu cho thấy những điều này sẽ kết thúc.

Cùng với Trung Quốc, Đài Loan nằm trong những ít nơi đang chống lại việc tái gia nhập thế giới, ảnh hưởng sâu sắc đến nền kinh tế lẫn công chúng.

Các hạn chế biên giới đã cản trở du lịch quốc tế, giao thương và làm trầm trọng thêm các vấn đề về chuỗi cung ứng. Dịch vụ đường hàng không đến và đi từ một số quốc gia bị đình chỉ. Gia đình ly tán, sinh kế bị tổn thương.

Trong suốt đại dịch, khách du lịch và những người không cư trú khác đã bị cấm nhập cảnh, bao gồm cả các đối tác nước ngoài và con cái của cư dân Đài Loan. Các nhà chức trách gần đây đã dỡ bỏ lệnh cấm, nhưng chỉ áp dụng cho các gia đình của công dân Đài Loan, không phải cư dân nước ngoài.

Không thể ở bên người mình yêu thực sự rất khó”, theo Clement Potier (quốc tịch Pháp), người có bạn đời đang mắc kẹt ở nước ngoài. Ông nói với phương tiện truyền thông địa phương rằng việc nâng một phần biện pháp chống COVID-19 thậm chí còn khó chịu hơn bởi “bạn thấy rằng nó có thể khả thi, nhưng với bạn thì không”.

Năm 2019, có hơn 29 triệu lượt khách quốc tế đến Đài Loan. Vào năm 2020, trong thời kỳ cao điểm của đại dịch và trước khi có vắc xin, con số này đã giảm xuống còn 3,9 triệu. Đến thời điểm này trong năm 2021 chỉ có 335.000.

Bạn có thể duy trì nó trong bao lâu? Đài Loan đã hy sinh sự hợp tác quốc tế trong thương mại và giao thương”, Giáo sư Chunhuei Chi, Giám đốc trung tâm sức khỏe toàn cầu của Đại học bang Oregon, cho biết.

do-vi-rut-yeu-di-va-cac-ly-do-dai-loan-duy-tri-zero-covid-19-tuong-tu-trung-quoc.jpg
Một cô gái đeo khẩu trang đi trên đường phố Đài Bắc, Đài Loan

Vào tháng 7, công ty Economist Intelligence Unit (Anh) cho biết chính sách Zero COVID-19 ở các nước châu Á “mang lại cả lợi ích về sức khỏe và kinh tế, phổ biến ở những nơi triển khai”.

Economist Intelligence Unit nói: “Nếu phần còn lại của thế giới áp dụng cách tiếp cận tương tự, Zero COVID có thể chứng minh là một chiến lược bền vững”. Thế nhưng đến nay, các nước khác đã không làm như vậy và chính sách “sẽ trở nên không khả thi khi nền kinh tế toàn cầu mở cửa trở lại”.

Một số doanh nghiệp có trụ sở tại Đài Loan dựa vào thị trường toàn cầu đã bắt đầu xem xét việc dịch chuyển sản xuất khỏi đảo này, do không có dấu hiệu cho thấy khi nào vấn đề sẽ giảm bớt, không có lộ trình rõ ràng được trình bày cho người dân.

Tất cả những người nhập cảnh phải cách ly trong các khách sạn hoặc cơ sở chính quyền được chỉ định, sau đó dành 1 tuần nữa để theo dõi ở nhà. Việc cách ly tại nhà đã kết thúc sau đợt bùng phát dịch Delta nghiêm trọng duy nhất của Đài Loan ở huyện Bình Đông và các nhà quan sát không thấy nó sẽ sớm quay trở lại.

"Chúng ta phải đợi đến khi vi rút trở nên yếu đi"

Một yếu tố chính khiến Đài Loan tiếp tục đóng cửa là cuộc đấu tranh để phù hợp với tỷ lệ tiêm vắc xin COVID-19 quốc tế, đặc biệt ở liều thứ hai. Một cuộc vận động cung cấp vắc xin Moderna cho một số công nhân trong ngành đã chứng kiến ​​việc tiêm mũi thứ hai, được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) khuyến nghị là 28 ngày, bị trì hoãn ít nhất 12 tuần. Một số người nhận mũi 1 vắc xin Moderna buộc phải gọi điện đến các bệnh viện xung quanh Đài Loan để tìm mũi thứ 2.

Nguồn cung theo đơn đặt hàng thấp, tình trạng thiếu hụt toàn cầu và sự can thiệp từ Trung Quốc khiến chương trình tiêm vắc xin của Đài Loan phần lớn được hỗ trợ bởi các khoản tài trợ, trong đó có Mỹ, nhưng không nhất quán. Gần đây vắc xin COVID-19 được tự phát triển ở Đài Loan.

Khoảng 73% người dân ở Đài Loan đã được tiêm ít nhất một mũi vắc xin, với tỷ lệ cao nhất là ở người cao tuổi, và chỉ hơn 1/3 đã nhận được mũi thứ hai. Chính quyền Đài Loan cho biết đang đi đúng hướng để đạt được mục tiêu tiêm 2 mũi cho 60% dân vào cuối năm khi họ sẽ xem xét những thay đổi chưa xác định trong tương lai.

Giáo sư Chunhuei Chi nói chính trị cũng là một yếu tố. Với các cuộc bầu cử địa phương đang diễn ra, Chunhuei Chi dự đoán Đảng Dân Tiến cầm quyền của bà Thái Anh Văn sẽ chờ đợi để mở cửa biên giới vì khả năng cao là bất kỳ sự bùng phát dịch nào sẽ được Quốc Dân Đảng (KMT) sử dụng để chỉ trích chính quyền.

Ông nói: “Đài Loan không thể chịu được bất kỳ đợt bùng phát dịch mới nào”.

Vào tháng 9, Trung tâm chỉ đạo phòng chống dịch bệnh trung ương (CECC) nói Zero COVID-19 không phải là mục tiêu của Đài Loan nhưng họ đang đi theo hướng đó. Khi được hỏi vào tháng trước rằng kế hoạch của họ là Zero COVID-19 hay sống chung với vi rút, người đứng đầu cơ quan y tế Đài Loan Chen Shih-chung dường như nói cả hai.

Mục tiêu hiện tại là đạt được Zero COVID-19, nhưng Đài Loan cũng phải chuẩn bị để cùng tồn tại với vi rút”, ông nói, cho thấy họ hy vọng dịch bệnh cuối cùng sẽ giảm bớt mức độ nghiêm trọng.

Vào tháng 10, cố vấn đặc biệt của CECC, Giáo sư Lee Ping-ing, đã gợi ý rằng sẽ mất 3 năm. Ông nói: “Chúng ta phải đợi cho đến khi vi rút trở nên yếu đi và hệ thống miễn dịch của con người có thể điều chỉnh trước khi bắt đầu tồn tại cùng với vi rút”.

Các nhà quan sát lưu ý rằng sự sẵn sàng của công chúng là vấn đề then chốt trong ngắn hạn nếu Đài Loan mở cửa, nhằm giải quyết nỗi sợ hãi và sự kỳ thị liên quan đến bệnh nhiễm trùng.

Một người trên nền tảng truyền thông xã hội PTT của Đài Loan bình luận: “Ngay cả khi Đài Loan có 70% dân số được tiêm hai liều vắc xin thì vẫn đáng lo ngại khi nghĩ đến việc mở cửa. Người Đài Loan sợ chết và sợ mở cửa sau khi tiêm vắc xin. Họ vẫn còn do dự” và cho biết các quốc gia khác đã quen với đại dịch.

Giáo sư Steve Tsang, thuộc Viện SOAS (Anh), nói ông hiểu lý do tại sao chính quyền đi chậm, “nhưng phải chấp nhận rằng bây giờ chúng ta sẽ phải sống chung với vi rút và chính sách Zero COVID-19 không bền vững”.

Có thể cần thêm thời gian để tăng tỷ lệ tiêm vắc xin COVID-19 trước khi có thể nới lỏng đáng kể các hạn chế đi lại, nhưng cần đưa ra các hướng dẫn rõ ràng về các tiêu chí để thực hiện việc này”, ông nhận định.

Bài liên quan
Trung Quốc bắt Hồng Kông duy trì Zero COVID-19 khiến nhiều công ty nước ngoài khó chịu
Trưởng đặc khu hành chính Hồng Kông - Lâm Trịnh Nguyệt Nga đã bảo vệ các hạn chế đi lại về COVID-19 đang gây khó chịu cho các doanh nghiệp toàn cầu. Điều này báo hiệu rằng các hạn chế này sẽ được duy trì trong tương lai gần ngay cả khi Singapore cho phép du lịch không có cách ly với nhiều nước.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
'Trùm' xe điện Trung Quốc đặt nhà máy sản xuất tại Phú Thọ
BYD, hãng xe điện lớn nhất Trung Quốc chọn Phú Thọ làm nơi đặt nhà máy sản xuất với quy mô khoảng 100ha. Tuy nhiên, kế hoạch khởi công xây dựng đang bị chậm cho chiến lược và thị trường xe điện đang chững lại.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
‘Đợi vi rút yếu đi’ và những lý do Đài Loan duy trì Zero COVID-19 tương tự Trung Quốc