Lô vắc xin COVID-19 AstraZeneca đầu tiên đã về đến Việt Nam và đang được lấy mẫu kiểm định chất lượng để thực hiện tiêm chủng, nhưng ít ai biết rằng để có được vắc xin này, Việt Nam phải trải qua những giây phút “nghẹt thở”.

Những phút “nghẹt thở” quyết định mua vắc xin COVID-19 AstraZeneca của Việt Nam

Hồ Quang | 25/02/2021, 12:16

Lô vắc xin COVID-19 AstraZeneca đầu tiên đã về đến Việt Nam và đang được lấy mẫu kiểm định chất lượng để thực hiện tiêm chủng, nhưng ít ai biết rằng để có được vắc xin này, Việt Nam phải trải qua những giây phút “nghẹt thở”.

Kịp ký hợp đồng 1 giờ trước khi khóa sổ

Lô vắc xin COVID-19 AstraZeneca với 117.600 liều đầu tiên đã có mặt tại TP.HCM và đang được Công ty Cổ phần vắc xin Việt Nam (VNVC) bảo quản tại kho lạnh âm sâu từ -40 độ C đến -80 độ C. Hiện lô vắc xin này được Viện kiểm định quốc gia vắc xin và sinh phẩm y tế lấy mẫu kiểm định chất lượng trước khi đưa ra tiêm chủng cho người dân.

Đây là lô vắc xin COVID-19 AstraZeneca đầu tiên trong số 30 triệu liều vắc xin mà Việt Nam đã mua từ Công ty dược AstraZeneca (Anh). Như vậy, Việt Nam trở thành quốc gia đầu tiên ở khu vực Đông Nam Á có được vắc xin của AstraZeneca.

Để có được vắc xin COVID-19 AstraZeneca, Việt Nam đã phải trải qua những giây phút "gây cấn" và "nghẹt thở"...

nhung-phut-nghet-tho-ma-viet-nam-mua-vacxin-covid-19-hinh-anh(1).png
117.600 liều vắc xin COVID-19 AstraZeneca đã về đến TP.HCM vào trưa hôm qua (24.12) - Ảnh: PV

Thời điểm nửa cuối năm 2020, vắc xin COVID-19 trên thế giới rất khan hiếm. Với việc Việt Nam mua 30 triệu liều vắc xin COVID-19 AstraZeneca buộc công ty này phải cắt giảm lượng vắc xin bán cho các nước châu Á cũng như châu Âu.

Thứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường – người trực tiếp thương thảo hợp đồng mua 30 triệu liều vắc xin COVID-19 AstraZeneca cho biết, thời điểm mà Việt Nam thương thảo với công ty Anh vắc xin COVID-19 trên thị trường rất khan hiếm. Do đó quá trình đàm phán để để mua được 30 triệu liều vắc xin COVID-19 AstraZeneca rất cam go. Lý do vì nếu AstraZeneca đồng ý bán 30 triệu liều vắc xin này cho Việt Nam buộc họ phải cắt giảm lượng vắc xin cung cấp cho thị trường khác.

“Lúc này Liên minh châu Âu (EU) phản ứng rất quyết liệt, vì nhiều nước trong khối này đang rất cần vắc xin ngừa COVID-19. Liên minh châu Âu không chấp nhận việc công ty AstraZeneca bán vắc xin COVID-19 cho một quốc gia ngoài châu Âu trong khi các nước trong khối đang 'khát' vắc xin”, ông Cường nhớ lại.

Trong khi đó ở Việt Nam, để đi đến quyết định ký hợp đồng mua vắc xin COVID-19 từ AstraZeneca, ông Cường cho biết đã phải trải qua hơn 10 cuộc họp giữa Chính phủ, Bộ Y tế và các đơn vị có liên quan. Khi chủ trương mua vắc xin COVID-19 từ AstraZeneca được thông qua thì đơn vị này sắp đến giờ khóa sổ ký hợp đồng mua bán vắc xin.

“Chúng tôi ký hợp đồng mua vắc xin với công ty AstraZeneca lúc 11 giờ đêm thì đến 12 giờ đêm cùng ngày đơn vị này đã khóa sổ việc mua bán vắc xin. Như vậy, nếu chúng ta chỉ chậm 1 giờ đồng hồ nữa thì đã không có được lô vắc xin này. Giờ đây khi lô vắc xin đầu tiên này đã về Việt Nam, tôi như thở phào nhẹ nhõm”, ông Cường nói.

Theo Công ty cổ phần Vắc xin Việt Nam, để mua được 30 triệu liều vắc xin này, Việt Nam đã rất mạo hiểm đặt cọc với một số tiền lớn. “Vắc xin COVID-19 lúc này rất khan hiếm, còn hợp đồng thì ghi phải đến giữa năm 2021 mới có, nhưng chúng tôi phải chấp nhận đặt cọc số tiền lên đến 650 tỉ đồng. Đây là một số tiền rất lớn nhưng chúng tôi tin tưởng và quyết tâm thực hiện, không ngờ vắc xin đã về sớm hơn dự định”, vị đại diện Công ty cổ phần Vắc xin Việt Nam chia sẻ.

Ưu tiên tiêm cho những người ở tuyến đầu chống dịch

Theo Bộ Y tế, vắc xin COVID-19 AstraZeneca được VNVC ký hợp đồng với công ty dược AstraZeneca mua 30 triệu liều vào tháng 11.2020. Số vắc xin này được giao thành nhiều đợt, đợt đầu tiên được giao hôm 24.2 với 117.600 liều, có giá khoảng 12 tỉ đồng. Toàn bộ lượng vắc xin này đã được đưa về bảo quản tại kho lạnh của VNVC, đang được Viện kiểm định quốc gia vắc xin và sinh phẩm y tế lấy mẫu kiểm định chất lượng trước khi đưa ra tiêm chủng cho người dân.

Việc kiểm định này, theo Viện kiểm định quốc gia vắc xin và sinh phẩm y tế sẽ được thực hiện trong vòng 5 ngày, sau đó được đưa ra tiêm chủng cho người dân.

GS.TS Nguyễn Thanh Long, Bộ trưởng Bộ Y tế bày tỏ sự cảm ơn với những nỗ lực của chương trình COVAX Facility tạo điều kiện để Việt Nam được tiếp cận sớm với nguồn vắc xin phòng COVID-19.

Vấn đề mà nhiều người dân quan tâm lúc này là chỉ với 117.600 liều vắc xin COVID-19 AstraZeneca thì những ai được tiêm trong đợt này.

Theo Bộ Y tế, về các đối tượng ưu tiên tiêm, các bên thống nhất sẽ thực hiện theo Nghị quyết của Chính phủ, đảm bảo tính công bằng trong tiếp cận vắc xin phục vụ cho công tác phòng chống dịch bệnh, thể hiện bản chất tốt đẹp của nhà nước xã hội chủ nghĩa. Trước mắt, ưu tiên toàn bộ lượng vắc xin trên tiêm miễn phí cho những người ở tuyến đầu chống dịch.

Liên quan đến vấn đề phản ứng sau tiêm với vắc xin COVID-19, Bộ Y tế cho biết đã ban hành hướng dẫn đánh giá sau tiêm, nhưng tới đây sẽ phải tiếp tục làm rõ để không gây hoang mang trong người dân với những phản ứng sau tiêm.

Bộ Y tế đã phân công tất cả các đơn vị tập huấn toàn tuyến về tiêm chủng, quy trình tổ chức điểm, buổi tiêm, xử lý các trường hợp phản ứng sau tiêm, theo dõi sau tiêm và đánh giá hiệu quả của vắc xin sau tiêm…

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Kinh tế-xã hội Việt Nam gần đây và triển vọng trong năm nay - Bài 2: Các lĩnh vực đều tăng tốc, bứt phá
Sản xuất nông-lâm nghiệp và thủy sản năm 2023 và quý 1/2024 tiếp tục là một trụ đỡ vững chắc của nền kinh tế với kim ngạch xuất khẩu nông sản tăng cao, chăn nuôi phát triển ổn định, nuôi trồng thủy sản phát triển khá.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Những phút “nghẹt thở” quyết định mua vắc xin COVID-19 AstraZeneca của Việt Nam