Trong khi dịch bệnh COVID-19 lan tràn và khó kiểm soát trên toàn thế giới thì một số quốc gia nhỏ trên thế giới vẫn "sạch bóng".

Những quốc gia cuối cùng trên thế giới vẫn 'sạch bóng' COVID-19, vì sao?

07/04/2020, 13:03

Trong khi dịch bệnh COVID-19 lan tràn và khó kiểm soát trên toàn thế giới thì một số quốc gia nhỏ trên thế giới vẫn "sạch bóng".

Dù COVID-19 đã lan trên 206 quốc gia trên thế giới nhưng vẫn gần 20 quốc gia nhỏ bé vẫn chưa có ca nhiễm nào, quốc đảo Nauru là một trong số đó.

Kể từ khi ca đầu tiên nhiễm virus viêm phổi cấp chủng mới do coronavirus gây ra (COVID-19) tại Vũ Hán vào 17.11.2019, đến nay (7.4) đã cướp đi sinh mạng của 74.000 người trên khắp thế giới và hơn 1,34 triệu người nhiễm trên 209 quốc gia (theo số liệu công bố của Wordometer) nhưng một số quốc gia nhỏ bé vẫn đang nằm ngoài “tầm ngắm” của loại virus mới này.

Những quốc gia này có thể kể đến là Comoros; Kiribati; Lesicia; đảo Marshall; Micronesia; Nauru; Triều Tiên; Palau; Samoa; quần đảo Solomon; Tajikistan; Tonga; Turkmenistan; Tuvalu; Vanuatu và Yemen. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, một số quốc gia có thể chưa báo cáo, như Triều Tiên hay Yemen, nơi bị chiến tranh tàn phá.

Những quốc gia kể trên hầu hết đều là các tiểu quốc cô lập, dân số ít, mật độ dân cư thưa thớt, ít khách du lịch và khoảng cách xã hội vốn là một phần tất yếu trong xã hội của họ. Điều này vô hình trung có thể giúp các nước này không bị ảnh hưởng bởi sự lây lan của dịch bệnh mới.

Thực tế, 7 trong số 10 nơi ít khách quốc tế đến nhất thế giới đều không có COVID-19, theo dữ liệu của Liên Hợp Quốc. Tức là, trong thời đại các quốc gia lớn đã áp lệnh cách ly xã hội và phong tỏa cả quốc gia "nội bất xuất, ngoại bất nhập" thì những quốc đảo này vốn tự cách ly với cả thế giới ngay từ đầu.

Tuy nhiên, tại các quốc gia này, biện pháp phòng tránh COVID-19 đã được thực hiện chặt chẽ ngay từ khi chưa phát hiện ca nhiễm nào.

Như quốc đảo Nauru, Đông Bắc Australia với dân số chỉ hơn 10.000 người. Quốc gia này chỉ có 1 bệnh viện, không có máy thở và luôn trong tình trạng thiếu y bác sĩ, chính vì vậy, chính phủ Nauru không chủ quan, ngay từ đầu đã ban lệnh khẩn cấp quốc gia với dịch bệnh COVID-19. Tổng thống nước này đã chỉ thị “giữ lại mọi thứ ở ngoài biên giới". Ngay từ đầu tháng 3, Nauru đã “cấm cửa” du khách đến từ Trung Quốc, Hàn Quốc, Italy và Iran. Vào giữa tháng 3, Nauru tạm dừng mọi chuyến bay đến Fiji, Kiribati và quần đảo Marshall, và đường bay khác duy nhất đến Brisbane giảm từ ba chuyến một tuần xuống còn hai tuần một chuyến. Còn với các công dân trở về từ Úc đều bị cách ly 14 ngày tại khách sạn địa phương và kiểm tra sức khỏe mỗi ngày. Nếu ai có triệu chứng sốt hoặc nghi nhiễm được lấy mẫu xét nghiệm Covid-19 và gửi mẫu đến Australia.

Việc cách ly với thế giới cũng là lớp áo bảo vệ các tiểu quốc tránh dịch bệnh COVID-19

Dù sống trong cuộc đại dịch khủng hoảng toàn cầu, những chấm đỏ ngày càng dày đặc trên bản đồ thế giới về tình trạng lây nhiễm COVID-19, người Nauru vẫn “bình tĩnh sống” nhưng luôn theo dõi sát sao thông tin.

Không riêng gì Nauru, các quốc gia như Kiribati, Tonga, Vanuatu hay Tonga cũng đều thực hiện các biện pháp tương tự, đóng cửa trường học, dừng các chuyến bay và phương tiện công cộng… Thậm chí, như Samoa và Tonga đã phong tỏa toàn quốc ngay từ cuối tháng 3.

Theo nhận định của TS. Colin Tukuitonga, cựu ủy viên Tổ chức Y tế Thế giới WHO: "Chính sự cô lập của các quần thể dân cư nhỏ giữa một đại dương lớn đã trở thành một lớp bảo vệ họ". Tuy nhiên, ở một góc độ khác, theo Andy Tatem, một giáo sư về dịch tễ học tại Đại học Southampton của Anh thì “trong nền kinh tế toàn cầu, tôi không dám chắc có bất kỳ nơi nào sẽ thoát khỏi căn bệnh truyền nhiễm này”. Ông cho rằng những hòn đảo xa xôi này sẽ là nơi cuối cùng mà COVID-19 lan tới và lý giải rằng các quốc gia này sống dựa vào nguồn nhập khẩu: thực phẩm, hàng hóa, du lịch… thế nên khi phong tỏa hoàn toàn thì sẽ gánh chịu thiệt hại, và sau cùng, họ phải mở cửa trở lại, thế nên, việc lây nhiễm là điều khó tránh khỏi.

Thiên Di

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng Phạm Minh Chính tiếp Tổng Bí thư Đảng Cách mạng Hiện đại cầm quyền Dominicana
một giờ trước Sự kiện
Theo Đặc phái viên TTXVN, trong chương trình thăm chính thức Cộng hoà Dominicana, ngày 21.11 (giờ địa phương), tại thủ đô Santo Domingo, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã tiếp Tổng Bí thư Đảng Cách mạng Hiện đại (PRM) cầm quyền, Thị trưởng Thành phố Santo Domingo - bà Carolina Mejia.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Những quốc gia cuối cùng trên thế giới vẫn 'sạch bóng' COVID-19, vì sao?