Bệnh chốc (Impetigo) là một bệnh lý ở da thường gặp ở trẻ. Thông thường khi trẻ mắc bệnh chốc da nổi các hồng ban bóng nước chảy dịch, lở, lan từ vùng này đến vùng khác trên cơ thể, ngứa.

Những trẻ nào có nguy cơ mắc bệnh chốc?

Hồ Quang | 17/11/2023, 16:41

Bệnh chốc (Impetigo) là một bệnh lý ở da thường gặp ở trẻ. Thông thường khi trẻ mắc bệnh chốc da nổi các hồng ban bóng nước chảy dịch, lở, lan từ vùng này đến vùng khác trên cơ thể, ngứa.

Mới đây, một bé trai 10 tuổi đến khám tại đơn vị da liễu, Bệnh viện Nhi đồng thành phố (TP.HCM) do da bị nổi các hồng ban bóng nước chảy dịch, lở, lan từ vùng này đến vùng khác trên cơ thể, gây ngứa.

nhung-tre-nao-co-nguy-co-mac-benh-choc-hinh-anh(1).png
Bé trai 10 tuổi mắc bệnh chốc đến khám và điều trị tại Bệnh viện Nhi đồng thành phố (TP.HCM)- Ảnh: BVCC

Tại đây, các bác sĩ chẩn đoán bệnh nhi bị chốc. Sau 1 tuần điều trị thuốc kháng sinh và thuốc thoa tại chỗ, các vết chốc lành hẳn, hết chảy dịch và không lây lan sang các vùng khác.

Theo BSCK2 Phan Hoàng Yến (Đơn vị da liễu, Bệnh viện Nhi đồng thành phố), bệnh chốc là bệnh nhiễm trùng da ở phần nông, kèm theo bong vảy hoặc bóng nước do liên cầu, tụ cầu hoặc cả hai gây ra, có tính lây nhiễm, phổ biến, đặc trưng, bởi mụn mủ và vảy tiết màu vàng mật ong.

Bệnh xảy ra ở mọi lứa tuổi, thường gặp ở trẻ em, bất kỳ vùng da nào trên cơ thể đều có thể bị chốc nhưng mặt, tay chân là vị trí thường gặp nhất. Ngoài ra, chốc cũng có thể xuất hiện ở thân mình.

Phân tích của bác sĩ Yến cho thấy nguyên nhân thúc đẩy trẻ mắc bệnh chốc là do chàm, da bị tổn thương như: côn trùng cắn, phỏng, vệ sinh kém, suy giảm miễn dịch, chấn thương, cào gãi…

Theo bác sĩ Yến, có 3 loại chốc gồm: chốc bóng nước, chốc không bóng nước, chốc loét. Trong đó, chốc không bóng nước thường bắt đầu là một dát hồng, tiến triển thành mụn nước nhỏ dưới 2cm hóa mủ nhanh, mau chóng dập vỡ để lại các vết trợt, sau đó đóng vảy tiết màu vàng mật ong. Khi vảy tiết bong ra để lại nền da đỏ ướt, khi lành để lại vết thâm. Thương tổn có thể ngứa nhẹ, hoặc không có triệu chứng.

Hạch ngoại vi có thể sưng to nếu tổn thương lan rộng. Bệnh nhân thường có vết thương ngoài da, côn trùng đốt, ghẻ, thủy đậu, viêm da cơ địa… trước đó tại vị trí bị chốc.

Đối với chốc có bóng nước thường bắt đầu với bóng nước nông, vỏ mỏng, dễ vỡ, kích thước lớn, chứa dịch vàng trong, sau chuyển sang vàng đậm, vỡ trong 1 đến 3 ngày, để lại viền da mỏng xung quanh dát đỏ ẩm ướt, khi lành không có sẹo. Xung quanh bóng nước có thể có quầng đỏ hoặc không.

Chốc có bóng nước thường gặp ở mặt, thân mình, các chi, mông, sau đó lan ra các vị trí khác do tự lây nhiễm. Khác với chốc không bóng nước, chốc bóng nước ít lây lan hơn nên thường chỉ có vài tổn thương

Riêng chốc loét có biểu hiện ban đầu giống như chốc không bóng nước nhưng tiến triển thành những vết loét hoại tử lõm giữa, chậm lành, để lại sẹo.

Nếu chốc không được điều trị kịp thời sẽ dẫn đến các biến chứng như: nhiễm trùng mô mềm: viêm mô tế bào, viêm mạch bạch huyết, nhiễm trùng huyết dẫn tới viêm tủy, viêm khớp vô trùng, viêm phổi, hội chứng tróc vảy do staphylococcus, viêm cầu thận cấp hậu nhiễm liên cầu…

Để điều trị hiệu quả bệnh chốc ở trẻ, theo bác sĩ Yến, dùng thuốc thoa như thuốc kháng sinh, sát trùng. Trong trường hợp nhiều thương tổn kèm triệu chứng nhiễm trùng thì sử dụng thêm kháng sinh đường uống, hạ sốt, giảm đau…

Để phòng ngừa bệnh chốc cho trẻ cũng như tránh để bệnh lây lan rộng rãi trong cộng đồng, bác sĩ Yến lưu ý cần tránh tiếp xúc gần với người bệnh, đặc biệt là những vùng da bị tổn thương; mặc quần áo thoáng mát, thấm mồ hôi tốt; vệ sinh sạch sẽ nhà cửa và nơi vui chơi của trẻ, tránh bụi bẩn, tránh chơi gần các vật cứng nhọn và gần nơi vật nuôi, tránh côn trùng đốt; uống đủ nước và ăn nhiều trái cây, rau xanh, chế độ ăn uống khoa học, đủ chất dinh dưỡng; hạn chế đến những nơi thiếu ánh sáng, mặc đồ tối màu vì dễ bị côn trùng đốt.

Trong trường hợp trẻ có dấu hiệu nghi ngờ nên đến thăm khám với bác sĩ da liễu để tránh bệnh lây lan rộng và gây biến chứng.

Bài liên quan
Trị bệnh da liễu, bé trai 8 tuổi bị ngộ độc methemoglobin nguy kịch
Sau khi uống và thoa một loại thuốc da liễu được bác sĩ chỉ định, bé trai bị mệt, môi và đầu ngón tay chân tím tái, rối loạn nhịp tim. Các bác sĩ xác định bệnh nhi bị ngộ độc methemoglobin trong thuốc da liễu.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Du lịch xanh lên ngôi
6 giờ trước Văn hóa
Xu hướng du lịch xanh trong những năm gần đây ngày càng "lên ngôi", được nhiều du khách trong và ngoài nước quan tâm.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Những trẻ nào có nguy cơ mắc bệnh chốc?