Vấn nạn rác thải nhựa đang ngày càng trở nên đáng báo động hơn, người tiêu dùng trên toàn thế giới cũng đang dần quay lưng lại với sự tiện lợi của các bao bì nhựa hoặc ít nhất có thể là hạn chế sử dụng đồ nhựa.
Trên thế giới đã có quá nhiều cá voi chết được tìm thấy trong tình trạng xác của chúng dính đầy túi và chai nhựa dùng một lần. Trong khi đó, các cửa cống ngập rác thải nhựa không thể phân hủy còn những bãi biển thì đầy rác. Điều này đã trở thành động lực thúc đẩy ngành công nghiệp làm đẹp thay đổi quy trình sản xuất.
Ngành công nghiệp làm đẹp từng là ngành sử dụng lớn các gói, bao bì, chai và ống nhựa, nay họ đã nhận thức được tình hình và từng bước chuyển sang các sản phẩm tái chế.
Thương hiệu The Body Shop của Anh đã tuyên bố sử dụng các chai và hộp tái chế là xu hướng chủ đạo và bắt đầu giới thiệu các mẫu sản phẩm này tại các cửa hàng trên toàn thế giới vào tháng 4.2021. Kế hoạch này cũng sẽ sớm được triển khai tại Hong Kong trong năm nay.
Công ty làm đẹp L’Occitane của Pháp đã đưa ra các phương pháp tái chế cho nhiều sản phẩm của mình. Một thương hiệu đình đám khác của Pháp là Dior cũng cho biết “chúng tôi tập trung vào tối ưu hóa bao bì, công thức, vận chuyển và sử dụng” khi giới thiệu một vỏ chai tái chế cho nước hoa nam Sauvage.
Những động thái thay đổi của các nhãn hàng này nhận được sự ủng hộ của nhiều người tiêu dùng. Chuyên gia tiếp thị và quan hệ công chúng Jaclyn Tsang cho biết rằng thực sự cảm thấy kinh hoàng trước lượng rác thải nhựa được thải ra mỗi ngày. “Tôi đã giữ lại những thỏi son đã dùng hết và chờ một ngày ai đó sẽ tái chế chúng. Việc này giúp tôi ý thức hơn về những vật dụng mà tôi đang sử dụng hằng ngày”, Jaclyn chia sẻ.
Giờ đây, Jaclyn đã sử dụng loại son môi có thể nạp lại và công cụ mascara do công ty Hourglass sản xuất. Jaclyn thích các sản phẩm từ Tata Harper, họ có một dòng kem dưỡng ẩm có thể mang đến đổ đầy lại khi đã dùng hết. Đây là một bước tiến làm giảm thiểu chất thải nhựa vì người dùng có thể tái sử dụng các chai lọ đựng sản phẩm.
Tsang cũng truyền tải thông điệp rằng chai nhựa không cần thiết trong thế giới ngày nay. “Tôi nghĩ rằng mọi người đang trở nên ý thức hơn khi họ chuyển sang sử dụng các sản phẩm tái chế”, cô chia sẻ.
Jane Zhang, nhà nghiên cứu thị trường Euromonitor Internatinal coi sự phát triển của bao bì tái sử dụng là kết quả của nhận thức ngày càng tăng về tầm quan trọng của việc bảo vệ môi trường.
Theo khảo sát của Euromonitor, người tiêu dùng ngày càng quan tâm đến biến đổi khí hậu. Vào năm 2021, khoảng 40% bao bì tái chế được sử dụng sẽ mang lại một môi trường tốt hơn. Bên cạnh đó, Zhang cũng cho rằng một số người tiêu dùng thích các bao bì tái chế hơn là tái sử dụng vì một số bao bì tái sử dụng vẫn được làm bằng nhựa.
L’Occitane đã lao vào cuộc chiến rác rải nhựa với một tuyên bố rằng nếu tiếp tục sử dụng nhựa thì đến năm 2050 sẽ có nhiều nhựa hơn cá trong đại dương. Công ty đã đưa ra một sản phẩm tái chế đó là một gói bao bì nhựa có thể tái chế, sử dụng ít hơn 90% nhựa so với các chai lọ nhựa và chi phí thì thấp hơn. Các gói tái chế này được sử dụng để đựng các sản phẩm như dầu gội, dầu xả, sữa tắm và chất tẩy rửa.
Công ty này cũng thông báo rằng vào năm 2025, tất cả các chai lọ đựng sản phẩm của họ sẽ được làm bằng nhựa tái chế và kể từ tháng 3 năm 2020, 92% bao bì đóng gói của họ cũng sẽ được làm bằng nguyên liệu tái chế.
“Tiêu thụ ít hơn” là một bài học giúp cuộc sống tươi đẹp hơn và công ty Lush của Anh đã bán rất nhiều xà phòng tắm mà không có gói bọc, thanh dầu gội đầu, chất khử mùi, muối tắm dạng rắn.
Thương hiệu làm đẹp của Úc Aesop cũng đang xem xét các chính sách bảo vệ môi trường. Aesop không cung cấp dịch vụ nạp lại sản phẩm nhưng sẽ tái chế các chai và hộp nhựa được đem trả lại tại Hong Kong, sau đó sẽ gửi đến Melbourne để làm sạch và nạp lại sản phẩm.
Aesop cũng bán các phiên bản đầu vặn của các sản phẩm sữa tắm và nước rửa tay thành dạng vòi bơm. Mỗi chiếc vòi bơm được làm từ 12 gram (0,4 ounce) nhựa. “Chúng tôi đang tiếp tục nghiên cứu các giải pháp tối ưu hơn để bảo vệ môi trường trong khi vẫn duy trì chất lượng sản phẩm”, Aesop cho biết.