Theo tờ South China Morning Post, cộng đồng LGBT và người ủng hộ tại Trung Quốc đã thu thập được gần 200.000 chữ ký chỉ trong tháng 11 nhằm kiến nghị chính quyền hợp pháp hóa hôn nhân đồng giới.

Nỗ lực thúc đẩy hôn nhân đồng giới của cộng đồng LGBT Trung Quốc

Chí Thiện | 08/12/2019, 07:16

Theo tờ South China Morning Post, cộng đồng LGBT và người ủng hộ tại Trung Quốc đã thu thập được gần 200.000 chữ ký chỉ trong tháng 11 nhằm kiến nghị chính quyền hợp pháp hóa hôn nhân đồng giới.

Ling Gu -một người đồng tính nữ sống tại Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc cho biết cô và bạn gái đã chung sống nhiều năm. Cả hai thậm chí đã chụp ảnh cưới và đang cùng điều hành một công ty bất động sản.

Trong mắt những người xung quanh, họ là đôi bạn đời đúng nghĩa ngoại trừ việc chưa được công nhận bởi pháp luật. “Không có giấy chứng nhận kết hôn, chúng tôi dường như không thể hoàn thành nhiệm vụ cuối cùng của mình. Đó là một khoảng trống không thể lắp đầy”, Ling nói.

Trung Quốc không cấm hôn nhân đồng giới nhưng cũng không thừa nhận nó. Theo pháp luật hiện hành, hôn nhân chỉ dành cho một nam và một nữ. Tháng trước, đánh giá mới nhất về phần hôn nhân và gia đình của luật dân sự của các nhà làm luật Trung Quốc đã đạt đến giai đoạn thứ ba và cuối cùng.

Diễu hành ủng hộ quyền LGBT tại Trung Quốc

Tháng 8, tại một cuộc họp công bố phác thảo bản đánh giá luật dân sự mới, Zang Tiewei - phát ngôn viên của Ủy ban Pháp luật thuộc Ủy ban Thường vụ Đại hội Đại biểu Nhân dân Toàn quốc cho biết hệ thống định chế hôn nhân hiện tại phù hợp với truyền thống và văn hóa Trung Quốc, nói thêm rằng hầu hết các quốc gia trên thế giới không thừa nhận hôn nhân đồng giới.

Yanzi - giám đốc Trung tâm bảo vệ quyền LGBT có trụ sở tại Quảng Châu -là người đã thực hiện đệ trình vào đầu tháng 11 và hi vọng sẽ có ít nhất 100.000 chữ ký ủng hộ hôn nhân đồng giới. Tuy nhiên, mục tiêu đạt được chỉ trong vòng vài ngày và đạt 200.000 chữ ký vào tuần trước.

Kể từ đó, hàng trăm ngàn người đồng tính trên khắp Trung Quốc đã chia sẻ câu chuyện tình yêu của họ lên mạng xã hội, để lại những tin nhắn trên website của các cơ quan lập pháp trong khi cha mẹ của họ gửi thư viết tay cho các nhà làm luật.

Các phụ huynh của cộng đồng LGBT Trung Quốc viết thư tay gửi cho những nhà làm luật

“Chúng tôi biết rằng đó đã là bản dự thảo thứ ba và rất có thể họ sẽ không bao gồm hôn nhân đồng giới. Mặc dù vậy, chúng tôi muốn ít nhất các nhà lập pháp nghe thấy nhu cầu của cộng đồng LGBT”, Yanzi nói.

Đây không phải lần đầu tiên cộng đồng LGBT Trung Quốc vận động chiến dịch ủng hộ hôn nhân đồng giới. Trong nhiều năm, họ đã thực hiện không ít sự kiện mạo hiểm như tổ chức đám cưới tập thể trên phố.

Năm 2015, cặp đồng tính nam Sun Wenlin và Hu Mingliang sau nhiều năm chung sống đã quyết định nộp đơn đăng ký kết hôn do trong luật dân sự không cấm. Đáng tiếc, họ đã không thành công. Giám đốc văn phòng đăng ký kết hôn nói: “Ngày hôm nay, nếu anh đi cùng một người phụ nữ, tôi sẽ đăng ký cho anh ngay lập tức”. Sun trả lời rằng anh không thích phụ nữ, thích đàn ông và muốn cưới Hu. Vị giám đốc đó đã trả lời: “Anh thật lố bịch”.

Sun Wenlin và Hu Mingliang

Sun đã đưa vụ việc ra tòa, cho rằng nhận xét từ phía nhân viên phòng đăng ký kết hôn là phân biệt đối xử. Anh thua kiện, và từ đó đã trở thành một nhà hoạt động quyền LGBT năng nổ.

Tháng 3 năm 2017, trước thềm cuộc họp thường niên của các nhà làm luật Trung Quốc, Sun bằng cách nào đó đã có danh sách số điện thoại của 113 đại biểu và gọi cho từng số một. Khi họ trả lời, Sun tự giới thiệu và nói rằng anh muốn bàn về hôn nhân đồng giới. Toàn bộ cúp máy ngay lập tức nhưng anh tiếp tục nhắn tin.

Một tháng sau, một đại biểu đã đồng ý gặp Sun để uống trà. Đó là một giáo sư đại học. Ông nói rằng mình đã gặp những người đồng tính khi du học vào những năm 1990, lắng nghe cẩn thận tâm nguyện của anh và ký tên vào tờ thỉnh nguyện. Sun từ chối nêu tên vị giáo sư này do sự nhạy cảm của vấn đề.

Thật không may, Sun đã không đạt được 30 chữ ký cần thiết để khiến các nhà làm luật buộc phải xem xét đề xuất nhưng anh rất lạc quan vào tương lai. “Chúng tôi nghĩ rằng sự thúc đẩy cho hôn nhân đồng giới nên có hai mũi nhọn - sự ủng hộ từ công chúng, và nỗ lực thúc đẩy các nhà làm luật, chẳng hạn như vận động hành lang”, Sun nói.

Trong khi đó, các nhà hoạt động khác liên tục đưa những câu chuyện về đám cưới đồng tính lên truyền thông. Bắt đầu từ năm 2014, số lượng các câu chuyện miêu tả cộng đồng LGBT theo hướng tích cực bắt đầu gia tăng trên các phương tiện truyền thông chính thống của Trung Quốc. Trong năm 2015, đã có 867 mẩu tin tức liên quan đến LGBT.

Ah Qiang - giám đốc của tổ chức PFLAG có trụ sở tại Quảng Châu - đã tổ chức đám cưới tập thể trên một chiếc tàu du lịch cầu vồng. Năm 2017, anh đặt một chiếc tàu du lịch chở hơn 1.000 người từ Trung Quốc đến Nhật Bản, với 10 đôi đồng tính tham gia.

Bất chấp những nỗ lực của các nhà hoạt động LGBT tại Trung Quốc, Yanzi cho biết gần như không có kết quả nào trong việc thúc đẩy công nhận hợp pháp hôn nhân đồng giới. Một bước nhỏ hướng tới đảm bảo quyền lợi của các cặp vợ chồng LGBT đã được thực hiện vào năm 2017 khi luật giám hộ của Trung Quốc được đưa ra, viết rằng bất kỳ người trưởng thành nào cũng có thể chỉ định người giám hộ hợp pháp cho mình.

“Mục đích của luật này là cải thiện chế độ chăm sóc cho dân số già đang gia tăng nhanh chóng của Trung Quốc nhưng một số cặp đồng tính nam đã lợi dụng nó vì có thể đảm bảo một số quyền của họ như một cặp bạn đời hợp pháp”, Yanzi nói. “Tuy nhiên, trong các khía cạnh pháp lý khác, không có sự phát triển nào để đảm bảo quyền lợi của các cặp đồng tính. Chúng tôi cảm thấy cần phải đẩy mạnh hơn nữa”.

Bất chấp tình trạng hiện nay không mấy khả quan, Yanzi đặt hi vọng vào tương lai. Vài năm gần đây, anh đã nhận được sự ủng hộ to lớn từ giới trẻ - những người đang ngày càng chấp nhận cộng đồng LGBT. Bằng chứng là các cuộc thăm dò được lặp đi lặp lại về hôn nhân đồng giới trên Weibo – mạng xã hội phổ biến tại Trung Quốc.

“Mặc dù đây chỉ là những người dùng Weibo, nhưng có tỷ lệ ủng hộ cao”, Yanzi nói. “Tôi tin rằng nếu công chúng có cơ hội tiếp xúc với loại thông tin này, thái độ của họ sẽ dần thay đổi”.

Mai Thảo (theo South China Morning Post)
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Cần có một cuộc cách mạng thực sự về khoa học - công nghệ
7 giờ trước Khoa học - công nghệ
TSKH Nghiêm Vũ Khải - nguyên Phó chủ tịch Liên hiệp Các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam cho rằng nếu không có một cuộc cách mạng thực sự về khoa học - công nghệ thì sẽ không thể vượt qua tình trạng tụt hậu.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Nỗ lực thúc đẩy hôn nhân đồng giới của cộng đồng LGBT Trung Quốc