Ngay sát thành phố Phan Thiết, nhiều người dân đang phải mua nước sinh hoạt với giá 180.000 đồng/khối, đắt gấp rưỡi giá nước chở từ Sài Gòn về miền Tây giải hạn.
Báo chí đưa tin miền Tây Nam Bộ đang hạn, các hồ nước ngọt trơ đáy. Nước mặn xâm nhập cả sông lớn. Nguồn nước ngọt sinh hoạt bị nhiễm, độ mặn lên tới 2 - 3 phần nghìn. Các giống cây trồng chỉ có thể sống với độ mặn dưới 0,5 phần nghìn. Người dân phải mua nước ngọt chở từ Sài Gòn xuống với giá 130.000 đồng một khối. Ai cũng kêu trời.
Vậy mà ở Nam Trung Bộ, tại thôn Văn Lâm, xã Hàm Mỹ, sát thành phố Phan Thiết, nhiều người dân đang phải mua nước sinh hoạt với giá 180.000 đồng/khối, đắt gấp rưỡi giá nước chở từ Sài Gòn về miền Tây giải hạn. Vùng đất thừa nắng gió này thiếu nước từ bao đời nay nhưng là thiếu nước mưa cho cây trồng tự nhiên. Nước sinh hoạt từ các sông suối, giếng chưa bao giờ thiếu, dù chất lượng nước không đảm bảo lắm. Những nhà có điều kiện thường xây hồ chứa nước mưa để dùng dần. Đào giếng trong thôn, toàn nước mặn, càng sâu càng mặn.
Mấy năm gần đây, thôn có nước máy. Các hồ xây trước đây bị đập bỏ. Nước sạch, giá rẻ, mùa nắng nước chảy yếu. Từ Tết Nguyên đán 2020, nước máy yếu hẳn. Nhân viên thu tiền nước tiếp thị máy bơm tăng áp, bán trực tiếp luôn. Hậu quả là mấy nhà đầu đường ống, gắn bơm tăng áp, nước phủ phê, nhưng cả thôn lãnh đủ, nhất là những hộ cuối đường ống. Hiện giờ, mở vòi cả ngày đêm chỉ được vài ba chục lít. Nhiều khi không có giọt nào.
Những nhà gắn máy bơm tăng áp cho vào hồ, bán lại cho dân trong thôn 180.000 đồng/khối. Lý giải việc thiếu nước, người dân cho là nước nguồn cạn kiệt bởi đào giếng lấy nước trồng thanh long hàng chục ngàn hecta ở vùng đất giồng cát ven biển, trước chỉ trồng mè và dưa hấu lấy hạt. Chính quyền địa phương cho là do đường ống hẹp và lượng nước dùng mùa nắng tăng.
Ủy ban Nhân dân xã Hàm Mỹ đã đến khảo sát, nắm tình hình, gặp gỡ bà con và thông báo cấm các hộ dân dùng máy bơm tăng áp. Xã hứa điều tiết thêm nước cho thôn. Chính quyền cũng vận động người dân tiết kiệm nước, san sẻ nhau, khuyến khích người dân dùng xe ra chở nước từ nguồn chứa miễn phí, cách thôn chỉ hơn 1km.
Xã đang xây dựng hệ thống cấp nước từ nguồn khác với đường ống lớn hơn. Tình hình chưa biết lúc nào cải thiện. Hơn 2.700 người dân vẫn cố chịu đựng. Những hộ dân có điều kiện đang rục rịch xây lại hồ chứa, trữ nước mưa như trước đây cho chắc ăn.
Trước mắt, cần điều chỉnh định mức nước sinh hoạt. Phạt nặng những người đầu cơ, bán nước giá cắt cổ. Về lâu dài, cần có nghiên cứu khoa học và quy hoạch nước sinh hoạt căn cơ. Vùng đất có lượng mưa thấp thứ nhì trong cả nước (sau Ninh Thuận) mà trồng toàn thanh long, các khu công nghiệp mọc lên như nấm thì nạn khan hiếm nước sinh hoạt trước sau gì cũng đến. Vấn đề là nhanh hay chậm và chủ động hay thụ động đối phó.
Nguyễn Văn Mỹ