Theo TS Nguyễn Hữu Huân, Trưởng bộ môn Thị trường Tài chính, Trường đại học Kinh tế TP.HCM, tỷ lệ nợ xấu hiện nay vẫn ở mức an toàn nhưng việc chuyển nhóm nợ sẽ diễn ra rất nhanh.

Nỗi lo nợ xấu: Kỳ 1 – Bức tranh bắt đầu xuất hiện những mảng xám

Lam Thanh | 17/03/2023, 20:00

Theo TS Nguyễn Hữu Huân, Trưởng bộ môn Thị trường Tài chính, Trường đại học Kinh tế TP.HCM, tỷ lệ nợ xấu hiện nay vẫn ở mức an toàn nhưng việc chuyển nhóm nợ sẽ diễn ra rất nhanh.

Từ năm 2022, các dự báo cho thấy nợ xấu sẽ tăng vào năm 2023, đặc biệt các khoản nợ liên quan đến bất động sản, trái phiếu doanh nghiệp. Nếu như không có những giải pháp kịp thời thì năm nay sẽ là một năm khá khó khăn không chỉ ở thị trường bất động sản mà còn là ở phía hệ thống ngân hàng.

Nỗi lo nợ xấu phình to trong 2023

Theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước, đến cuối năm 2022, tổng dư nợ tín dụng lĩnh vực bất động sản của các tổ chức tín dụng đạt khoảng 2,58 triệu tỉ đồng, tăng khoảng 24% so với 2021 và tỷ lệ nợ xấu là 1,81%. Có thể thấy, trong năm 2022, tỷ lệ nợ xấu đối với lĩnh vực bất động sản đang có chiều hướng nhích dần lên so với năm 2021 là 1,67%.

Báo cáo vừa công bố của WiGroup cũng nhận định năm 2023, các ngân hàng sẽ chịu nhiều áp lực tăng trưởng, những dấu hiệu suy yếu dần xuất hiện vào cuối năm ngoái. Số lượng các ngân hàng dễ bị tổn thương bởi nợ xấu đang tăng lên. 

Có chung nhận định, báo cáo ngành ngân hàng của Công ty chứng khoán Mirae Asset cũng nhận định, nợ xấu tăng đáng kể trong năm 2022 và có xu hướng tiếp diễn trong năm 2023. Nợ xấu tăng cao trong năm 2022 một phần bị ảnh hưởng bởi dư nợ tái cơ cấu liên quan đến COVID-19. Tổng nợ quá hạn (bao gồm nợ nhóm 2) trung bình tăng 1,1% lên mức 3,3% vào cuối năm 2022.

Báo cáo trước đó của Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam cũng dự báo chỉ tiêu lợi nhuận ròng của 27 ngân hàng niêm yết tăng 16% trong năm 2023, đồng thời tỷ lệ nợ xấu cũng sẽ gia tăng.

no-xau-2.jpg
Nợ xấu sẽ tăng trong năm 2023

Yuanta Việt Nam dự báo nợ xấu năm 2023 sẽ tăng lên 1,65% (tăng 10 điểm cơ bản so với 2022). Do đó, chi phí dự phòng sẽ tăng lên, nhất là ở các ngân hàng có tỷ lệ bao phủ nợ xấu thấp. Còn các ngân hàng có tỷ lệ bao phủ nợ xấu cao có thể linh hoạt hơn trong giảm trích lập dự phòng để gia tăng lợi nhuận.

Nguyên nhân của tình trạng này từ các rủi ro tiềm ẩn trên thị trường bất động sản khi thị trường trái phiếu doanh nghiệp bị kiểm soát và điều kiện thanh khoản bị thắt chặt.

Có thể thấy một số ngân hàng có kết quả kinh doanh năm 2022 với lợi nhuận khả quan. Tuy nhiên, số dư nợ xấu đã có xu hướng tăng lên. Đáng lo ngại là tỷ lệ nợ xấu chủ yếu đến các khoản nợ có khả năng mất vốn (nhóm 5) đã tăng mạnh so với đầu năm 2022.

Ví dụ, tại Saigonbank, năm qua tổng nợ xấu chiếm gần 398 tỉ đồng trong tổng dư nợ, tăng 22% so với đầu năm. Từ đó, nó kéo tỷ lệ nợ xấu trên dư nợ vay tăng lên 2,12% vào cuối năm 2022. Với TPBank, tổng nợ xấu tính đến ngày 31.12.2022 của nhà băng này tăng 17% so với đầu năm, chiếm 1.357 tỉ đồng trong tổng dư nợ. Tăng mạnh nhất là nợ có khả năng mất vốn. Tổng nợ xấu tính đến cuối năm 2022 của ABBank là gần 2.366 tỉ đồng, tăng 46% so với đầu năm qua; tổng nợ xấu tính đến cuối năm 2022 của LienVietPostBank tăng 20% so với đầu năm qua, chiếm 3.427 tỉ đồng trong tổng dư nợ và nợ dưới tiêu chuẩn tăng mạnh nhất…

Việc chuyển nhóm nợ sẽ diễn ra rất nhanh

Các báo cáo tài chính năm 2022 cũng cho thấy nợ xấu tuyệt đối của nhiều ngân hàng tăng mạnh, có ngân hàng tăng tới 100%. Đối với ngành ngân hàng, vấn đề lớn nhất có lẽ là thực trạng nợ xấu và sự chuyển dịch giữa các nhóm nợ chưa được phản ánh hết, vì có những chính sách đang khoanh nợ theo các chương trình tái cấu trúc nợ của ngân hàng thương mại.

Các chuyên gia cho rằng nợ xấu năm 2023 cũng sẽ tăng cùng với chính sách thắt chặt tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước. Ngoài ra, năm 2023, việc lãi suất tăng cũng kéo theo nghĩa vụ trả nợ của bên vay, trong điều kiện kinh tế phục hồi chậm sẽ dẫn đến nợ xấu tiềm ẩn gia tăng.

Trao đổi với phóng viên Một Thế Giới, PGS-TS Đinh Trọng Thịnh (Học viện Tài chính) cho biết nợ xấu tăng là điều đã được dự báo từ trước. 

Ông Thịnh cho rằng, từ ngày 1.7.2022, vấn đề khoanh nợ, hoãn nợ, giãn nợ hoặc không chuyển nhóm nợ xấu sẽ kết thúc theo quyết định của Ngân hàng Nhà nước. Vì thế, các khoản nợ của doanh nghiệp trong thời gian trước đây được khoanh nợ, giãn nợ thì các ngân hàng cũng đã xác định nợ xấu.

“Đến cuối năm 2022, khoản nợ xấu mà các ngân hàng báo cáo cũng đã tăng lên nhưng vẫn thấp hơn nhiều so với dự báo, đây cũng là điều đáng mừng”, ông Thịnh nêu.

Cũng nói với Một Thế Giới về vấn đề này, TS Nguyễn Hữu Huân, Trưởng bộ môn Thị trường tài chính, Trường đại học Kinh tế TP.HCM cho rằng việc nợ xấu gia tăng là điều dự báo từ trước khi thị trường bất động sản đang có dấu hiệu đóng băng từ năm ngoái đến nay bởi các chính sách thắt chặt tín dụng trong lĩnh vực này.

"Kèm theo đó là lãi suất chung tăng cao, việc này làm cho dòng tiền vào bất động sản bị hạn chế và gây ra hiện tượng mất thanh khoản trên thị trường. Trước đây lãi suất vay chỉ từ 8 đến 10%/năm giờ lên cao hơn sẽ làm vỡ kế hoạch trả nợ của doanh nghiệp. Những doanh nghiệp hoạt động kém hiệu quả khó có thể chịu được mức lãi suất cho vay mới, đồng nghĩa với hoạt động sẽ càng thêm khó khăn", ông Huân chia sẻ.

Theo ông Huân, trước tình cảnh khó khăn đó, doanh nghiệp suy giảm khả năng trả nợ. "Trong một nền kinh tế tăng trưởng chậm lại, rõ ràng hoạt động của các doanh nghiệp cũng sẽ bị ảnh hưởng xấu, vì vậy càng tác động tiêu cực lên khả năng trả nợ của doanh nghiệp, nhất là với những doanh nghiệp đã được tái cơ cấu nợ do ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19 trong hai năm qua".

Theo ông Huân, tỷ lệ nợ xấu hiện nay vẫn ở mức an toàn nhưng việc chuyển nhóm nợ sẽ diễn ra rất nhanh, nên nếu như không có những giải pháp kịp thời thì năm nay sẽ là một năm khá khó khăn không chỉ ở thị trường bất động sản mà còn là ở phía hệ thống ngân hàng.

Việc chuyển nhóm nợ cũng là điều lo lắng của nhiều doanh nghiệp, đặc biệt là bất động sản. Mới đây, hàng loạt “ông lớn” trong ngành bất động sản như Hưng Thịnh Land, Novaland… cho biết khó khăn đang tác động tiêu cực đến dòng tiền và nghĩa vụ trả nợ ngân hàng.

Dù các khoản vay chưa bị chuyển sang nợ xấu, song các doanh nghiệp này lo lắng nếu tình hình không có gì chuyển biến, thì khả năng nhảy nhóm nợ rất dễ xảy ra. Khi đó, cánh cửa tiếp cận gói vay mới từ ngân hàng sẽ đóng lại. Chính vì vậy, các doanh nghiệp kiến nghị Ngân hàng Nhà nước cho phép cơ cấu nợ, tránh tình trạng nhảy nhóm nợ.

Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM cho rằng ngoài khó khăn lớn nhất là “vướng mắc pháp lý” thì khó khăn về trái phiếu doanh nghiệp đến hạn và các khoản vay tín dụng đến hạn với rủi ro thành “nợ xấu” hoặc “nhảy nhóm nợ xấu hơn” cũng đang gây nhiều khó khăn cho doanh nghiệp.

Ông Châu phân tích, doanh nghiệp có các khoản vay tín dụng nếu không được gia hạn sẽ bị xếp vào nhóm nợ xấu; còn các khoản vay quá hạn có thể bị nhảy sang nhóm nợ xấu hơn. Doanh nghiệp có nợ xấu dù có dự án khả thi, có tài sản bảo đảm cũng vẫn không tiếp cận được các khoản vay tín dụng mới.

Ông Châu đề nghị cho phép doanh nghiệp tái cơ cấu khoản nợ vay tín dụng đến hạn trong thời hạn từ 12 - 24 tháng, giữ nguyên nhóm nợ và được vay vốn tín dụng mới có tài sản bảo đảm.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Ba kịch bản về lạm phát năm 2024
một phút trước Kinh tế - đầu tư - dự án
Ba kịch bản lạm phát năm 2024 tương ứng với CPI bình quân năm lần lượt là 3,8%, 4,2% và 4,5%.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Nỗi lo nợ xấu: Kỳ 1 – Bức tranh bắt đầu xuất hiện những mảng xám