Ngân hàng Nhà nước nên cho cá nhân, hộ gia đình đã ký hợp đồng vay gói tín dụng ưu đãi 30.000 tỉ đồng trước ngày 31.3.2016 và đã được giải ngân dang dở được tiếp tục giải ngân đến hết hợp đồng, kể cả các trường hợp nhận nhà sau ngày 31.12.2016.
Đó là nhận định của Hiệp hội bất động sản TP.HCM (HoREA).
Tiếp tục giải ngân gói 30.000 tỉ
Để đáp ứng nguyện vọng và nhu cầu của người tiêu dùng, ngày 30.3.2016, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 23/NQ-CP cho phép tiếp tục triển khai gói tín dụng ưu đãi 30.000 tỉ đồng cho đến khi giải ngân hết. Tuy nhiên, việc chậm ban hành thông tư của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) để hướng dẫn thực hiện đã làm cho người tiêu dùng lo lắng, bất an.
Đặc biệt, từ ngày 1.6 đến ngày 31.7 đã có khoảng trống pháp lý dẫn đến người vay gói tín dụng ưu đãi mà đang giải ngân dang dở đã phải ký thỏa thuận tạm thời chấp nhận lãi suất vay cao (khoảng 7-8%/năm) với ngân hàng thương mại trong lúc chờ NHNN ban hành thông tư.
Giải quyết vướng mắc trên, ngày 29.7, NHNN đã ban hành Thông tư 25/2016/TT-NHNN quy định kể từ ngày 1.8.2016 cho phép tiếp tục giải ngân gói tín dụng ưu đãi 30.000 tỉ đồng đến hết ngày 31.12.2016. Đồng thời, đã có phương án xử lý các khoản giải ngân theo thỏa thuận lãi suất cao giữa ngân hàng và người tiêu dùng trong thời gian từ ngày 1.6 đến ngày 31.7.
Theo đó, trường hợp ngân hàng đã thu nợ lãi với mức lãi suất lớn hơn mức lãi suất cho vay hỗ trợ nhà ở, ngân hàng thực hiện hoàn trả phần chênh lệch nợ lãi giữa mức lãi suất thực tế đã thu và mức lãi suất cho vay hỗ trợ nhà ở trong thời hạn không quá 2 tháng kể từ ngày Thông tư này có hiệu lực thi hành hoặc bù trừ cho khách hàng chậm nhất vào 2 kỳ thu lãi gần nhất sau khi được NHNN tái cấp vốn.
Vẫn cần giải ngân hết
Tuy nhiên, bên cạnh sự đồng tình, Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) cho rằng có những điểm NHNN cần cân nhắc, xem xét lại.
Cụ thể, HoREA cho rằng Thông tư 25 quy định việc gia hạn thời gian giải ngân gói 30.000 tỉ tối đa đến hết ngày 31.12.2016, còn sau thời điểm này ngân hàng tiếp tục giải ngân cho khách hàng trên cơ sở lãi suất cho vay thỏa thuận và chính sách khách hàng của từng ngân hàng là chưa thỏa đáng.
Trên thực tế, có nhiều trường hợp khách hàng nhận nhà sau thời điểm 31.12.2016 sẽ không được tiếp tục hưởng lãi suất vay ưu đãi mà khách hàng phải vay khoản tiền còn lại trong hợp đồng với lãi suất vay thỏa thuận theo chính sách cho vay của từng ngân hàng.
Chưa kể, nhiều khách hàng không đủ điều kiện và khả năng tài chính sẽ không thể tiếp tục thực hiện hợp đồng mua nhà, chưa nói có thể bị phạt vi phạm hợp đồng hoặc phải sang nhượng lại cho người khác, trở lại trắng tay.
Do đó, HoREA đề nghị NHNN cho cá nhân, hộ gia đình đã ký hợp đồng vay gói tín dụng ưu đãi 30.000 tỉ đồng trước ngày 31.3.2016 và đã được giải ngân dang dở được tiếp tục giải ngân đến hết hợp đồng, kể cả các trường hợp nhận nhà sau ngày 31.12.2016.
Không những vậy, NHNN đã công bố lãi suất gói tín dụng ưu đãi 30.000 tỉ trong năm 2016 là 5%, có nghĩa là người mua nhà ở thương mại và cả người mua nhà ở xã hội đều phải chịu lãi suất này. HoREA nói quy định lãi suất 5%/năm đối với người mua nhà ở thương mại rất là thỏa đáng, nhưng lại không phù hợp đối với người mua nhà ở xã hội theo gói tín dụng ưu đãi.
Bởi lẽ, theo quyết định 1013/QĐ-TTg ngày 6.6.2016 của Thủ tướng Chính phủ quy định lãi suất cho vay nhà ở xã hội là 4,8%/năm áp dụng tại Ngân hàng Chính sách xã hội đến hết ngày 31.12.2016.
Chính vì vậy, HoREA đề nghị NHNN ban hành quyết định về lãi suất cho vay nhà ở xã hội cũng là 4,8%/năm, áp dụng đến hết ngày 31.12.2016 cho các trường hợp mua nhà ở xã hội trong gói tín dụng ưu đãi 30.000 tỉ đồng để bảo đảm sự thống nhất của pháp luật.
Ngoài ra, Thông tư 25 cũng không đề cập đến các chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội đã vay vốn tín dụng ưu đãi của gói 30.000 tỉ đồng và đang thực hiện các dự án nhà ở xã hội dở dang.
Đơn cử, Công ty Hoàng Quân đang thực hiện 5 dự án nhà ở xã hội tại TP.HCM, trong đó có dự án nhà ở xã hội Hoàng Quân Plaza tại xã An Phú Tây, huyện Bình Chánh với quy mô 1.700 căn hộ. Công ty nãy đã được BIDV ký hợp đồng cho vay 540 tỉ đồng và đã giải ngân 480 tỉ đồng. Hoàng Quân đã bàn giao 1.200 căn hộ cho khách hàng và còn tiếp tục bàn giao 500 căn hộ trong năm 2016.
Tuy nhiên, kể từ ngày 1.6.2016, Công ty Hoàng Quân không được nhận tiếp nguồn vốn tín dụng do BIDV đã ngưng giải ngân theo văn bản số 3954/NHNN-TD ngày 30.5.2016 của NHNN.
“Nếu không được tiếp tục nhận nguồn tín dụng ưu đãi từ BIDV thì Công ty Hoàng Quân rất khó có điều kiện để hoàn thành công trình, bàn giao nhà cho khách hàng đúng hạn, giá bán sẽ bị đội lênvà người mua nhà không được hưởng chính sách ưu đãi mua nhà ở xã hội như mục tiêu ban đầu của dự án”, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội bất động sản TP.HCM nói.
Vì lẽ đó, ông Châu nói HoREA đã kiến nghị NHNN chấp thuận cho giải ngân tái cấp vốn đối với các hợp đồng tín dụng đã ký trước ngày 31.3 đối với các chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội, dự án nhà ở thương mại đã chuyển đổi công năng sang nhà ở xã hội mà chủ đầu tư dự án đó đang xây dựng dở dang và đã bán cho khách hàng mà người mua nhà đã ký hợp đồng vay gói 30.000 tỉ đồng trước ngày 31.3 để hỗ trợ chủ đầu tư hoàn thành công trình bàn giao nhà cho khách hàng.
Tính đến ngày 10.5.2016, các ngân hàng thương mại đã ký hợp đồng cam kết cho vay là 34.826 tỉ đồng với 56.240 khách hàng. Tính đến ngày 20.5.2016, tổng số tiền đã giải ngân là 26.733 tỉ đồng, trong đó đã giải ngân cho khách hàng cá nhân là 21.667 tỉ đồng.
Phan Diệu