Sứ mệnh của bà Yang Hyang-ja, người đứng đầu bộ phận phát triển chip nhớ Samsung Electronics, ngày càng quan trọng khi Mỹ, Trung Quốc và Nhật Bản đổ hàng tỉ USD vào việc xây dựng chuỗi cung ứng chip riêng.
Với 3 thập kỷ làm việc tại Samsung Electronics, bà Yang Hyang-ja đã giúp định hình vị trí thống trị hiện tại của tập đoàn 84 tuổi này trong lĩnh vực sản xuất chip nhớ toàn cầu. Giờ đây, bà Yang Hyang-ja đang đảm nhận một thách thức rộng lớn hơn nhiều: Đảm bảo Hàn Quốc vẫn giữ được vị thế khi Mỹ và Trung Quốc chiến đấu vì chất bán dẫn.
Thăng tiến từ trợ lý của một nhà nghiên cứu tại Samsung Electronics trở thành người đứng đầu bộ phận phát triển chip nhớ quan trọng, bà Yang Hyang-ja là kiến trúc sư trưởng của một nỗ lực toàn quốc nhằm tài trợ và thúc đẩy ngành công nghiệp chip Hàn Quốc.
Yang Hyang-ja nói với đài Bloomberg Television rằng sứ mệnh của bà đang ngày càng trở nên quan trọng khi Mỹ, Trung Quốc và Nhật Bản đổ hàng tỉ USD vào việc xây dựng chuỗi cung ứng chip riêng, ảnh hưởng đến vai trò tương lai của Hàn Quốc trong lĩnh vực bán dẫn.
“Chúng ta đang trong cuộc chiến chip. Ưu thế về công nghệ là cách mà đất nước chúng ta có thể dẫn đầu trong bất kỳ chương trình nghị sự nào liên quan đến an ninh, chẳng hạn các vấn đề ngoại giao và quốc phòng, mà không bị ảnh hưởng bởi các quốc gia khác”, bà Yang Hyang-ja nói trong một cuộc phỏng vấn với Bloomberg Television hồi tháng 12.2022.
Bà Yang Hyang-ja lãnh đạo một ủy ban đặc biệt gồm 13 thành viên trong đảng cầm quyền của Tổng thống Yoon Suk Yeol để tìm giải pháp về chip. Yang Hyang-ja lập luận rằng, chỉ thông qua sự can thiệp mạnh mẽ và trực tiếp, Hàn Quốc mới có thể mở rộng vị thế của mình trong ngành công nghiệp bán dẫn toàn cầu trị giá 550 tỉ USD.
Yang Hyang-ja là một trong số ngày càng nhiều các nhà hoạch định chính sách toàn cầu muốn áp dụng chủ nghĩa bảo hộ công nghệ, sau khi những khó khăn về hậu cần do đại dịch gây ra làm tăng sự phụ thuộc của các quốc gia vào nhau với các linh kiện điện tử quan trọng.
Chủ nghĩa bảo hộ là chính sách của chính phủ nhằm bảo vệ một số nhà sản xuất trong nước chống lại sự canh tranh của nước ngoài.
Tổng thống Yoon Suk Yeol đã kêu gọi bà Yang Hyang-ja đưa ra nhiều chính sách hơn để hỗ trợ lĩnh vực chip nội địa của Hàn Quốc, bao gồm cả hãng SK Hynix cũng như Samsung Electronics.
SK Hynix là nhà cung cấp chip nhớ lớn thứ hai thế giới chỉ sau Samsung Electronics.
Thế nhưng, những nỗ lực của bà Yang Hyang-ja không được như mong đợi. Tháng trước, Quốc hội đã thông qua đạo luật K-Chips cho Hàn Quốc (tương tự đạo luật Chips and Science của Mỹ). Do bà Yang Hyang-ja dẫn đầu, động thái này đẩy nhanh quá trình phê duyệt xây dựng các nhà máy ở khu vực đô thị, đồng thời tăng số lượng trường chuyên về công nghệ. Dù vậy, Quốc hội đã thông qua dự luật cung cấp khoản tín dụng thuế 8% cho các công ty lớn đầu tư vào sản xuất chất bán dẫn, nhỏ hơn nhiều so với đề xuất 20-25% của bà Yang Hyang-ja.
Bà Yang Hyang-ja nói việc đó khác xa với khoản trợ cấp hàng tỉ USD mà các quốc gia khác đang cam kết sản xuất chip, đồng thời cho biết thêm rằng những lợi ích chính trị ngắn hạn đang che mắt các nhà làm luật tại Quốc hội. Ngược lại, một số đồng nghiệp của Yang Hyang-ja đã lập luận rằng các ưu đãi quá hào phóng ảnh hưởng đến tài chính của chính phủ Hàn Quốc và sẽ chỉ mang lại lợi ích cho các công ty lớn.
Đáp lại, bà Yang Hyang-ja nói nhiều công ty Hàn Quốc có thể chuyển các cơ sở sản xuất chính của họ sang Mỹ và mang theo những kỹ sư giỏi nhất. Samsung Electronics có kế hoạch xây dựng một nhà máy bán dẫn trị giá 17 tỉ USD ở bang Texas (Mỹ), đồng thời đưa ra khả năng chi gần 200 tỉ USD cho các nhà máy ở thành phố Austin và Taylor (cũng ở bang Texas).
Bà Yang Hyang-ja cho biết Hàn Quốc có một cơ hội duy nhất để chống lại xu hướng này. Đài Loan là nơi đặt trụ sở của TSMC, hãng sản xuất chip theo hợp đồng số 1 thế giới. TSMC sản xuất phần lớn các chip hàng đầu điều khiển iPhone, máy chủ và siêu máy tính mới nhất. Điều đó dẫn đến những lời kêu gọi trên toàn thế giới nhằm đa dạng hóa sản xuất khỏi Đài Loan.
“Samsung Electronics là công ty duy nhất trên thế giới có thể thay thế TSMC”, bà Yang Hyang-ja tuyên bố.
Mỹ đang tăng cường các biện pháp trừng phạt công nghệ tiên tiến với Trung Quốc. Điều đó gia tăng áp lực buộc Hàn Quốc phải lựa chọn giữa Mỹ (đồng minh an ninh) hay Trung Quốc (đối tác thương mại lớn nhất). Cả Mỹ và Trung Quốc đã đề nghị Hàn Quốc mở rộng quan hệ đối tác sản xuất chip.
Thế nhưng, Hàn Quốc không đưa ra những bình luận rõ ràng liên quan đến cam kết của họ với các biện pháp trừng phạt từ chính quyền Biden nhằm ngăn xuất khẩu công nghệ Mỹ sang Trung Quốc.
Bà Yang Hyang-ja cho biết tình huống tế nhị đó làm nổi bật nhu cầu ở Hàn Quốc trong việc xây dựng năng lực công nghệ trong nước của riêng mình, hoặc có nguy cơ ngày càng phụ thuộc nhiều hơn vào các cường quốc khác.
Bà Yang Hyang-ja nói đây là thời điểm để cung cấp cho các công ty Hàn Quốc nhiều ưu đãi hơn để xây dựng năng lực sản xuất trong nước thay vì ở nước ngoài. Ngoài ra, Hàn Quốc cần phải làm nhiều hơn nữa để giữ chân những tài năng trẻ, theo Yang Hyang-ja.