Huawei đang gặp khó khăn khi hết chip tiên tiến tự thiết kế cho smartphone trong bối cảnh lệnh trừng phạt thương mại của Mỹ, theo hãng nghiên cứu Counterpoint Research.
Một báo cáo của Counterpoint Research cho biết Huawei cuối cùng đã cạn kiệt chip do chính công ty tự thiết kế cho smartphone của mình, sau khi lệnh trừng phạt thương mại từ Mỹ cắt đứt khả năng tiếp cận với các chip mới tiên tiến.
Huawei từng vượt qua Samsung Electronics để trở thành nhà cung cấp smartphone lớn nhất thế giới vào đầu năm 2020. Thế nhưng, Huawei phải vật lộn để có các mạch tích hợp (IC) mới được thiết kế nội bộ và sản xuất bởi một xưởng đúc chip lớn, sau khi Mỹ thắt chặt các hạn chế thương mại vào tháng 8.2020, bao gồm khả năng tiếp cận của công ty Trung Quốc với chất bán dẫn được phát triển hoặc sản xuất bằng công nghệ Mỹ từ bất kỳ đâu.
Huawei và đơn vị thiết kế chip HiSilicon đã bị Mỹ thêm vào danh sách đen thương mại (danh sách thực thể) vào năm 2019. Thời điểm đó, HiSilicon cho biết có kế hoạch dự phòng để đảm bảo sự tồn tại của họ, trong khi công ty nghiên cứu Haitong và Canalys chỉ ra rằng Huawei đã dự trữ các linh kiện quan trọng của Mỹ trong gần 1 năm.
Counterpoint Research cho biết trong báo cáo mới nhất về thị phần bộ xử lý smartphone toàn cầu: “Dựa trên kiểm tra và các dữ liệu của chúng tôi về lượng hàng đã bán, Huawei cạn kiện kho chipset HiSilicon của mình”.
Thị phần của HiSilicon trên thị trường smartphone toàn cầu là con số 0% tròn trĩnh trong quý 3/2022, giảm từ 0,4% vào quý 2/2022 và 3% ở quý 2/2021.
Báo cáo nói thêm rằng Huawei không thể có được IC mới tiên tiến từ các nhà sản xuất chip hợp đồng lớn, chẳng hạn như TSMC (nhà sản xuất chip theo hợp đồng lớn nhất thế giới) hoặc Samsung Electronics, do Mỹ thắt chặt các hạn chế.
Huawei không trả lời ngay lập tức khi được đề nghị bình luận về chuyện trên.
Tính đến quý 3/2020, MediaTek, Qualcomm và Apple dẫn đầu thị trường toàn cầu về SoC (mạch tích hợp kết hợp nhiều phần tử của hệ thống thành một chip duy nhất) của smartphone, theo báo cáo của Counterpoint Research.
Dữ liệu mới nhất của ngành nêu bật những khó khăn mà Huawei tiếp tục phải trải qua, 3 năm sau khi bị Mỹ đưa vào danh sách thực thể. Là nhà sản xuất thiết bị viễn thông hàng đầu thế giới, Huawei đang hoạt động tại hơn 170 quốc gia.
Trước khi Mỹ siết chặt các lệnh trừng phạt, HiSilicon chiếm 16% thị phần chipset toàn cầu trong quý 2/2020, theo dữ liệu của Counterpoint Research, nhờ lô hàng chip Kirin tiên tiến được sử dụng trên smartphone Huawei.
HiSilicon cũng bị loại khỏi bảng xếp hạng 25 nhà cung cấp chất bán dẫn hàng đầu thế giới vì các hạn chế thương mại của Mỹ. Điều này cũng làm giảm thị phần chung của Trung Quốc trên thị trường chip toàn cầu, theo báo cáo được công bố vào tháng 4 bởi công ty nghiên cứu Gartner.
Những hạn chế về nguồn cung chip Kirin đã khiến hoạt động kinh doanh smartphone Huawei chịu nhiều áp lực. Vào tháng 9, Huawei đã trình làng smartphone Mate 50 hàng đầu không có kết nối di động 5G do lệnh trừng phạt của Mỹ. Huawei Mate 50 có kết nối 4G và vệ tinh, tích hợp chipset Qualcomm.
Từng là nhà cung cấp smartphone lớn nhất Trung Quốc, Huawei đã chứng kiến thị phần giảm tại quê nhà. Trong quý 3/2022, Huawei vẫn đứng ngoài bảng xếp hạng 5 nhà cung cấp smartphone hàng đầu tại Trung Quốc, theo dữ liệu từ hãng nghiên cứu thị trường công nghệ Canalys.
Theo Canalys, Apple là hãng chiến thắng duy nhất trong số các nhà cung cấp smartphone ở Trung Quốc trong quý 3/2022. Doanh số iPhone 14 Pro mạnh mẽ tương phản rõ rệt với hiệu suất yếu kém của các thương hiệu Trung Quốc.
Doanh số smartphone tổng thể ở Trung Quốc đã giảm 11% trong quý 3/2022 so với cùng kỳ năm ngoái, theo dữ liệu Canalys.
Canalys cho biết Apple đã công bố mức tăng trưởng doanh số 36% trong giai đoạn này so với cùng kỳ năm ngoái nhờ iPhone 14 Pro. Ngược lại, các thương hiệu smartphone nổi tiếng Trung Quốc là Oppo và Vivo có doanh số lần lượt giảm 27% và 23% trong quý 3/2022 so với cùng kỳ năm ngoái, còn Honor giảm 16%. Xiaomi làm tốt hơn Oppo và Vivo một chút, với doanh số smartphone giảm 17% so với cùng kỳ năm ngoái.
Số liệu của Canalys phù hợp với dữ liệu thị trường từ các nguồn khác cho thấy thị trường smartphone của Trung Quốc liên tục suy yếu.
Xét về doanh số smartphone tổng thể ở Trung Quốc, Canalys cho biết Vivo và Oppo vẫn là hai hãng đứng đầu, tiếp theo là Honor, Apple và Xiaomi. Honor trước đây là thương hiệu smartphone giá rẻ của Huawei.
Nhà phân tích Toby Zhu của Canalys dự báo thị trường smartphone Trung Quốc sẽ vẫn đi ngang hoặc chỉ đạt mức tăng trưởng nhẹ vào năm 2023. “Các nhà cung cấp phải chịu đựng nhu cầu giảm nhanh chóng và lượng hàng tồn kho cao trong những quý vừa qua đã làm tổn hại nghiêm trọng niềm tin vào chuỗi cung ứng tổng thể”, Toby Zhu nhận định.
Theo Canalys, nhu cầu đi xuống tại thị trường Trung Quốc đã khiến doanh số smartphone toàn cầu giảm 9% trong quý 3/2022 so với cùng kỳ năm trước.
Huawei gần đây đang làm việc để mở rộng các thỏa thuận cấp phép bằng sáng chế, như một phần trong nỗ lực tăng doanh thu vào bối cảnh hoạt động kinh doanh smartphone từng một thời sinh lãi của họ gặp khó khăn. Đầu tháng 12, Huawei đã đồng ý cấp phép một số công nghệ smartphone của mình cho đối thủ Oppo.
Huawei: Thu nhập ròng ba quý 2022 giảm 40% do không thể vực dậy mảng smartphone
Thu nhập ròng của Huawei giảm khoảng 40% trong ba quý đầu năm 2022 do không thể vực dậy hoạt động kinh doanh smartphone và chi rất nhiều cho nghiên cứu và phát triển.
Theo tính toán của trang Bloomberg, công ty có trụ sở tại Thâm Quyến (Trung Quốc) đã tạo ra 27,2 tỉ nhân dân tệ (3,8 tỉ USD) thu nhập ròng từ tháng 1 đến tháng 9.2022 với tỷ suất lợi nhuận là 6,1%. Điều này đánh dấu sự sụt giảm so với thu nhập ròng 46,5 tỉ nhân dân tệ trong ba quý cùng kỳ năm trước, khi Huawei báo cáo tỷ suất lợi nhuận hai con số.
Đây là sự sụt giảm mà người phát ngôn công ty cho là do đầu tư vào nghiên cứu và phát triển cùng các lĩnh vực kinh doanh mới.
"Sự sụt giảm trong lĩnh vực kinh doanh thiết bị của chúng tôi tiếp tục chậm lại và hoạt động kinh doanh cơ sở hạ tầng CNTT-TT của chúng tôi duy trì tốc độ tăng trưởng ổn định. Trong tương lai, chúng tôi sẽ tiếp tục chiêu mộ những tài năng hàng đầu và đầu tư vào nghiên cứu và phát triển để nâng khả năng cạnh tranh của sản phẩm lên một tầm cao mới", Chủ tịch luân phiên Huawei - Eric Xu nói.
Doanh thu trong quý 3/2022 của Huawei tăng 6% lên 144,2 tỉ nhân dân tệ, theo tính toán của Bloomberg. Nguyên nhân nhờ tăng trưởng ổn định trong lĩnh vực kinh doanh cơ sở hạ tầng CNTT-TT khi Huawei tìm được chỗ đứng sau các lệnh trừng phạt của Mỹ đánh gục mảng kinh doanh thiết bị cầm tay hùng mạnh một thời của họ.
Eric Xu cho biết hiệu suất phù hợp với dự báo của công ty.
Huawei công bố doanh thu 445,8 tỉ nhân dân tệ (62,03 tỉ USD) trong ba quý đầu năm 2022, ít hơn 10 tỉ nhân dân tệ so với cùng kỳ 2021.