Hãng tin Reuters cho biết Tổng thống Joe Biden sang Ấn Độ dự hội nghị cấp cao G20 với lời đề nghị dành cho nam bán cầu: Bất kể kinh tế Trung Quốc ra sao, Mỹ vẫn luôn sẵn sàng hỗ trợ phát triển cho khu vực này.
Bằng cách cung cấp thêm tiền cho Ngân hàng Thế giới (WB) và cam kết Mỹ sẽ hợp tác bền vững, ông hy vọng sẽ thuyết phục được các nền kinh tế mới nổi ở châu Á, châu Phi, Mỹ Latinh rằng có lựa chọn thay thế cho sáng kiến Vành đai - Con đường (BRI) do Trung Quốc đề xướng.
Tổng thống Biden có lợi thế khi dự hội nghị: Chủ tịch Tập Cận Bình vắng mặt. Sự vắng mặt của nhà lãnh đạo Trung Quốc trao cho Mỹ cơ hội định hình chương trình nghị sự của một nhóm mà họ đang nỗ lực thu hút.
Trọng tâm của Tổng thống Biden là loạt đề xuất cải cách WB, tăng nguồn tiền cho viện trợ phát triển cơ sở hạ tầng hay ứng phó biến đổi khí hậu ở quốc gia đang phát triển. Tất cả sẽ giúp giải phóng hàng trăm tỉ USD cho nhiều khoản vay lẫn viện trợ.
Nhà Trắng đã đề nghị Quốc hội Mỹ cấp thêm 3,3 tỉ USD nhằm đạt mục tiêu đến năm 2027 huy động đủ 600 tỉ USD cả viện trợ công lẫn đầu tư tư nhân cho sáng kiến Quan hệ đối tác vì cơ sở hạ tầng và đầu tư toàn cầu (PGII) - lựa chọn thay thế BRI.
Theo nhà nghiên cứu Zack Cooper (Viện Doanh nghiệp Mỹ): “Sự vắng mặt của Chủ tịch Tập đem lại cơ hội, nhưng liệu Mỹ có tận dụng thành công hay không?”.
Tăng trưởng nhanh, nợ chồng chất
Quan chức đại diện Trung Quốc dự hội nghị là Thủ tướng Lý Cường. Giới lãnh đạo G20 dự kiến thảo luận về tăng trưởng và nguy cơ khủng hoảng nợ.
Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) dự báo năm tới Trung Đông, Trung Á, các nước đang phát triển ở châu Á và châu Phi cận Sahara sẽ đạt mức tăng trưởng từ 3,2% đến 5%, cao hơn mức 1% của Mỹ và 3% của toàn cầu.
Nhưng biến đổi khí hậu đặt ra thách thức lớn cho hệ thống cơ sở hạ tầng cũ kỹ ở các quốc gia này. Đại dịch COVID-19, lạm phát phi mã, Mỹ tăng lãi suất khiến họ chịu gánh nặng nợ nần lớn, làm dấy lên lo ngại cuộc khủng hoảng tài chính châu Á lặp lại.
Mỹ cho rằng cải cách WB có thể đáp ứng nhu cầu của nam bán cầu, đồng thời lại phục vụ cho lợi ích của Washington. Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Jake Sullivan chỉ ra ngay chính quyền cựu Tổng thống Donald Trump - người luôn hoài nghi về hoạt động viện trợ nước ngoài - cũng đầu tư vào viện trợ, vì làm vậy tốt cho lợi ích Mỹ.
Trong thư kêu gọi Quốc hội Mỹ cấp tiền cho PGII vào tháng trước, Nhà Trắng nhấn mạnh cung cấp lựa chọn đáng tin cậy thay thế cho dự án cơ sở hạ tầng và “cho vay cưỡng ép” của Trung Quốc là việc vô cùng quan trọng.
Không chọn phe
Tổng thống Biden triển khai chính sách đối ngoại lên án cuộc chiến Nga phát động tại Ukraine, kiểm soát thế cạnh tranh với Trung Quốc, khôi phục nhiều liên minh bị người tiền nhiệm làm suy yếu.
Tất cả đều thành công với các đối tác truyền thống, nhưng những quốc gia đang phát triển như Brazil, Ấn Độ, Nam Phi lại ít hưởng ứng hơn. Họ đều tránh bị kéo vào cạnh tranh Mỹ - Trung hay Mỹ - Nga.
Khulu Mbatha, cựu cố vấn chính sách đối ngoại của Tổng thống Nam Phi Cyril Ramaphosa, cho biết: “Chúng tôi phải có khả năng hành động mà cần không chọn phe, giống như đã làm với cuộc chiến ở Ukraine”.
Về phần mình, Chủ tịch Tập cũng cố gắng tập hợp quốc gia đang phát triển bằng cách tổ chức cuộc họp với các nhà lãnh đạo Trung Á vào tháng 5, tại hội nghị thượng đỉnh nhóm BRICS tháng trước khẳng định kinh tế Trung Quốc “có sức sống mạnh mẽ”. Ông dự tính sang San Francisco dự hội nghị Hợp tác Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) tháng 11 tới.