Chủ tịch Vinaconex khẳng định 7.400 tỉ đồng mà nhóm cổ đông An Quý Hưng chi ra để mua vốn Vinaconex không phải tiền đi vay ngân hàng hay tẩu tán tài sản từ Vinaconex như lời đồn đoán thời gian qua.

Ông Đào Ngọc Thanh: Không có chuyện tẩu tán tài sản tại Vinaconex

28/06/2019, 21:28

Chủ tịch Vinaconex khẳng định 7.400 tỉ đồng mà nhóm cổ đông An Quý Hưng chi ra để mua vốn Vinaconex không phải tiền đi vay ngân hàng hay tẩu tán tài sản từ Vinaconex như lời đồn đoán thời gian qua.

Tại cuộc họp đại hội cổ đông thường niên 2019 của Tổng công ty CP Xuất Nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam (Vinaconex) diễn ra ngày 28.6, một trong những vấn đề được mọi người quan tâm và đặt ra câu hỏi là những tin đồn về việc tẩu tán tài sản của lãnh đạo Vinaconex.

Trước thắc mắc này, ông Đào Ngọc Thanh - Chủ tịch HĐQT Vinaconex, đồng thời là đại diện nhóm cổ đông An Quý Hưng khẳng định không có chuyện tẩu tán tài sản tại Vinaconex.

Ông Đào Ngọc Thanh cho biết Vinaconex hoạt động theo tinh thần thượng tôn pháp luật, HĐQT biểu quyết các vấn đề đều phải thông qua việc bỏ phiếu, cứ số quá bán là luật pháp đã cho phép.

"Tôi với trách nhiệm là một cổ đông, là đại diện cho Công ty An Quý Hưng đã góp vào Vinaconex hơn 7.000 tỉ đồng nên phải có trách nhiệm với số tiền này. Tôi và ông Nguyễn Xuân Đông - Tổng giám đốc Vinaconex là đại diện của An Quý Hưng, nhưng sau chúng tôi còn nhiều người nữa góp vốn. Tiền mua Vinaconex là do chúng tôi góp lại, không hề có ngân hàng phía sau để vay", ông Thanh nói.

Về việc quyết định quy chế tài chính, theo ông cần phải xem xét ai là người quyết định và quyết định có đúng quy định pháp luật không. Chủ tịch Vinaconex cũng lý giải thêm theo Báo cáo kiểm toán, hiện giá trị tài sản của Vinaconex đã tăng lên so với ngày 1.1.2019.

"Do Vinaconex được bán theo lô nên chúng tôi phải góp tiền vào An Quý Hưng để mua cổ phần tại Vinaconex. Việc đó đã được thể hiện tại báo cáo tài chính của An Quý Hưng, không có nợ ngân hàng. Nên cũng không có chuyện chuyển tiền từ Vinaconex về An Quý Hưng để bù đắp số tiền đã chi ra mua vốn công ty. Do đó, tôi khẳng định không có việc thất thoát hay tẩu tán tài sản tại Vinaconex", ông Thanh nhấn mạnh.

Trước đó, Công ty TNHH An Quý Hưng đã "gây sốc" giới tài chính khi vượt qua nhiều đối thủ khi chi tới 7.400 tỉ đồng cho thương vụ thâu tóm Vinaconex. An Quý Hưng hiện nắm giữ 57,71% vốn Vinaconex, phải huy động 5.300 tỉ đồng qua phát hành trái phiếu nhưng không thành công.

Ngay sau đấu giá, nhiều lo ngại về nguồn tiền mua lô cổ phiếu Vinaconex được đặt ra, bởi quy mô của An Quý Hưng lúc đó khá nhỏ so với Vinaconex. Vốn hoá của Vinaconex lên tới 12.000 tỉ đồng. Tổng tài sản tính đến cuối 2018 cũng vượt 20.000 tỉ đồng.

Trong khi đó, đầu năm 2018, An Quý Hưng chỉ có tài sản ngắn hạn gần 550 tỉ đồng, dài hạn 450 tỉ đồng và tổng cộng nguồn vốn gần 1.000 tỉ đồng. Năm 2017, công ty đạt 956 tỉ đồng doanh thu thuần và 62,4 tỉ đồng lợi nhuận sau thuế. Vốn điều lệ công ty cuối năm 2018 là 500 tỉ đồng.

Điều này tạo ra một nghịch lý lớn khi An Quý Hưng là công ty nhỏ nhưng lại trở thành công ty mẹ của một doanh nghiệp lớn như Vinaconex.

Sau thương vụ, tổng tài sản của An Quý Hưng trong 1 năm đã tăng phi mã, từ mức 1.000 tỉ đầu năm 2018 đã tăng lên gần 12.700 tỉ đồng, trong đó nợ đầu năm là hơn 534 tỉ đồng nhưng nợ cuối năm là hơn 12.000 tỉ đồng. Như vậy, hầu hết những tài sản mà An Quý Hưng có đều là tài sản vay, huy động vốn.

Theo bản cân đối kế toán, tài sản lớn nhất là nguồn đầu tư tài chính dài hạn, khoảng 7.600 tỉ đồng. Tổng các khoản nợ phải trả dài hạn của An Quý Hưng là hơn 8.000 tỉ đồng, trong đó vay và nợ thuê tài chính dài hạn là 200 tỉ đồng, còn 7.800 tỉ đồng là khoản nợ phải trả khác.

Theo báo cáo kết quả sản xuất kinh doanh năm 2018 của Vinaconex, tổng doanh thu hợp nhất toàn Tổng công ty đạt 10.084 tỉ đồng, bằng 84,4% tổng doanh thu năm 2017; lợi nhuận sau thuế đạt 639 tỉ đồng, bằng 39,2% lợi nhuận sau thuế năm 2017. Riêng Công ty mẹ, tổng doanh thu đạt 70% nhưng lợi nhuận sau thuế đã đạt 120% so với kế hoạch đã được Đại hội cổ đông năm 2018 thông qua.

Năm 2019, Công ty mẹ dự kiến đạt tổng doanh thu, lợi nhuận sau thuế đạt lần lượt là 3.600 tỉ đồng và 650 tỉ đồng; bằng 115% và 110% so với thực hiện năm 2018. Tỷ lệ cổ tức 12% và bằng 100% kế hoạch năm 2018. Hợp nhất toàn Tổng công ty thì các chỉ tiêu doanh thu và lợi nhuận sau thuế đạt lần lượt là 10.100 tỉ đồng và 743 tỉ đồng; bằng 100,2% và 116% so với thực hiện năm 2018.

Tuyết Nhung

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Điểm mới của lễ trao Giải thưởng Sách quốc gia lần thứ 7
42 phút trước Văn hóa
Ngày 22.11, Ban tổ chức Giải thưởng Sách quốc gia lần thứ 7 tổ chức họp báo thông tin về lễ trao giải sẽ diễn ra vào ngày 29.11 tại Nhà hát lớn Hà Nội.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Ông Đào Ngọc Thanh: Không có chuyện tẩu tán tài sản tại Vinaconex