Reuters ngày 25.2 đưa tin chuyến thăm Nhà Trắng đầu tiên của Tổng thống Mexico Enrique Pena Nieto bị hủy sau một cuộc điện thoại nóng nảy của Tổng thống Mỹ Donald Trump.
Một quan chức cấp cao trong chính phủ Mỹ cho biết: hai nhà lãnh đạo Mỹ-Mexico đồng ý hủy chuyến thăm Nhà Trắng của ông Enrique Pena Nietovì nhận định chưa đúng thời điểm, nhưng các ông Trump-Nieto sẽ yêu cầu trợ lý tiếp tục đàm phán và hợp tác với nhau.
Các quan chức Mexico đã nói về một cuộc gặp thượng đỉnh giữa hai vị tổng thống Mexico-Mỹ trong vài tuần tới, không cho biết cụ thể ngày nào.
Báo Washington Post đưa tin trước tiênngày24.2 (giờ Mỹ) rằng hôm 20.2, ông Trump nói chuyện điện thoại 50 phút với ông Nieto nhưng cuộc nói chuyện bị bế tắcvì ông Trump không chịu công khai xác nhận quan điểm của Mexico là không góp tiền xây bức tường dọc biên giới Mexico-Mỹ.
Một quan chức Mexico cho biết trong cuộc điện thoại, ông Trump nổi nóng, trong khi các quan chức Mỹ mô tả ông Trump bị thất vọng vì ông tin không có lý do hợp lý nào để ông Nieto đòi ông hủy lời hứa khi tranh cử là buộc Mexico phải bỏ tiền xây bức tường.
Bộ Ngoại giao Mexico nói không có gì để nói về cuộc điện thoại giữa hai nhà lãnh đạo, ngoài một tuyên bố cho biết ông Trump có gửi lời chia buồn vụ một trực thăng Mexico bị rơivà Mexico-Mỹ sẽ tiếp tục thúc đẩy đàm phán song phương về thương mại, di dân và an ninh.
Kế hoạch xây bức tường biên giới của ông Trump được người ủng hộ ông hoan nghênh, và đã trở thành chủ đề bàn luận về việc duy trì một chương trình liên bang nhằm bảo vệ giới trẻ được đưa vào Mỹ trái phép khi còn nhỏ không bị trục xuất.
Gần đây khi trình đề xuất ngân sách liên bang đến Quốc hội Mỹ, ông Trump đề nghị chi 23 tỉ USD cho an ninh biên giới và đa phần khoản tiền này là để xây tường ngăn Mỹ với Mexico.
Tổng thống Nieto từng gặp ông Trump ở bên lề hội nghị thượng đỉnh G-20 ngày 7.7.2017 tại Hamburg (Đức). Ông cũng từng hủy một cuộc gặp khác khi ông Trump dọa áp thuế lên hàng nhập khẩu từ Mexico để có tiền xây bức tường.
Ông Trump cũng có một lần gặp ông Nieto khi ông đi tranh cử tổng thống Mỹ năm 2016.
Bích Ngọc (theo Reuters)