Cần bãi bỏ quy định doanh nghiệp bất động sản không được lấy lợi nhuận trong hoạt động ở các lĩnh vực khác để bù trừ cho kinh doanh bất động sản và ngược lại, bởi quy định này bất hợp lý và không còn phù hợp với tinh thần đổi mới khi xây dựng Luật Đầu tư 2014.

Ông Lê Hoàng Châu: Cần công bằng với doanh nghiệp bất động sản

Phan Diệu | 29/04/2016, 06:01

Cần bãi bỏ quy định doanh nghiệp bất động sản không được lấy lợi nhuận trong hoạt động ở các lĩnh vực khác để bù trừ cho kinh doanh bất động sản và ngược lại, bởi quy định này bất hợp lý và không còn phù hợp với tinh thần đổi mới khi xây dựng Luật Đầu tư 2014.

Đó là phần kiến nghị của ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội bất động sản TP.HCM đưa tới Hội nghị “Doanh nghiệp Việt Nam - Động lực phát triển kinh tế của đất nước” do Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chủ trì diễn ra vào hôm nay (29.4) tại TP.HCM.

Theo ông Châu, bất động sản là một trong những ngành kinh tế nền tảng của đất nước, có liên quan đến hầu hết các ngành kinh tế khác, cung ứng nhiều sản phẩm, đặc biệt là nhà ở và góp phần tạo ra nhiều việc làm cho người lao động.

Hiện nay, có những ngành nghề được Nhà nước cho phép hạch toán bù trừ trong quá trình kinh doanh để xác định lợi nhuận và nghĩa vụ nộp thuế thu nhập doanh nghiệp. Tuy nhiên, cơ chế này lại không được áp dụng cho hoạt động kinh doanh bất động sản vì theo quy định thì kinh doanh bất động sản phải được hạch toán riêng.

Doanh nghiệp bất động sản không được lấy lợi nhuận trong hoạt động ở các lĩnh vực khác để bù trừ cho kinh doanh bất động sản và ngược lại cũng không được lấy lợi nhuận từ kinh doanh bất động sản để bù trừ cho các hoạt động khác.

Ông Châu nói đây là quy định bất hợp lý và không còn phù hợp với tinh thần đổi mới khi xây dựng Luật Đầu tư 2014 đã quy định nhà đầu tư được quyền thực hiện hoạt động đầu tư, kinh doanh trong các ngành, nghề mà pháp luật không cấm.

Hơn nữa, trong cùng một doanh nghiệp thì các hoạt động đầu tư, kinh doanh đều được đầu tư từ nguồn vốn của doanh nghiệp, có vai trò hỗ trợ lẫn nhau và hiệu quả sản xuất, kinh doanh chính là kết quả tổng hợp của các hoạt động trên.

Do vậy, cần bãi bỏ quy định lỗi thời này và cho phép tất cả các doanh nghiệp, trong đó có doanh nghiệp bất động sản được hạch toán bù trừ giữa các hoạt động sản xuất, kinh doanh với nhau phù hợp với các điều ước quốc tế mà nước ta đã ký kết.

Ngoài ra, đối với doanh nghiệp bất động sản, tiền sử dụng đất vẫn là một “ẩn số, không minh bạch” do nhà đầu tư không thể tiên lượng được chi phí tiền sử dụng đất trước khi quyết định đầu tư dự án.

Cụ thể, doanh nghiệp đang phải mua lại quyền sử dụng đất của dân với giá thị trường, sau đó lại phải nộp tiền sử dụng đất rất lớn do việc khấu trừ chi phí giải phóng mặt bằng rất thấp, nên gần như phải mua lại quyền sử dụng đất lần thứ hai. Đây là một gánh nặng, thế nên đã tạo ra cơ chế xin - cho trên thị trường bất động sản TP.HCM.

Ông Châu phân tích, hiện tạiđang thực hiện cơ chế đấu thầu qua mạng để chọn công ty thẩm định giá đất. Chi phí thẩm định này do ngân sách chi trả nên chọn đơn vị trúng thầu có giá thấp nhất. Sau khi đã trúng thầu, công ty thẩm định giá đấtcó thể đưa ra các phương án thẩm định giá đất,dẫn đến tình thế là chủ đầu tư phải thỏa thuận mới có kết quả phù hợp.

Kết quả này được trình ra Hội đồng thẩm định giá đất cấp tỉnh xét duyệt trước khi trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định số tiền sử dụng đất phải nộp. Cuối cùng người tiêu dùng phải gánh chịu khi mua nhà.

Do đó, Hiệp hội kiến nghị Chính phủ xem xét sửa đổi cách tính tiền sử dụng đất như là một sắc thuế khi chuyển mục đích sử dụng đất thành đất ở, như đề xuất của UBND TP.HCM tại Báo cáo số 196/BC-UBND ngày 8.11.2013 đã trình Chính phủ.

“Về lâu dài đề nghị nghiên cứu bỏ hẳn khái niệm “tiền sử dụng đất” mà thay thế bằng sắc thuế sử dụng đất ở với thuế suất nhất định, đề xuất khoảng 10% hoặc 15% bảng giá đất. Như vậy, vừa minh bạch, vừa dễ tính toán và loại trừ được cơ chế xin – cho. Hạn chế việc thu tiền sử dụng đất lần đầu quá lớn mà duy trì nguồn thu bền vững, lâu dài cho Nhà nước”, ông Châu nói.

Trong trường hợp đề xuất trên đây chưa được chấp thuận, Hiệp hội bất động sản TP.HCM sẽ kiến nghị cho chủ đầu tư được khấu trừ chi phí thực tế giải phóng mặt bằng vào tiền sử dụng đất.

Phan Diệu

Ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội bất động sản TP.HCM (Ảnh: PD)
Bài liên quan
Bất động sản Việt Nam: Kỳ vọng gì từ hàng chục tỉ USD kiều hối mỗi năm?
Với các quy định thông thoáng hơn về sở hữu nhà ở đối với Việt kiều, lượng kiều hồi, ước tính hàng tỉ USD mỗi năm được kỳ vọng sẽ là trợ lực cho thị trường bất động sản thời gian tới.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng Phạm Minh Chính tiếp Bộ trưởng Quân đội Pháp
2 giờ trước Sự kiện
Sáng 6.5 tại trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính tiếp Bộ trưởng Bộ Quân đội Cộng hòa Pháp Sebastien Lecornu đang có chuyến thăm Việt Nam, tham dự các hoạt động kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Ông Lê Hoàng Châu: Cần công bằng với doanh nghiệp bất động sản