Theo Tổng thống Nga Vladimir Putin, hôn nhân đồng giới sẽ không diễn ra tại Nga nếu ông còn ngồi ở điện Kremlin.
Theo Reuters, Tổng thống NgaVladimir Putin vừa khẳng định lại quan điểm của mình về hôn nhân đồng giớivào cuối tuần trước trong cuộc họp với một ủy ban nhà nước để thảo luận về việc sửa đổi hiến pháp. Cụ thể, ông Putin cho rằng hôn nhân là giữa nam và nữ, phụ huynh phải là cha và mẹ, chứ không phải “phụ huynh 1” và “phụ huynh 2”.
“Kể từ khi mô hình "phụ huynh 1"và "phụ huynh 2"xuất hiện, tôi đã công khai nói về nó và không ngần ngại lặp lại: Tôi mà còn là tổng thống thì điều đó sẽ không diễn ra. Phải là cha và mẹ!”, ông Putin nói.
Ủy ban này được thành lập vào tháng trước, sau khi ông Putin công bố những thay đổi sâu rộng đối với hệ thống chính trị Nga, bao gồm cả sửa đổi hiến pháp được viết vào năm 1993. Đây được xem là động thái nhằm giúp ông mở rộng quyền lực sau khi rời nhiệm sở vào năm 2024.
Nhiều đề xuất đã được đưa ra. Trong đó có một đề xuất cho rằng hiến pháp nên có thêm dòng xác định “hôn nhân làsự kết hợp giữa một người đàn ông và một người phụ nữ”.
Ngay sau khi nhà làm luật Olga Batalina phát biểu rằng “hiến pháp nên củng cố các giá trị gia đình truyền thống”, ông Putin đã đáp rằng: “Ý kiến này là đúng đắn và cần được ủng hộ. Chúng ta chỉ phải tìm ra vị trí thích hợp để thêm nó vào thôi”.
Bà Olga Batalina
Bà Olga Batalina là người đã vận động chính phủ Nga thông qua lệnh cấm việc nhận con nuôi nước ngoài và đạo luật “cấm tuyên truyền đồng tính”.
Sau khi đạo luật “cấm tuyên truyền đồng tính cho trẻ vị thành niên” chính thức có hiệu lực vào năm 2013, làn sóng chống đối cộng đồng LGBT (đồng tính, song tính và chuyển giới) tại Nga đã lan rộng và trở nên cực kỳ gay gắt. Các trường hợp phân biệt đối xử, miệt thị và tấn công bạo lực nhóm người này đã tăng mạnh và được những tổ chức nhân quyền quốc tế ghi nhận. Trong khi đó, chính phủ Nga từ chối sự tồn tại của các vụ việc như thế.
Mặc dù vậy, theo một khảo sát được thực hiện vào năm ngoái, 47% người dân Nga đồng ý với quan điểm “người đồng tính nên được đối xử bình đẳng như mọi công dân khác”. Đây là con số cao kỷ lục trong 14 năm qua. Tỷ lệ phản đối là 43%, tăng 4% so với năm 2013.
Cùng năm, một cuộc khảo sát tương tự do Tổ chức Ý kiến công cộng Nga (FOM) thực hiện thì cho thấy thực tế hoàn toàn khác: 7% người dân Nga đồng ý hợp pháp hóahôn nhân đồng giới so với tỷ lệ phản đối là 83%.
Mai Thảo