Tổng thống Donald Trump ngày 20.10 tuyên bố sẽ đưa Mỹ rút khỏi Hiệp ước về vũ khí tầm trung và tầm ngắn (INF) với lý do Nga vi phạm thỏa thuận.

Ông Trump dọa rút khỏi hiệp ước tên lửa hạt nhân với Nga

Cẩm Bình | 21/10/2018, 14:06

Tổng thống Donald Trump ngày 20.10 tuyên bố sẽ đưa Mỹ rút khỏi Hiệp ước về vũ khí tầm trung và tầm ngắn (INF) với lý do Nga vi phạm thỏa thuận.

INF được Liên Xô và Mỹ ký năm 1987, chính thức có hiệu lực năm 1988. Nội dung chính của văn kiện này cấm các bên tham gia xử lý, sản xuất hoặc tiến hành phóng thử các loại tên lửa mang được đầu đạn hạt nhân có tầm bắn từ 500 - 5.500km phóng từ mặt đất.

Nhà lãnh đạo Mỹ phát biểu tại bang Nevada: “Rất tiếc là Nga không tôn trọng INF, do đó chúng ta sẽ chấm dứt thỏa thuận và rút khỏi”.

Chính quyền Washington tin rằng Moscow vi phạm INF khi phát triển cũng như triển khai một hệ thống tên lửa hành trình mới cho phép họ tấn công hạt nhân châu Âu trong thời gian ngắn. Nga luôn phủ nhận cáo buộc này.

Trong khi đó, Trung Quốc (không tham gia INF) đầu tư không ít vào tên lửa như là một phần của chiến lược chống tiếp cận/chống xâm nhập (A2/AD).

Tuyên bố được Tổng thống Trump đưa ra trước khi Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ John Bolton có chuyến thăm Nga vào tuần tới. Báo The Guardian trước đó tiết lộ chính ông Bolton là người đề xuất việc rút khỏi INF.

Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ John Bolton được cho là người đề xuất việc rút khỏi INF - Ảnh: The Guardian

Frants Klintsevich, thành viên Ủy ban Quốc phòng Thượng viện Nga, đánh giá ý định trên đi ngược lại lợi ích của các đồng minh châu Âu của Mỹ và nhằm mục đích kéo Moscow vào một cuộc chạy đua vũ trang. Thượng nghị sĩ Alexey Pushkov gọi đây là một cú sốc lớn cho hệ thống toàn cầu đang rất ổn định.

Giới phân tích cũng bày tỏ lo ngại. Theo Phó giám đốc Viện Nghiên cứu quốc phòng và an ninh Hoàng gia Anh (RUSI) Malcolm Chalmers: “Đây là khủng hoảng hạt nhân nghiêm trọng nhất kể từ những năm 1980 đến nay. Nếu ING đổ vỡ rồi New Start (Hiệp ước cắt giảm vũ khí tấn công chiến lược Mỹ - Nga) hết hạn vào năm 2021 thì lần đầu tiên kể từ năm 1972 các cường quốc hạt nhân sẽ không còn bị ràng buộc bởi giới hạn nào nữa”.

Jeffrey Lewis, người đứng đầu chương trình không phổ biến hạt nhân Đông Á của Viện Nghiên cứu chiến lược Middlebury, chỉ trích: “Đây là một sai lầm nghiêm trọng. Nga đúng là bên vi phạm nhưng ông Trump phải chịu chê trách. Tôi không nghĩ Mỹ triển khai được nhiều những vũ khí mà INF giới hạn trong khi Moscow sẽ được cởi trói”.

Theo phe “diều hâu” trong chính quyền Washington, INF khiến nước này thất thế trong đối đầu chiến lược với Trung Quốc tại Thái Bình Dương. Cựu Tư lệnh Bộ Chỉ huy Thái Bình Dương Harry Harris từng nhận xét một trong những nguyên nhân chính khiến Mỹ không có gì để đe dọa cường quốc châu Á ấy chính là phải “tuân thủ cứng nhắc” vào INF.

Ông Lewis không đồng ý với quan điểm này: “Vũ khí Trung Quốc là vô dụng. INF không cấm các hệ thống hoạt động trên biển lẫn trên không, cũng không hạn chế Hàn Quốc cùng Nhật Bản phát triển tên lửa tầm xa. Nếu Bắc Kinh thực sự là rắc rối thì Mỹ cùng đồng minh đã hành động từ lâu rồi”.

Còn chuyên gia Alexandra Bell đến từ Trung tâm Kiểm soát và không phổ biến vũ khí (CACN) cảnh báo khó mà thuyết phục được CHDCND Triều Tiên đạt bất kỳthỏa thuận gì với Mỹ khi mà cố vấn Bolton cứ đề xuất rút khỏi các hiệp ước.

Cẩm Bình (theo Reuters, Sputnik News, The Guardian)
Bài liên quan
Hạ viện Mỹ thông qua dự luật buộc ông Biden gửi vũ khí cho Israel
Hãng Reuters đưa tin, ngày 16.5, Hạ viện Mỹ bỏ phiếu thông qua dự luật buộc Tổng thống Joe Biden gửi vũ khí cho Israel bất chấp ông trì hoãn hoạt động này nhằm gây sức ép với Tel Aviv.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Giới thiệu nhân sự Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội, bầu 4 Ủy viên Bộ Chính trị
15 giờ trước Theo dòng thời sự
Trung ương giới thiệu nhân sự Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội, bầu bổ sung 4 Ủy viên Bộ Chính trị.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Ông Trump dọa rút khỏi hiệp ước tên lửa hạt nhân với Nga