Tổng thống Mỹ Donald Trump mới đây nhắc đến khả năng hoãn cuộc bầu cử tổng thống tổ chức vào tháng 11 năm nay. Tuy nhiên, chỉ quốc hội Mỹ mới có thẩm quyền thay đổi thời gian bầu cử.

Ông Trump gợi ý hoãn bầu cử Tổng thống Mỹ, lưỡng đảng phản ứng dữ dội

31/07/2020, 10:59

Tổng thống Mỹ Donald Trump mới đây nhắc đến khả năng hoãn cuộc bầu cử tổng thống tổ chức vào tháng 11 năm nay. Tuy nhiên, chỉ quốc hội Mỹ mới có thẩm quyền thay đổi thời gian bầu cử.

Tổng thống Mỹ Donald Trump - Ảnh: Reuters

Hiến pháp Mỹ cho quốc hội quyền quy định ngày bầu cử tổng thống. Từ năm 1845, ngày bầu cử được tổ chức mỗi 4 năm 1 lần, vào ngày thứ ba đầu tiên của tháng 11. Vào năm 2020, đây là ngày 3.11.

Các chuyên gia luật cho biết dù Tổng thống Donald Trump tuyên bố tình trạng khẩn cấp vì COVID-19, ông cũng không được thay đổi ngày này. Giáo sư Đại học Kentucky Joshua Douglas, chuyên gia luật bầu cử, cho biết các cuộc bầu cử tổng thống từ năm 1845 vẫn được thực hiện theo lịch trình, dù chiến tranh hay bệnh dịch.

Quốc hội có khả năng hoãn bầu cử, tuy nhiên xét đến việc đảng Dân chủ kiểm soát Hạ viện, gần như chắc chắn điều này sẽ không xảy ra. Nếu quốc hội đồng ý, bất cứ sự trì hoãn nào liên quan đến ngày bầu cử sẽ kéo theo trì hoãn các thời hạn khác, bao gồm ngày bỏ phiếu đại cử tri và ngày kiểm phiếu, những ngày được quy định trong Bộ luật Mỹ.

Ngay cả khi quốc hội quyết định trì hoãn cuộc bầu cử, nhiệm kỳ tổng thống của ông Trump vẫn sẽ kết thúc vào trưa 20.1.2021, ngày được ấn định trong Bản sửa đổi thứ 20 của Hiến pháp Mỹ. Muốn thay đổi ngày này, cần một bản sửa đổi khác, đòi hỏi đa số hai phần ba đồng ý ở cả hai viện của Quốc hội, cũng như phê chuẩn của ít nhất 38 tiểu bang.

Nếu đến ngày 20.1.2021 mà vẫn chưa có người chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống, Hiến pháp Mỹ quy định rằng Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi - thành viên của đảng Dân chủ - sẽ trở thành quyền Tổng thống Mỹ cho đến khi người kế nhiệm ông Trump được xác nhận.

Lưỡng đảng Mỹ "dậy sóng" sau khi ông Trump gợi ý hoãn bầu cử tổng thống

Ông Trump hôm 30.7 đã đưa ra đề xuất trên mạng xã hội Twitter rằng Mỹ nên hoãn bầu cử tổng thống với lý do đại dịch COVID-19 và lo ngại nguy cơ gian lận khi bầu cử qua thư. Bình luận này của ông chủ Nhà Trắng đã vấp phải nhiều ý kiến phản đối không chỉ từ các nghị sĩ đảng Dân chủ mà con cả nhiều thành viên chủ chốt của chính đảng Cộng Hòa.

"Chưa bao giờ trong lịch sử nước Mỹ, kể cả trong thời kỳ chiến tranh, suy thoái hay nội chiến, bầu cử tổng thống bị dời lịch. Chúng ta cũng sẽ làm điều đó với cuộc bầu cử vào ngày 3.11 năm nay", lãnh đạo đa số tại Thượng viện Mitch McConnell nhấn mạnh.

Trong khi đó lãnh đạo phe thiểu số tại Hạ viện Mỹ, nghị sĩ Cộng hòa Kevin McCarthy cũng đã bác bỏ ý tưởng này và khẳng định việc hoãn bầu cử tổng thống chưa từng xảy ra trong lịch sử của bầu cử liên bang. "Không có lý do nào để chúng ta không tổ chức bầu cử vào ngày đã định", ông McCarthy nói với phóng viên.

"Tổng thống có thể đề xuất bất cứ điều gì ông ấy muốn, nhưng luật pháp là luật pháp. Chúng ta sẽ có một cuộc bầu cử hợp pháp, đáng tin cậy như chúng ta vẫn thường làm. Tôi mong ngài tổng thống không nói thế. Dù sao mọi việc sẽ không thay đổi, chúng ta sẽ có cuộc bầu cử tháng 11 và mọi người nên tin tưởng", Chủ tịch Ủy ban Tình báo Thượng viện Mỹ, nghị sĩ Cộng Hòa Marco Rubio nói với các phóng viên hôm 30.7.

Một nghị sĩ Cộng hòa khác, ông John Thune, bình luận trên Twitter: "Tôi nghĩ đó là một phát ngôn gây sự chú ý với truyền thông, nhưng theo tôi nó sẽ không được xem xét nghiêm túc. Chúng ta luôn tổ chức bầu cử tổng thống vào tháng 11 kể từ năm 1788 và tôi hy vọng rằng năm nay cũng thế".

Thượng nghị sĩ Cộng hòa Chuck Grassley bác bỏ đề xuất của Tổng thống Trump, cho rằng đây chỉ là ý kiến của một người và lưu ý sẽ có đạo luật của quốc hội về thay đổi ngày bầu cử liên bang. "Không có gì to tát khi một cá nhân nói gì đó ở đất nước này. Chúng ta vẫn là quốc gia thượng tôn pháp luật cho đến khi hiến pháp hoặc luật được thay đổi", Grassley cho hay.

"Dời ngày bầu cử sẽ gây tổn hại nghiêm trọng đến tính hợp pháp của cuộc bầu cử. Các quan chức liên bang và địa phương cần tiếp tục làm việc để đảm bảo người Mỹ có thể bỏ phiếu một các an toàn, dù là bỏ phiếu sớm hay bỏ phiếu đúng ngày 3.11", nghị sĩ Cộng hòa Dusty Johnson viết trên mạng xã hội Twitter.

Đảng Dân chủ cho biết đề nghị của Tổng thống là bằng chứng mới nhất cho thấy ông muốn làm suy yếu niềm tin vào các thể chế Mỹ và chuyển hướng chú ý khỏi cách xử lý đại dịch. "Ông ấy luôn cố gắng chuyển sự chú ý khỏi thất bại của mình trong COVID-19. Và điều đó sẽ không xảy ra", lãnh đạo phe Dân chủ tại Thượng viện Chuck Schumer trả lời trong một cuộc phỏng vấn.

Đề xuất của ông Trump được đưa ra sau khi Bộ Thương mại Mỹ báo cáo kinh tế Mỹ giảm 32,9% trong quý 2. Đây là mức sụt giảm tồi tệ nhất của nền kinh tế lớn nhất thế giới kể từ năm 1947 trong bối cảnh đại dịch COVID-19 gây thiệt hại nghiêm trọng.

Vài giờ sau đề xuất, ông Trump tuyên bố ông không muốn hoãn bầu cử tổng thống Mỹ, nhưng lo ngại hàng triệu phiếu bầu qua thư có thể gặp sự cố

“Tôi mong muốn một cuộc bầu cử và kết quả bầu cử hơn các bạn rất nhiều. Tôi không muốn trì hoãn. Tôi muốn có bầu cử. Nhưng tôi không muốn phải chờ tới 3 tháng rồi mới phát hiện ra các phiếu bầu bị thất lạc và kết quả bỏ phiếu trở thành vô nghĩa”, Tổng thống Donald Trump nói với các phóng viên tại Nhà Trắng hôm 30.7.

Vị tổng thống thứ 45 của Mỹ cũng dẫn một số thông tin trên truyền thông gần đây về nguy cơ phiếu bầu qua thư bị chậm hoặc thất lạc, cho rằng có thể mất nhiều tuần, nhiều tháng hay thậm chí là hàng năm để giải quyết vấn đề. “Liệu tôi có muốn thay đổi ngày bầu cử không? Không. Nhưng tôi cũng không muốn thấy một cuộc bầu cử gian lận”, ông Trump nhấn mạnh.

Các cuộc vận động tranh cử của các ứng viên tổng thống diễn ra trong bối cảnh Mỹ hiện vẫn là vùng dịch COVID-19 lớn nhất thế giới với hơn hơn 4,6 triệu người nhiễm và hơn 155.000 ca tử vong. Các cuộc khảo sát gần đây cho thấy Tổng thống Trump đang có kết quả bất lợi hơn so với ứng viên tổng thống đảng Dân chủ Joe Biden.

Hoàng Vũ (theo Bloomberg, Reuters, Politico)

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng Phạm Minh Chính tới thủ đô Praha, bắt đầu thăm Cộng hòa Séc
4 giờ trước Sự kiện
Sau khi kết thúc tốt đẹp chuyến thăm chính thức Cộng hòa Ba Lan, vào lúc 13 giờ ngày 18.1, giờ địa phương (tức 19 giờ giờ Hà Nội), chuyên cơ chở Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cùng phu nhân Lê Thị Bích Trân và Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã tới sân bay Václav Havel, thủ đô Praha, bắt đầu thăm chính thức Cộng hòa Séc từ ngày 18 - 20.1, theo lời mời của Thủ tướng Cộng hòa Séc Petr Fiala.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Ông Trump gợi ý hoãn bầu cử Tổng thống Mỹ, lưỡng đảng phản ứng dữ dội