Theo những người gần đây nói chuyện với Tổng thống Mỹ, ông Donald Trump nói chính phủ bị đóng cửa là điều tốt cho ông về mặt chính trị để ông có thể chưa bị luận tội vì nghi án Nga can thiệp bầu cử tổng thống Mỹ 2016.

Ông Trump ‘thích’ chính phủ Mỹ bị đóng cửa

04/12/2017, 20:57

Theo những người gần đây nói chuyện với Tổng thống Mỹ, ông Donald Trump nói chính phủ bị đóng cửa là điều tốt cho ông về mặt chính trị để ông có thể chưa bị luận tội vì nghi án Nga can thiệp bầu cử tổng thống Mỹ 2016.

Tướng Flynn đứng sau ông Trump - Ảnh: Getty Images

Chính phủ Mỹ vì không thể trả tiền lương cho nhân viên, sẽ phải đóng cửa từ sau nửa đêm 8.12 tới, nếu Quốc hội Mỹ không thể thông qua ngân sách quốc gia 2018.

Liệu ông Trump sẽ bị luận tội?

Theo Newsweek, viễn cảnh chính phủ Mỹ phải đóng cửa có thể can thiệp vào cuộc bỏ phiếu luận tội tổng thống trong tuần tới, và đó là một lý do ông Trump không giấu điều ông nói ngày 28.11: chính phủ bị đóng cửa sẽ tốt cho ông về mặt chính trị.

Cuộc bỏ phiếu luận tội có thể xảy ra trước hạn chót của nguy cơ chính phủ bị đóng cửa. Nghị sĩ Al Green (đảng Dân chủ) không nói cụ thể ngày nào, nhưng hứa cuộc bỏ phiếu đầu tiên để luận tội ông Trump có thể tổ chức tại trụ sở Hạ viện trong tuần tới. Có nghĩa là có thể tổ chức vào các ngày 4, 5, 6 và 7.12 tới.

Cuộc luận tội dự kiến sẽ tập trung vào nghi án Nga can thiệp cuộc bầu cử tổng thống Mỹ 2016, cùng nghi án Điện Kremlin thông đồng với nhóm tranh cử của ông.

Khả năng ông Trump bị luận tội tăng lên, từ thông tin có thể cựu cố vấn an ninh quốc gia Nhà Trắng Michael Flynn sẽ làm chứng thế này: khi còn là ứng cử viên tổng thống, ông Trump đã chỉ đạo ông tiếp xúc với các quan chức Nga.

Ông Flynn hôm 1.12 đã nhận tội khai man với Cục điều tra liên bang (FBI) và ông hứa hợp tác với FBI dưới quyền giám sát của công tố viên đặc biệt Robert Mueller, trong cuộc điều tra 2 nghi án.

Cho đến nay, Nga luôn phủ nhận cáo buộc của Mỹ là "vô căn cứ" và "phi lý". Ông Trump cũng bác bỏ mọi cáo buộc nhóm tranh cử của ông đồng lõa với Nga, và gọi cuộc điều tra này là một cuộc "săn phù thủy".

Theo báo Independent, các hãng cá cược Anh đã có tỉ lệ cược ông Trump trở thành Tổng thống Mỹ thứ ba bị luận tội sau vụ Flynn nhận tội với FBI. Hai hãng cá cược Betfair và Paddy Power ra giá 4 “ăn” 6 và 7 bảng Anh rằng ông Trump sẽ bị luận tội.

Giằng co chuyện ngân sách liên bang ở lưỡng Viện

Theo báo Washington Post, ông Trump sẽ đổ tội cho đảng Dân chủ nếu chính phủ bị đóng cửa. Ông cũng đang muốn giữ vững quan điểm cứng rắn về vấn đề di trú để giữ được sự ủng hộ của những người tin vào chính sách "Nước Mỹ trên hết" của ông. Nhưng làm thế có thể cản trở khả năng thỏa thuận giữa đảng Cộng hòa với đảng Dân chủ vốn ủng hộ thông qua ngân sách quốc gia Mỹ 2018.

Nhiều nghị sĩ Cộng hòa đã nói họ hy vọng tránh được nguy cơ chính phủ phải đóng cửa. Đảng Cộng hòa của Tổng thống Trump dù đang kiểm soát cả Hạ viện lẫn Thượng viện, nhưng vẫn cần đến lá phiếu của đảng Dân chủ nếu muốn thông qua ngân sách.

Ngày 28.11, lãnh đạo đảng Dân chủ tại Quốc hội Mỹ đã bỏ họp với Tổng thống Trump, làm dấy lên lo ngại chính phủ Mỹ đóng cửa là điều sẽ không thể tránh khỏi.

Lý do được đưa ra cho việc bỏ họp là ông Trump "tấn công" đảng Dân chủ bằng một dòng trạng thái trên Twitter, chỉ trích họ yếu kém, tạo điều kiện cho nhập cư bất hợp pháp.

Trong hơn 10 ngày qua, ông Trump cũng nói với các cố vấn: phải rắn với chuyện di trú, và phải có tiền xây tường biên giới ngăn cách Mỹ với Mexico.

Các nghị sĩ Dân chủ khẳng định nếu muốn họ bỏ phiếu thông qua ngân sách, ông Trump phải rút lại quyết định bỏ chương trình hỗ trợ trẻ em nhập cư bất hợp pháp (DACA) đã đưa ra hồi tháng 9. Chương trình này thời tổng thống Barack Obama của đảng Dân chủ, từng tạm thời bảo vệ pháp lý cho hàng trăm ngàn di dân đến Mỹ từ nhỏ.

Nếu Quốc hội Mỹ không có biện pháp nào thì các di dân này chịu nguy cơ bị trục xuất khỏi Mỹ từ ngày 5.3.2018. Nhưng cũng có thể tránh được việc phải đóng cửa, nếu Quốc hội Mỹ gia hạn “nghị quyết cấp kinh phí tiếp diễn” cho đến hết năm 2017. Đó là một khoản kinh phí “tạm ứng tình thế”.

Công chức “ngồi chơi không lương”, tốn 40 tỉ USD/tuần

Lịch sử hiện đại nước Mỹ ghi nhận tất cả 6 lần phải đóng cửa. Lần gần đây nhất chính phủ Mỹ đóng cửa là vào năm 2013, dưới thời ông Obama.

Lúc đó Hạ viện Mỹ do đảng Cộng hòa nắm thế kiểm soát, với Thượng viện do đảng Dân chủ kiểm soát. Bất đồng giữa hai đảng dẫn tới việc không thể thông qua được ngân sách liên bang cho năm tài khóa 2013-2014.

Đấy là lần đầu tiên sau 17 năm, chính phủ Mỹ bị “tê liệt”, khiến các cơ quan đơn vị thuộc chính quyền chỉ hoạt động cầm chừng. Lúc đó, từ trước nửa đêm 30.9, Nhà Trắng ra lệnh cho các cơ quan công quyền tạm đóng cửa, tạm ngưng phục vụ dân, do ngân sách liên bang chính thức hết tiền.

Khoảng 1.264 nhân viên Nhà Trắng buộc phải nghỉ việc và chỉ còn 436 nhân viên khác vẫn được tiếp tục làm việc. Riêng Tổng thống và phó Tổng thống Mỹ vẫn được hưởng lương. 800.000 công chức trên toàn nước Mỹ phải “nghỉ phép chờ lương” và hơn 1 triệu người khác đi làm không lãnh lương hoặc bị chậm lương, chờ đến khi cuộc đấu đá ở Quốc hội được giải quyết.

Vì cạn tiền, chính phủ Mỹ chỉ còn cách cho phép các công chức ở các cơ quan không trọng yếu được nghỉ không lương.

Khi ra lệnh đóng cửa, các cơ quan trọng yếu vẫn tiếp tục hoạt động, ví dụ Bộ Tài chính vẫn bán trái phiếu, nhưng Bộ Thương mại sẽ không có các báo cáo kinh tế và Cơ quan Thống kê lao động ngưng hoạt động.

Bộ Tư pháp thông báo đình chỉ hầu hết các vụ án dân sự nhưng vẫn thụ lý các vụ hình sự, các tòa án liên bang sẽ tiếp tục mở cửa trong khoảng 10 ngày làm việc. Các hoạt động cho vay hỗ trợ người thu nhập thấp hay hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ đều đình trệ. Các chuyến công du quốc tế sẽ bị hạn chế.

Luật quy định các ngành thiết yếu như kiểm soát không lưu, an ninh, quân đội, bưu chính, an toàn thực phẩm, cấp cứu và chữa bệnh vẫn duy trì hoạt động bình thường nhưng các nhân viên có nguy cơ bị chậm lương.

Trên toàn nước Mỹ, các điểm đến du lịch từ Tượng đài Lincoln ở thủ đô Washington đến tượng Nữ thần Tự do ở New York, các công viên quốc gia đều đóng cửa không đón du khách, do cán bộ công nhân viên ở các đơn vị quản lý này “được nghỉ phép không lương”.

Công tác hỗ trợ các nhà phi hành vũ trụ trên Trạm quỹ đạo quốc tế ISS của bộ phận kiểm soát nhiệm vụ thuộc NASA ở Houston vẫn hoạt động, nhưng số nhân viên còn lại của Cơ quan hàng không không gian liên bang này “được” ở nhà.

Về an sinh xã hội, việc trao đổi thư từ và bưu phẩm sẽ không bị ảnh hưởng, nhưng hoạt động thu gom rác thải sẽ bị ngừng trệ. Với lượng rác lên tới 500 tấn mỗi tuần, thủ đô Washington sẽ ngập chìm trong rác. Thảm họa tương tự cũng xảy ra với các thành phố khác bởi công nhân thu dọn rác ngừng làm việc.

Về an ninh, tất cả binh sĩ sẽ tiếp tục làm nhiệm vụ bình thường, nhưng một lượng lớn nhân viên dân sự sẽ tạm thời “được nghỉ việc”. Báo Independent dẫn lời Nhà Trắng, rằng vụ công chức “bị ngồi chơi xơi nước” này trong chỉ một tuần có thể khiến nền kinh tế Mỹ tổn thất 10 tỉ USD/tuần.

Theo hãng tin Bloomberg, ước tính việc chính phủ liên bang đóng cửa trong thời gian đầu sẽ làm Mỹ mất khoảng 300 triệu USD/ngày. Theo CNN, ước tính nền kinh tế Mỹ sẽ mất khoảng 1 tỉ USD/tuần trong thời gian đầu chính phủ ngừng hoạt động và càng kéo dài thì thiệt hại càng tăng.

Hãng nghiên cứu tài chính Moody s Analytics cảnh báo nền kinh tế sẽ mất khoảng 55 tỉ USD nếu chính phủ tê liệt từ 3 đến 4 tuần và tăng trưởng sẽ giảm khoảng 0,9 - 1,4%.

Nếu tình trạng kéo dài đến 2 tháng thì Mỹ sẽ rơi vào tình trạng suy thoái nghiêm trọng.

Vĩnh Thụy (theo Newsweek, Washington Post)

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thúc đẩy phát triển công nghiệp công nghệ số trong kỷ nguyên mới
5 giờ trước Khoa học - công nghệ
Trong bối cảnh toàn cầu hóa và cách mạng công nghiệp 4.0, công nghệ số đã và đang khẳng định vai trò động lực chủ chốt, thúc đẩy sự phát triển kinh tế-xã hội.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Ông Trump ‘thích’ chính phủ Mỹ bị đóng cửa