Việc ông Trump trở lại tại Nhà Trắng đã làm gia tăng những thách thức mà các thương nhân xuyên biên giới ở Trung Quốc đang phải đối mặt.
Các thương nhân và nhà cung cấp dịch vụ logistics xuyên biên giới của Trung Quốc đang đối phó với sự hỗn loạn do chính sách thuế quan thay đổi liên tục của Tổng thống Mỹ Donald Trump, khi các doanh nghiệp chuẩn bị cho những cú sốc mới trong thị trường bán lẻ vốn đã đầy thách thức.
Nhà sản xuất quần áo kiêm người bán hàng trực tuyến Kenny Li cho biết anh đã cố gắng giữ bình tĩnh sau khi ông Trump tăng thuế với hàng hóa Trung Quốc lên 10% vào đầu tháng 2 và loại bỏ chính sách miễn thuế với các gói hàng có giá trị thấp dưới 800 USD, chỉ để rồi vài ngày sau lại trì hoãn việc thực thi chính sách đó.
"Cứ để mọi thứ diễn ra, nếu không thì có thể làm gì khác đây? Chúng tôi chỉ có thể chờ đợi kế hoạch được hoàn thiện và thực sự triển khai trước khi biết chắc chắn cách đối phó với những thay đổi chính sách này", Kenny Li nói.
Hiện tại, phương châm là "giữ bình tĩnh và tiếp tục làm việc". Kenny Li vẫn tiếp tục giao đồ đến các kho hàng của các nền tảng thương mại điện tử Temu và Shein, cả hai đều chưa đưa ra hướng dẫn mới nào về cách đối phó với các chính sách mới của Mỹ. Quy trình logistics và mức phí vẫn phần lớn không thay đổi, anh cho hay.
Vào ngày 7.2, ông Trump ký một lệnh hành pháp hoãn áp dụng thuế quan mới với các gói hàng giá trị thấp từ Trung Quốc, quy định rằng việc loại bỏ chính sách de minimis (miễn thuế cho hàng hóa có giá trị thấp) sẽ chỉ được thực hiện khi Bộ trưởng Thương mại Mỹ thông báo với ông rằng "các hệ thống phù hợp đã được đưa vào để xử lý và thu thuế một cách đầy đủ, nhanh chóng".
Trước đó, Dịch vụ Bưu chính Mỹ thông báo sẽ tiếp tục chấp nhận tất cả thư và bưu kiện đến từ Trung Quốc đại lục và Hồng Kông, đảo ngược quyết định đình chỉ các dịch vụ này chỉ nửa ngày trước.
Vì thế, nhiều nhà cung cấp dịch vụ logistics đã hủy bỏ các khoản phí bổ sung mà họ áp dụng sau khi ông Trump lần đầu tiên công bố chính sách thuế quan. Một số công ty trước đó đã tăng giá cước vận chuyển hàng dệt may lên 35% và các mặt hàng khác lên 25% để bù đắp chi phí thuế và thủ tục hải quan.
YunExpress, nhà cung cấp dịch vụ logistics xuyên biên giới có trụ sở tại thành phố Thâm Quyến (Trung Quốc), thông báo vào ngày 8.2 rằng sẽ hoàn trả toàn bộ khoản tiền đặt cọc thuế 30% và phí thông quan 20 nhân dân tệ (2,70 USD) cho tất cả đơn hàng được đặt trong tuần đó.
"Những điều chỉnh liên tục với chính sách thông quan của Mỹ bảy ngày qua đã gây ra hỗn loạn trong chuỗi cung ứng thương mại điện tử xuyên biên giới, cùng với những biến động mạnh về chi phí. Chúng tôi kêu gọi các đối tác bán hàng nâng cao khả năng phản ứng nhanh với các chính sách thắt chặt và những thay đổi đột ngột", YunExpress cho hay.
Chính sách de minimis, cho phép các gói hàng có giá trị dưới 800 USD vào Mỹ mà không bị đánh thuế, đã đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy sự phát triển ngành thương mại điện tử xuyên biên giới của Trung Quốc. Theo một báo cáo của Ủy ban Quốc hội Mỹ về Trung Quốc vào tháng 6.2023, gần một nửa số gói hàng được vận chuyển theo diện de minimis có xuất xứ từ Trung Quốc.
Việc loại bỏ chính sách miễn thuế này đồng nghĩa với việc hàng hóa từ Temu, Shein và các công ty thương mại điện tử xuyên biên giới khác có trụ sở tại Trung Quốc sẽ phải chịu thuế nhập khẩu của Mỹ, vốn đã ở mức trên 20% với một số ngành hàng.
Dù tạm thời được hoãn, mối đe dọa về mức thuế cao hơn vẫn treo lơ lửng trên ngành thương mại điện tử xuyên biên giới – lĩnh vực đã trở thành một phần quan trọng trong ngành xuất khẩu sinh lợi của Trung Quốc.
Kenny Li cho biết các mức thuế mới của Mỹ khiến anh càng quyết tâm rời bỏ ngành này hơn bao giờ hết. Lý do vì Kenny Li dự đoán rằng chính sách này sẽ làm giảm lợi nhuận, vốn đã rất mỏng khi bán các sản phẩm giá rẻ trên các nền tảng như Shein và Temu.
"Chúng chỉ làm cho mọi thứ trở nên khó khăn hơn với ngành trong năm nay", anh nói.
Các nhà bán lẻ trực tuyến như Shein, Temu, AliExpress và Haul (thuộc Amazon) thường tận dụng de minimis bằng cách gửi trực tiếp các bưu kiện từ nhà máy ở Trung Quốc đến tay người tiêu dùng Mỹ để có giá thấp, ước đến 1 tỉ gói mỗi năm.
Người tiêu dùng sẵn sàng chờ đợi giao hàng để đổi lấy mức giá rẻ hơn, đi ngược lại mô hình giao hàng nhanh. Bằng cách gửi đơn hàng riêng lẻ trực tiếp từ Trung Quốc, họ đã tránh được thuế quan nhờ vào miễn trừ de minimis. Trong khi đó, các chuỗi bán lẻ lớn thường nhập hàng số lượng lớn bằng tàu, khiến họ phải tính thuế vào giá bán cho khách hàng.
Tổng khối lượng hàng nhập khẩu theo diện de minimis vào Mỹ đã đạt 1,4 tỉ gói hàng trong năm tài chính 2024, gấp đôi so với 2022, theo Cơ quan Hải quan và Bảo vệ biên giới Mỹ. Các nhà bán lẻ giá rẻ trực tuyến như Temu và Shein đã đóng góp đáng kể vào sự gia tăng này.
Việc bãi bõ de minimis đồng nghĩa lượng hàng thương mại điện tử khổng lồ này sẽ phải chuyển sang quy trình nhập khẩu với các bước kiểm tra, bổ sung thông tin và thu thuế, khiến thời gian và chi phí tăng lên.
Thực tế, hỗn loạn và ùn ứ đã diễn ra ngay tuần đầu bỏ de minimis. Dịch vụ Bưu chính Mỹ có đợt tạm ngừng và khởi động lại việc chấp nhận bưu kiện từ Trung Quốc, khiến hàng hóa bị ùn tắc tại các cửa khẩu, kể cả những gói hàng đã nộp thuế tại Sân bay quốc tế John F. Kennedy ở thành phố New York.
Cơ quan Hải quan và Bảo vệ Biên giới Mỹ (CBP), đơn vị chịu trách nhiệm kiểm tra và thu thuế các gói hàng thương mại điện tử, hôm 6.2 từng tổ chức một cuộc họp với các chuyên gia hậu cần để thảo luận về việc hơn một triệu gói hàng đang chất đống tại Sân bay quốc tế John F. Kennedy.
Niall van de Wouw, Giám đốc vận tải hàng không tại nền tảng định giá cước vận tải Xeneta, cho biết Temu và Shein mỗi ngày vận chuyển khoảng 9.000 tấn hàng hóa trên toàn thế giới, tương đương với khoảng 88 chiếc máy bay chở hàng Boeing 777 đầy tải. "Bạn không thể đột ngột đóng cửa với khối lượng hàng hóa hàng không lớn như vậy. Thế nên không có gì ngạc nhiên khi lệnh hành pháp về de minimis bị trì hoãn", ông nói.
Nhiều chuyên gia vận chuyển và luật sư cảnh báo việc bãi bỏ de minimis với hàng Trung Quốc sẽ khiến công tác kiểm tra hải quan quá tải vì cơ quan này chưa có hệ thống và quy trình phù hợp. Nhân viên của họ cũng đang bị thiếu hụt do CBP thuộc Bộ An ninh Nội địa Mỹ cũng chịu trách nhiệm về an ninh biên giới.
Người tiêu dùng Mỹ cũng phải đối mặt với các mặt hàng "săn sale" giá rẻ trên mạng nay đột ngột đắt đỏ thì tính thêm thuế, phí. Các công ty logistics như DHL, SEKO nói rằng đang cố gắng thích ứng trước những thay đổi chính sách.
"Chúng tôi đang cố gắng điều chỉnh trước những thay đổi lớn trong chính sách thương mại của Mỹ, làm hết sức mình để hỗ trợ khách hàng", Brian Bourke, Giám đốc thương mại toàn cầu của SEKO, nói.