Ủy ban giám sát của Facebook đang lấy ý kiến công khai về lệnh cấm tài khoản ông Trump.
Ủy ban Giám sát của Facebook, một hội đồng chuyên gia độc lập được thành lập để xem xét các trường hợp gây tranh cãi, đang chấp nhận bình luận của công chúng về việc liệu Facebook có đúng trong việc cấm cựu tổng thống Donald Trump hay không. Họ cho phép công chúng trực tiếp xem xét quyết định của Facebook liên quan đến ông Trump.
Facebook đã cấm Trump vô thời hạn vào đầu tháng 1.2021 sau cuộc bạo loạn ở Điện Capitol do người ủng hộ ông gây ra. Facebook trích dẫn hai bài đăng của ông Trump liên quan đến vụ tấn công tòa nhà Quốc hội: Một video ông nói với những người ủng hộ rằng “yêu họ" và rằng cuộc bầu cử đã bị “đánh cắp khỏi chúng ta”; một bài khác ông nói: “Đây là những sự việc và sự kiện xảy ra khi một chiến thắng trong cuộc bầu cử long trời lở đất thiêng liêng bị tước đi một cách bất chính & tàn nhẫn khỏi những người yêu nước vĩ đại”.
Dù tin rằng việc cấm ông Trump là đúng nhưng Facebook đã chuyển vụ việc lên ban giám sát vào tuần trước. Điều này sẽ quyết định liệu lệnh cấm của Trump có duy trì vĩnh viễn hay không vì Facebook phải tuân theo các quyết định của ban giám sát.
Ủy ban cho biết quy trình bình luận công khai nhằm mục đích để các chuyên gia về chủ đề và các nhóm quan tâm chia sẻ nghiên cứu và thông tin liên quan có thể hữu ích, dù bất kỳ ai cũng có thể gửi nhận xét.
Ban giám sát cho biết sẽ bắt đầu tiếp nhận ý kiến công chúng về vụ việc ông Trump từ ngày 29.1. Công chúng có 10 ngày để gửi ý kiến (khuyến khích bằng tiếng Anh) tại đây. Ủy ban này tiết lộ chưa nhận được trình bày của ông Trump liên quan đến vụ việc.
“Chúng tôi tin rằng quyết định của mình là cần thiết và đúng đắn. Với tầm quan trọng của nó, chúng tôi nghĩ rằng điều quan trọng là ban giám sát phải xem xét nó và đưa ra phán quyết độc lập về việc liệu nó có nên được duy trì hay không”, Phó chủ tịch Facebook - Nick Clegg tuyên bố tuần trước.
Ủy ban giám sát của Facebook được thành lập vào năm 2019 để đáp lại những lời chỉ trích rộng rãi về các chính sách kiểm duyệt của mạng xã hội này. Hội đồng 20 người bao gồm các học giả và các chuyên gia khác, chẳng hạn như cựu Thủ tướng Đan Mạch - Helle Thorning-Schmidt và Giám đốc Trung tâm Luật Hiến pháp của Đại học Stanford - Michael McConnell.
Ủy ban cho biết sứ mệnh của họ là “hỗ trợ quyền tự do ngôn luận của mọi người” bằng cách duy trì hoặc đảo ngược các quyết định về nội dung trên Facebook. Trong tập hợp các phán quyết đầu tiên được công bố vào tuần này, Ủy ban giám sát đã phát hiện ra rằng Facebook đã gỡ nhầm bài đăng trong 5/6 trường hợp liên quan đến ông Trump.
Dù ban giám sát độc lập và Facebook đã hứa sẽ tuân thủ các quyết định của mình, một số người nói rằng hội đồng này vẫn chưa đủ để chống lại thông tin sai lệch và lời nói căm thù. Một nhóm các nhân vật nổi tiếng, bao gồm Giám đốc điều hành Liên đoàn Chống phỉ báng Jonathan Greenblatt và người đồng sáng lập Dự án Lincoln - Reed Galen, thậm chí đã thành lập nhóm của riêng họ có tên Real Facebook Oversight Board. Họ nói rằng ban giám sát chính thức của Facebook không thể hành động đủ nhanh để tạo ra thay đổi có ý nghĩa và chỉ giới hạn ở nội dung mà Facebook đã gỡ xuống ban đầu, chứ không phải các bài đăng vẫn đang tiếp tục.
Ban giám sát có 90 ngày kể từ ngày 21.1 để đưa ra quyết định của mình.
Ban giám sát trên đã bắt đầu ghi nhận các trường hợp gây tranh cãi từ tháng 10.2020 và cho biết các trường hợp được xem xét đầu tiên vào tháng 12.2020.
Trước khi bị khóa vô hạn, tài khoản Facebook của ông Trump có hơn 33 triệu like và hơn 35 triệu follow.
Hôm 6.5.2020, Facebook công bố 20 thành viên đầu tiên trong Ban giám sát nội dung độc lập.
Đồng chủ tịch của ban giám sát độc lập, những người có quyền lựa chọn thành viên, gồm Jamal Greene (chuyên gia luật hiến pháp), Michael McConnell (cựu thẩm phán liên bang Mỹ và chuyên gia về tự do tôn giáo), Catalina Botero-Marino (luật sư người Colombia) và Helle Thorning-Schmidt (cựu Thủ tướng Đan Mạch).
Các thành viên khác trong ban giám sát có András Sajó (cựu Thẩm phán Tòa án Nhân quyền châu Âu), Julie Owono (Giám đốc điều hành Internet Sans Frontières), Tawakkol Karman (nhà hoạt động người Yemen từng đoạt giải Nobel Hòa bình), Alan Rusbridger (cựu Tổng biên tập The Guardian), Nighat Dad (nhà ủng hộ quyền kỹ thuật số người Pakistan)…
Số thành viên dự tính sẽ tăng lên khoảng 40 người. Facebook cam kết tài trợ 130 triệu USD trong ít nhất 6 năm cho hội đồng này.