Tổng thống Nga Vladimir Putin đã lên tiếng về thông tin người bạn thân có liên quan đến vụ bê bối chứng từ thuế Panama Papers, khi khẳng định người này không hề tham nhũng.
Tổng thống Putin nói rằngmột người bạn của ôngcó tên trong danh sách của vụ rò rỉ Panama Papers, không có những hoạt động sai trái và đã quyên góp phần lớn lợi nhuận thu được từ việc kinh doanh nhạc cụ đắt tiền cho các tổ chức công cộng.
Các phương tiện truyền thông trước đó dựa vào tài liệu thu được từ công ty luật Mossack Fonseca tại Panama để cáo buộc Sergei Roldugin, một nghệ sĩ cello và là bạn thân của ông Putin, đã bí mật thành lập một “đế chế kinh doanh” thực hiện cácgiao dịch ở nước ngoài. Thông qua các giao dịch bất minh, ông Roldugin đã bắt tay với các quan chức cấp cao của Nga.
Phát biểu trước đám đôngủng hộ ở St Petersburg, Tổng thống Putin cho biết vụ rò rỉ Panama Papers là một phần trong kế hoạch gây bất ổn đối với Nga thông qua các cáo buộc tham nhũng.
Ông Putin nhận định: “Đối thủ của chúng ta đặc biệt quan tâm đến sự thống nhất và đoàn kết của dân tộc Nga. Họ cố gắng chia rẽ người Nga từ bên trong và làm cho chúng ta suy yếu. Thông qua vụ rò rỉ Panama Papers, các quốc gia thù địch âm mưu sắp đặt thông tin một người bạn của tổng thống Nga đang tham nhũng, nhưng hoàn toàn không có điều này”.
Tổng thống Putin cho rằng ông Roldugin là một nghệ sĩ tuyệt vời và là cổ đông nhỏ trong một công ty của Nga nên kiếm được khá nhiều tiền, nhưng không phải là “hàng tỉUSD”. Nghệ sĩ cello cũng dành phần lớn số tiền thu được từ hoạt động kinh doanh các nhạc cụ đắttiền ở nước ngoài cho nhiều tổ chức công cộng.
“Tôi tự hào khi có người bạn như ông Roldugin,” ông Putin nói thêm.
Các tài liệutrong vụ rò rỉ Panama Papers đã nhắc đến hàng ngàn khách hàng trên khắp thế giới của công ty luật Mossack Fonseca tại Panama. Trong đó nổi bật là cựu Thủ tướng Iceland Sigmundur David Gunnlaugsson, người vừa “nhường ghếvô thời hạn” sau vụ bê bối, hay Thủ tướng Anh David Cameron hiện chịu nhiều áp lực về vấn đề tài chính của gia đình. Ngoài ra, các tài liệu còn mở màncho một loạt các kêu gọi điều tra đối với Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko.
Tuy nhiên ở Nga, nơi phương tiện truyền thông nhà nước liên hệ chặt chẽ với hệ thống kiểm soát của điện Kremlin, các thông tin trái chiều trong Panama Papers đều không được công bố. Moscow cho rằng vụ bê bối là một nổ lực nhằm làm suy yếu giới chức cầm quyền nhà nước trước cuộc bầu cử quốc hội vào cuối năm 2016.
Phát ngôn viên của Tổng thống Putin, ông Dmitry Peskov, bác bỏ những cáo buộc liên quan đến Panama Papers và cho rằng các cơ quan truyền thông đứng sau vụ bê bối được xây dựng bởi “nhiều cựu quan chức Bộ Ngoại giao và nhân viên CIA, cùng các tổ chức tình báo thù địch khác”.
Hàn Giang ( theo Reuters )