PGS-TS Ngô Trí Long cho rằng việc siết trái phiếu doanh nghiệp nên thực hiện có lộ trình, từng bước một. Nếu phanh quá gấp sẽ gây ra các cú sốc cho thị trường, không mang lại lợi ích.
Cần có tổ chức xếp hạng tín nhiệm
Tại hội thảo "Khơi thông dòng vốn cho thị trường bất động sản Việt Nam" chiều 9.5, TS Nguyễn Trí Hiếu cho rằng thị trường trái phiếu doanh nghiệp tại Việt Nam bùng nổ trong 5 năm qua, tăng trưởng bình quân 42%/năm và hiện chiếm khoảng 12% tổng dư nợ và khoảng 15% GDP.
Tuy nhiên, trong sự bùng nổ này, những điều căn bản để phát triển một nền trái phiếu doanh nghiệp lành mạnh và bền vững còn rất thiếu sót. Do đó hiện đang gây ra những thiệt hại cho các nhà đầu tư, các “trái chủ”. Điển hình là những vụ việc gần đây đã xảy ra trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp tại thị trường Việt Nam.
Nêu kinh nghiệm về thị trường Mỹ, ông Hiếu cho hay các nhà đầu tư cá nhân có hiểu biết về thị trường tài chính và tính tuân thủ luật pháp của họ rất cao. Nếu bản thân họ không có kiến thức tài chính thì họ thường được hỗ trợ bởi các công ty kinh doanh chứng khoán, các ngân hàng đầu tư và các công ty luật.
Ngoài ra, thị trường trái phiếu cũng có những công cụ của thị trường để nhà đầu tư nhận biết rủi ro và đưa ra những quyết định hợp lý. Một trong những công cụ đó là xếp hạng tín nhiệm (Credit ratings). Phần lớn các trái phiếu đều được rating bởi 3 công ty tín nhiệm hàng đầu thế giới là Moody’s, Standard & Poor's và Fitch Ratings. Các trái phiếu được xếp hạng với 2 mức tín nhiệm: mức đầu tư hay đáng đầu tư (investment grade) và mức không đầu tư hay không đáng đầu tư (none - investment grade).
“Điều quan trọng của xếp hạng tín nhiệm là nhà đầu tư ý thức được mức độ rủi ro của trái phiếu, tức là khả năng vỡ nợ của doanh nghiệp phát hành để quyết định mua hay bán”, ông Hiếu nói.
Trong khi đó tại Việt Nam, nhà đầu tư thường không sử dụng công cụ xếp hạng tín nhiệm. Họ tự thẩm định và phần lớn là dựa vào uy tín của doanh nghiệp phát hành, sự hấp dẫn của lãi suất thường lên gấp đôi, gấp ba so với lãi suất khuấy động của ngân hàng.
Giải pháp nào khơi thông dòng vốn cho bất động sản
Để khai thông dòng vốn cho thị trường bất động sản, TS Nguyễn Trí Hiếu đề nghị điều chỉnh ngay những quy định pháp luật về thị trường trái phiếu phát hành riêng lẻ để tạo niềm tin cho giới đầu tư. Nghị định 153 về phát hành trái phiếu riêng lẻ cần quy định rõ ràng xếp hạng tín nhiệm là điều kiện bắt buộc cho việc phát hành trái phiếu, để các nhà đầu tư có cơ sở thẩm định rủi ro trái phiếu họ đầu tư.
Ngoài ra, thị trường trái phiếu Việt Nam cần sự tham gia mạnh mẽ của các nhà đầu tư, tổ chức. Bên cạnh ngân hàng, là các quỹ đầu tư trong và ngoài nước, các hãng bảo hiểm và công ty tài chính.
Đồng thời, Việt Nam cũng cần xây dựng một thị trường với sản phẩm mới đó là chứng khoán hóa các món vay bất động sản của ngân hàng. Cụ thể, ngân hàng khi cho vay các món vay bất động sản và sau đó gom các món vay bất động sản lại, sau đó bán cho một cơ quan thuộc Bộ Tài chính hay Ngân hàng Nhà Nước, hay một công ty kinh doanh chứng khoán tầm cỡ có uy tín để ngân hàng thu hồi lại dòng vốn đã cho vay và tiếp tục dùng vốn đó cho vay các khách hàng khác.
Sau đó, cơ quan nhà nước hay công ty chứng khoán đóng gói các món vay và phát hành trái phiếu trên cơ sở những gói này, hoạt động này được gọi là chứng khoán hóa (Securitization). Các món vay được đóng gói, được chứng khoán hóa, sản phẩm này bên Mỹ được gọi là Mortgage backed securities – MBS, là một loại chứng khoán hóa được bảo đảm bằng tài sản thế chấp là bất động sản. Loại trái phiếu này được bán cho những nhà đầu tư có vốn dài hạn như các hãng bảo hiểm, các quỹ đầu tư và các công ty tài chính lớn của thế giới.
“Nếu thị trường bất động sản tiếp tục dựa lưng vào ngân hàng và thị trường trái phiếu như hiện nay thì e rằng sự phát triển của thị trường bất động sản sẽ tiếp tục gặp những bất ổn”, ông Hiếu nêu.
PGS-TS Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả (Bộ Tài chính) cho rằng Ngân hàng Nhà nước và các ngân hàng thương mại tiếp tục duy trì và cải thiện dòng vốn này cho thị trường bất động sản là một trong những chính sách cần được quan tâm đúng mức trong giai đoạn tới; quy định về hạn mức tín dụng phi sản xuất (trong đó có bất động sản) không nên cào bằng cho mọi tổ chức tín dụng.
Đồng thời phát triển chính sách tín dụng liên kết để tháo gỡ bài toán vướng mắc, khó khăn về dòng tiền. Nhiều ngân hàng thương mại đã thực hiện chính sách tín dụng liên kết giữa các khách hàng của mình là nhà đầu tư – nhà thầu – nhà cung cấp vật liệu xây dựng. Điều này giúp ngân hàng chủ động hơn trong việc quản lý dòng tiền, thu hồi được nợ, hạn chế nợ xấu, giúp doanh nghiệp có vốn để tiếp tục hoạt động và giảm bớt sự khó khăn của thị trường bất động sản.
Đặc biệt, Chính phủ sớm bổ sung hành lang pháp lý và tổ chức triển khai việc hình thành các định chế tài chính phi ngân hàng như: Quỹ đầu tư bất động sản, quỹ tín thác bất động sản… thì việc phát triển các quỹ tín thác là điều có thể được mong đợi.
Về việc siết trái phiếu doanh nghiệp, ông Long cho rằng nên thực hiện có lộ trình, từ từ, từng bước một. Nếu phanh quá gấp thị trường trái phiếu sẽ gây ra các cú sốc cho thị trường, không mang lại lợi ích cho nền kinh tế.
“Chỉ nên đưa ra các quy định để ngăn chặn các hiện tượng tiêu cực trên thị trường trái phiếu, chứ không nên đưa ra các quy định siết quá chặt việc phát hành trái phiếu doanh nghiệp. Ngược lại, vẫn cần khuyến khích các doanh nghiệp tốt tiếp tục phát hành trái phiếu doanh nghiệp và coi đây là kênh huy động vốn trung, dài hạn quan trọng, làm giảm áp lực lên hệ thống ngân hàng”, ông Long nói.
TS Nguyễn Minh Phong nhìn nhận, là thể chế bậc cao và nhạy cảm bậc nhất của kinh tế thị trường, TTCK như một bình pha lê quý, đang và sẽ tiếp tục cần được gia cố và bảo vệ tốt. Việc xử lý nghiêm các hành vi vi phạm để làm trong sạch thị trường trái phiếu doanh nghiệp cũng có nghĩa là tạo điều kiện thuận lợi để phát huy tiềm năng và phát triển thị trường lành mạnh, an toàn, tích cực. Hai yêu cầu này đều cấp thiết, song song với nhau.
“Yêu cầu “đánh chuột không được làm vỡ bình”, xử lý hành vi sai phạm mà không làm ngưng đọng hay đổ vỡ thị trường trái phiếu doanh nghiệp và thị trường bất động sản liên quan càng có ý nghĩa quan trọng hơn trong thời gian tới”, ông Phong nêu.