Sự việc này hết sức nghiêm trọng và ảnh hưởng đến uy tín của thể thao Việt Nam, nhất là trong bối cảnh những năm gần đây, thể thao nước ta, đặc biệt là điền kinh, bơi lội gây được tiếng vang không chỉ ở khu vực mà cả châu lục.
Ngay trước khi SEA Games 32 khai mạc, Campuchia đã công bố danh tính 10 VĐV dính doping tại SEA Games 31.
Thật đáng buồn khi thể thao Việt Nam chiếm 50%, và còn buồn hơn khi 5 cái tên VĐV sử dụng doping đều là những tên tuổi nổi tiếng: Quách Thị Lan, Khuất Phương Anh, Vũ Thị Ngọc Hà, Hoàng Thị Ngọc và Lê Ngọc Phúc - những người đã giành huy chương tại SEA Games 31 cho Việt Nam, góp phần giúp đoàn điền kinh Việt Nam nói riêng và đoàn thể thao Việt Nam (TTVN) nói chung giành vị trí số 1 Đông Nam Á.
Đáng chú ý nhất là Quách Thị Lan, người đã giành hai HC vàng, một bạc và một đồng tại SEA Games 31, trong đó có HC vàng cá nhân 400m rào và HC đồng 400m. Nữ VĐV 27 tuổi này còn đoạt HC vàng 4 x 400m tiếp sức nữ, và HC bạc 4 x 400m tiếp sức nam nữ.
Người thứ 2 là Khuất Phương Anh 26 tuổi, đoạt HC vàng chạy 800m nữ và HC bạc 1.500m tại SEA Games 31. VĐV thứ 3 trong danh sách là Vũ Thị Ngọc Hà. Ở SEA Games 31, Ngọc Hà xuất sắc đánh bại cựu vô địch ASIAD 2018 Bùi Thị Thu Thảo đúng 1cm (6m39) để lần đầu đoạt HC vàng môn nhảy xa. Cô gái quê Hà Nam cũng là chủ nhân của tấm HC bạc SEA Games 31 nội dung nhảy 3 bước nữ.
Gương mặt tiếp theo dương tính với chất cấm là Hoàng Thị Ngọc. Cô là thành viên của đội tiếp sức 4 x 400m giúp điền kinh Việt Nam giành HC vàng ở SEA Games 31.
Thành viên còn lại của đội tuyển điền kinh Việt Nam dương tính với chất cấm ở SEA Games 31 là Lê Ngọc Phúc. Anh giành HC bạc nội dung 400m nam và 4 x 400m nam.
Sự việc này hết sức nghiêm trọng và ảnh hưởng đến uy tín của TTVN, nhất là trong bối cảnh những năm gần đây, thể thao nước ta, đặc biệt là điền kinh, bơi lội gây được tiếng vang không chỉ ở khu vực mà cả châu lục. Hiện tượng điền kinh Việt Nam thống trị 3 kỳ SEA Games gần đây là tín hiệu đáng vui nhưng giờ đây người hâm mộ ở khu vực cũng như là châu lục sẽ chỉ còn nhớ đến bóng đen doping bao phủ trên bầu trời điền kinh Việt Nam nói riêng và TTVN nói chung.
Trước những hoài nghi ban đầu, người trong cuộc đã có những lời phân trần. Quách Thị Lan khẳng định không sử dụng bất kỳ loại thuốc nào suốt thời gian tập luyện chuẩn bị cho SEA Games 31 khi Việt Nam là nước chủ nhà. Việc cô dính doping có thể liên quan đến một loại thuốc an thần dạng bột, có tác dụng giúp tỉnh táo mà VĐV này sử dụng khi thi đấu.
"Trước khi sử dụng thuốc, tôi đã hỏi ý kiến bác sĩ và được đồng ý dùng", Quách Thị Lan nói với VNE trưa 5.5. "Nhưng đây là loại thuốc mới tung ra thị trường và chưa được kiểm chứng. Chúng tôi không lường hết rủi ro của nó".
Trong khi đó, theo Thanh Niên, HLV Nguyễn Thị Bắc của VĐV Khuất Phương Anh tiết lộ trước SEA Games, học trò của mình vừa tập luyện vừa chữa trị chấn thương. Rất có thể việc dùng thuốc chữa trị chấn thương vô tình dính phải chất cấm khiến Khuất Phương Anh cho kết quả xét nghiệm dương tính.
Nói tóm lại, thông tin ban đầu cho thấy các VĐV đều khẳng định họ bị dương tính doping do dùng loại thuốc nào đó có chất cấm mà không hay biết. Nhưng nếu có đúng như vậy thì đó cũng không phải là lý do thỏa đáng để bào chữa và vẫn phải có ai đó chịu trách nhiệm trong quy trình dẫn đến hậu quả ảnh hưởng đến hình ảnh, uy tín của TTVN.
Với các VĐV chuyên nghiệp, bất kỳ ai cũng phải luôn ý thức được tác dụng phụ của từng loại thuốc và những nguy cơ xảy ra. Nếu các các VĐV nói rằng được các bác sĩ đồng ý thì phải xem họ đã hỏi bác sĩ nào, có chuyên môn về y học thể thao hay không. Nếu bác sĩ là người đúng chuyên môn y học về thể thao thì càng phải quy trách nhiệm khi đã sơ suất tắc trách gây hậu quả nghiêm trọng. Rồi xa hơn nữa, ai là người thiết lập quy trình dinh dưỡng, dược phẩm cho các VĐV để xảy ra lỗ hổng đáng ngại kể trên.
Tuy nhiên, để có nguyên nhân chính thức và chính xác thì cần thiết phải có một cuộc điều tra khẩn trương, nghiêm túc và khoa học để xác định tại sao các VĐV kể trên bị dương tính doping, loại doping đó là loại nào, được sử dụng trong hoàn cảnh như thế nào...
Việc này dù không thể đảo ngược được việc các VĐV bị tước huy chương hay phải chịu được một cái án rất nặng nhưng nó sẽ soi ra nhiều vấn đề để nền thể thao chuyên nghiệp hơn, trong sạch hơn và quan trọng là không mắc lại những sai lầm như vậy.