Đây là nội dung nổi bật trong Tờ trình Chính phủ của Bộ Thông tin - Truyền thông về việc ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung điều 15 của Nghị định 25 và điều 30 của Nghị định 174 Chính phủ ban hành, nhằm tăng cường quản lý thuê bao di động.

Phạt doanh nghiệp viễn thông 1 triệu đồng với mỗi thuê bao sai thông tin đăng ký

Trí Lâm | 02/11/2016, 05:33

Đây là nội dung nổi bật trong Tờ trình Chính phủ của Bộ Thông tin - Truyền thông về việc ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung điều 15 của Nghị định 25 và điều 30 của Nghị định 174 Chính phủ ban hành, nhằm tăng cường quản lý thuê bao di động.

Nhiều quy định bất hợp lý phải điều chỉnh

Hiện nay, tổng số thuê bao di động tại Việt Nam đạt hơn 126 triệu thuê bao, tuy nhiên, hầu hết các thuê bao di động hiện nay đều là thuê bao di động trả trước (chiếm hơn 95% tổng số thuê bao) và hơn 75% số thuê bao di động trả trước có thông tin không chính xác.

Nguyên nhân của tình trạng này là do sự không nghiêm túc của các điểm đăng ký thông tin thuê bao và sự buông lỏng quản lý của các doanh nghiệp viễn thông.

Theo Bộ Thông tin - Truyền thông, việc triển khai hệ thống phân phối, cung cấp SIM hiện nay của các doanh nghiệp viễn thông không hợp lý, tạo điều kiện cho việc mua bán SIM kích hoạt sẵn.

Tất cả các quy định, biện pháp hiện nay đều mang tính hành chính, không gắn với lợi ích của các đối tượng có liên quan (doanh nghiệp, người sử dụng dịch vụ) và do đó không giải quyết được cái gốc của vấn đề.

Mức xử phạt hiện nay còn quá nhẹ so với doanh thu, lợi nhuận mà nếu vi phạm doanh nghiệp có thể thu được (cao nhất là 70 triệu đối với số lượng trên 500 thuê bao có thông tin sai).

Do đó, dự thảo nghị định đã bỏ tất cả quy định liên quan đến bản khai thông tin, khi đến giao kết hợp đồng, điều kiện giao dịch chung người dụng chỉ xuất trình bản chính giấy tờ; điểm cung cấp dịch vụ viễn thông có trách nhiệm trích xuất thông tin từ giấy tờ mà tổ chức, cá nhân xuất trình để lưu cùng với bản sao lưu điện tử của giấy tờ.

Nghị định này đã bỏ khái niệm điểm đăng ký thông tin thuê bao, thay vào đó là khái niệm điểm cung cấp dịch vụ viễn thông, và quyđịnh rõ “SIM thuê bao ... chỉ được cung cấp cho các cá nhân, tổ chức tại các điểm cung cấp dịch vụ viễn thông và sau khi đã hoàn thành việc nhập và lưu giữ thông tin thuê bao theo quy định tại điểm a, điểm c khoản 4".

Để tạo điều kiện cho doanh nghiệp có thể tận dụng những nơi đông dân cư để cung cấp dịch vụ cho người sử dụng, nghị định đã quy định doanh nghiệp có quyền thiết lập các điểm cung cấp dịch vụ viễn thông lưu động, với điều kiện các điểm đó cũng đáp ứng đầy đủ các quy định cần thiết của một điểm cung cấp dịch vụ viễn thông nói chung về biển hiệu, trang thiết bị, nhân viên được tập huấn.

Đối với việc ký hợp đồng, điều kiện giao dịch chung, vì còn nhiều ý kiến khác nhau giữa các doanh nghiệp và để tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp, Bộ Thông tin -Truyền thông đề xuất các tổ chức đều có thể được ký hợp đồng ủy quyền. Việc chọn tổ chức nào để ký hợp đồng 7 ủy quyền là hoàn toàn thuộc thẩm quyền của doanh nghiệp, và doanh nghiệp sẽ chịu hoàn toàn trách nhiệm về sự hoạt động của tổ chức mà mình lựa chọn.

Theo nghị định này, doanh nghiệp phải có trách nhiệm bảo đảm các điểm cung cấp dịch vụ viễn thông tuân thủ đầy đủ các quy định và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc thông tin thuê bao được đối chiếu, nhập, lưu giữ, quản lý theo đúng quy định tại các điểm cung cấp dịch vụ viễn thông.

Phạt 1 triệu đồng đối với 1 thuê bao sai

Nghị định này quy định xử phạt doanh nghiệp viễn thông theo từng số thuê bao sai với mức xử phạt cao cho mỗi thuê bao sai thông tin (1 triệu đồng cho một thuê bao sai, như đề xuất của Bộ Công an); phạt cả lãnh đạo doanh nghiệp đối với các sai phạm lớn.

Bên cạnh đó, tịch thu từ doanh nghiệp viễn thông di động số tiền có trong tài khoản chính của SIM đối với hành vi vi phạm quy định; buộc doanh nghiệp viễn thông di động nộp lại doanh thu có được gồm tổng số tiền đã được nạp vào tài khoản chính của SIM kể từ thời điểm bắt đầu cung cấp dịch vụ cho các thuê bao di động vi phạm quy định.

Thực hiện các quy định này, một bộ phận người dân và xã hội có thể phản ứng trong giai đoạn đầu do một số trường hợp bị dừng cung cấp dịch vụ do thông tin sai mà không chịu hợp tác, đi cung cấp lại thông tin thuê bao.

Tuy nhiên trách nhiệm cung cấp thông tin cá nhân khi sử dụng dịch vụ viễn thông đã quyđịnh rõ ràng tại Luật Viễn thông, cũng phù hợp với rất nhiều các lĩnh vực kinh tế - xã hội khác, nên nếu được tuyên truyền tốt và tạo điều kiện tốt thì đa phần người dân sẽ hợp tác.

Để thực hiện điều này, doanh nghiệp viễn thông sẽ cần nhân sự, kinh phí khá lớn để triển khai. Tuy nhiên, đây là trách nhiệm của doanh nghiệp viễn thông trong việc tái đầu tư, bảo đảm sự phát triển bền vững của thị trường viễn thông cũng như góp phần tăng cường bảo đảm an toàn, an ninh, trật tự xã hội.

Bên cạnh đó, doanh thu, lợi nhuận của các doanh nghiệp có thể giảm chút ít, thành tích của ngành viễn thông có thể giảm nhưng không đáng kể, ngoại trừ việc phải thêm chi phí để triển khai hệ thống các điểm cung cấp dịch vụ viễn thông.

Số lượng thuê bao giảm có thể ảnh hưởng đến thành tích của ngành viễn thông, tuy nhiên nếu xét đến việc tạo ra một môi trường viễn thông sạch, ít rác, và góp phần phục vụ nhiệm vụ đảm bảo an ninh quốc gia và trật tự an toàn xã hội, thì đây sẽ là một thành tích.

Trí Lâm
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Phân công ông Trần Thanh Mẫn điều hành hoạt động của Quốc hội
12 giờ trước Theo dòng thời sự
Ông Trần Thanh Mẫn, Phó chủ tịch thường trực Quốc hội được phân công điều hành hoạt động của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Quốc hội thay ông Vương Đình Huệ vừa miễn nhiệm.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Phạt doanh nghiệp viễn thông 1 triệu đồng với mỗi thuê bao sai thông tin đăng ký