Dù cơ sở của Nguyễn Văn Muốn Em nằm xa khu dân cư, đường xá khó đi lại nhưng hành vi gian dối của cơ sở này đã không qua mắt được lực lượng chức năng.
Chiều 30.11, chủ cơ sở sản xuất cà phê giả, trộn đậu nành… vẫn không xuất hiện tại địa phương, sau khi bị kiểm tra và phát hiện sai phạm, Người thân của anh này cho biết, anh đã vắng mặt mấy ngày qua mà không cho biết là đi đâu.
Trước đó, Phòng Cảnh sát Phòng chống tội phạm về môi trường, công an tỉnh Hậu Giang, phối hợp với lực lượng chức năng TX.Ngã Bảy để kiểm tra cơ sở sản xuất cà phê không phép của Nguyễn Văn Muốn Em (29 tuổi), ở ấp Cái Côn, xã Đại Thành, TX.Ngã Bảy.
Từ tin báo của một số người dân, cảnh sát đã có nhiều ngày theo dõi hoạt động của cơ sở này. Khi lực lượng chức năng kiểm tra đột xuất, Muốn Em đã không xuất trình được giấy phép hoạt động của cơ sở mình. Ngoài ra, lực lượng chức năng còn phát hiện chủ cơ sở này có dấu hiệu làm giả một thương hiệu cà phê Buôn Mê Thuột.
Lúc kiểm tra, Muốn Em đang cùng nhân viên trộn hương liệu vào 180 kg cà phê và đậu nành. Cạnh bếp rang còn nhiều hóa chất, hương liệu cùng nhiều bao bì của một nhãn hiệu cà phê nổi tiếng ở Buôn Mê Thuột. Nơi sản xuất của Muốn Em cũng không đảm bảo các điều kiện an toàn về vệ sinh.
1 cán bộ cho biết, trong 180 kg cà phê và đậu nành đang được chế biến chỉ có 120 kg là cà phê và đến 60 kg là đậu nành. Đậu nành sau khi rang cháy đen sẽ được trộn với cà phê tẩm hương liệu rồi xay đem bán.
Do cơ sở của Muốn Em chỉ hoạt động khoảng thời gian gần đây nên sản phẩm chỉ bán lẻ được cho vài hộ dân hàng xóm. Đoàn kiểm tra sau khi lập biên bản đã lấy mẫu để phân tích theo quy định.
Ông Phạm Các Lơ, Trưởng ấp Cái Côn cho biết, nơi Muốn Em sản xuất cà phê là mượn nhà của gia đình anh chị mình. “Muốn Em đi làm xa từ lâu, ít khi thấy về địa phương. Lúc cảnh sát tới hỏi có người ở trong ấp rang xay cà phê tôi còn chưa kịp nắm. Gọi là cơ sở chứ thực chất, Muốn Em chỉ mượn che tạm phần chái bên ngôi nhà của chị mình để hành nghề thôi.
Cơ sở không phép này nằm xa khu dân cư
Ngôi nhà này nằm sâu trong ruộng, đường đi khó khăn, cây cối um tùm nên ít người biết. Sau này tôi mới được người dân báo là cứ chiều chiều, mùi thơm cà phê bay ngào ngạt khắp nơi, nhưng không ai biết Muốn Em làm ănnhư thế nào. Cơ sở này chỉ mới đi chào hàng một số quán ở trong vùng, do chưa được tin tưởng nên hàng bán chưa được”, ông Lơ nói.
Nhiều người dân ở ấp Cái Côn cũng không hề hay biết việc cơ sở của Muốn Em bị phạt, cho đến khi xem tin tức trên ti vi. Cà phê là thức uống quen thuộc của người dân miền Tây, nhưng đối với họ thưởng thức một ly cà phê đúng chất lượng thật là điều khó khăn.
“Thử nghỉ coi một ly cà phê ở quê bán chỉ khoảng 5.000- 7.000 đồng/ly. Cà phê đâu mà rẻ vậy? Họ bất chấp độn cái này, cái khác vô để kiếm lời. Cà phê độn bắp, đậu nành rang cháy còn đỡ, chứ tui còn nghe người ta chế ra hóa chất gì đó nhỏ một giọt thôi là có mấy ly cà phê. Loại đó mới ớn, riết rồi bà con chẳng biết ăn uống gì cho an toàn”, mộtngười dân chua chát nói.
Viết Nguyên