Cơ quan Vũ trụ châu Âu (ESA) đã công bố những hình ảnh về đám mây khổng lồ “cực kỳ dài” trong bầu khí quyển trên sao Hỏa.
Bức ảnh được Cơ quan Vũ trụ châu Âu (ESA) chia sẻ trực tuyến cho thấy đám mây khổng lồ dài khoảng 1.770 km phía trên ngọn núi lửa Arsia Mons, gần xích đạo của sao Hỏa. Nó được chụp bằng camera giám sát trực quan (VMC) trên Mars Express - tàu vũ trụ đã nghiên cứu hành tinh đỏ trong hơn 15 năm.
Thoạt nhìn nó trông như khói phát ra từ hoạt động của núi lửa. Tuy nhiên, đáng nói là sao Hỏa không hề có bất kỳ đợt phun trào núi lửa nào xảy ra trong hàng triệu năm qua. Theo các nhà khí tượng học từ ESA, dù đây không phải là kết quả của một vụ phun trào nhưng núi lửa Arsia Mons đóng vai trò quan trọng trong việc hình thành đám mây này.
Tác giả chính của nghiên cứu Jorge Hernandez-Bernal, nhà thiên văn học tại Đại học xứ Basque ở Tây Ban Nha, cho biết đám mây nước mỏng và dài này dường như xuất hiện vào khoảng thời gian quanh ngày hạ chí ở cực nam của hành tinh. Ông và các đồng nghiệp đã quan sát hiện tượng này như một phần của dự án nghiên cứu dài hạn sử dụng Mars Express.
“Chúng tôi đã từng thấy hiện tượng hấp dẫn này và đoán trước được sự xuất hiện của nó. Tuy nhiên, đám mây này rất khó nghiên cứu vì tan biến nhanh và việc dùng tàu vũ trụ trên quỹ đạo sao Hỏa để theo dõi cũng không dễ”, Hernandez-Bernal chia sẻ.
Theo ESA, tàu Mars Express đang ở vị trí thuận lợi để quan sát đám mây bằng VMC. Mặc dù camera này có độ phân giải tương tự như một webcam tiêu chuẩn từ đầu những năm 2000, nhưng nó đặc biệt hữu ích với nghiên cứu. Camera chỉ được lắp đặt để xác nhận tàu đổ bộ Beagle 2 tách thành công khỏi tàu vũ trụ vào năm 2003 và bị tắt sau đó.
“Dải mây không thể phát hiện bằng camera trường hẹp hoặc quan sát vào buổi chiều. May mắn là tầm nhìn rộng của VMC cho phép chúng tôi quét một khu vực rộng lớn trên sao Hỏa vào sáng sớm và nhờ đó có thể chụp ảnh dải mây”, Hernandez-Bernal cho biết.
Trong nghiên cứu được công bố trên tạp chí Journal of Geophysical Research, Bernal và các đồng nghiệp đã đặt tên đám mây là Arsia Mons Elongated. Nhóm nghiên cứu cũng nói rằng đây là đám mây núi lớn nhất từng quan sát trên sao Hỏa. Nó hình thành khi gió bị buộc đẩy lên cao do các đặc điểm địa hình như núi hoặc núi lửa trên bề mặt hành tinh.
Theo ESA, cứ cách vài năm tính theo thời gian Trái đất, những đám mây này lại đạt đủ điều kiện để hiện rõ trên nền hành tinh đỏ. Mars Express từng chụp được những hình ảnh tương tự vào năm 2009, 2012, 2015 và 2018. Do đó, 2021 chính là chu kỳ 3 năm tiếp theo hiện tượng này xảy ra.
Mặc dù có bầu khí quyển mỏng hơn rất nhiều so với Trái đất, mây vẫn xuất hiện thường xuyên trên sao Hỏa. Nghiên cứu các đám mây có thể giúp các nhà khoa học hiểu rõ hơn về khí hậu và các kiểu thời tiết theo mùa trên hành tinh.
“Nếu hiểu đám mây này, chúng ta sẽ có cơ hội thú vị để tái tạo sự hình thành của đám mây bằng các mô hình, qua đó nắm thêm thông tin về hệ thống thời tiết ở sao Hỏa và Trái đất”, Agustin Sánchez-Lavega, chuyên gia tại Đại học Basque Country, đồng tác giả của nghiên cứu nói.