Các hoạt động bành trướng của Trung Quốc trên Biển Đông thời gian qua đã đe dọa nghiêm trọng tới hệ sinh thái ở vùng biển này.
Hãng thông tấn ANI (Ấn Độ) hôm 10.3 dẫn báo cáo của Quỹ Nghiên cứu Quan sát (Observer Research Foundation - ORF) cho biết, việc Trung Quốc quân sự hóa các rạn san hô ở Biển Đông cùng với sự gia tăng các máy bay và tàu quân sự của Trung Quốc trên tuyến đường biển chiến lược mà Trung Quốc tự coi là lãnh thổ của mình, cùng các hoạt động khoan dầu khí và đánh bắt tận diệt của Trung Quốc đã đẩy hệ sinh thái ở vùng biển này đến bờ vực sụp đổ.
Báo cáo có tên “Những mối đe dọa hiện nay đối với hệ sinh thái tại Biển Đông”, nhấn mạnh mối quan hệ mật thiết của vùng biển này đối với toàn khu vực. Thông qua việc phá hủy các rạn san hô và sinh vật biển, Trung Quốc đã gây ra mối đe dọa về an ninh lương thực và năng lượng đối với các nước ven biển.
Theo báo cáo của ORF, lâu nay hệ sinh thái tại khu vực Biển Đông từng phải chịu áp lực khi đây là một tuyến đường biển nhộn nhịp nhất thế giới nay phải phải chịu thêm các hoạt động đánh bắt tận diệt, khai thác sò, nạo vét để xây dựng các đảo nhân tạo và kỹ thuật thủy lực cắt phá của Trung Quốc. Bên cạnh đó tình trạng biến đổi khí hậu khiến mực nước biển dâng và nhiệt độ tăng cũng gây nên những thiệt hại về lâu dài.
Đối với Trung Quốc, hải sản đóng vai trò quan trọng trong việc đảm bảo an ninh lương thực cho dân số tỷ dân của nước này. Ước tính đến năm 2030, tầng lớp trung lưu của Trung Quốc sẽ tiêu thụ đến 38% lượng hải sản toàn cầu. Việc đánh bắt quá mức và đánh bắt bất hợp pháp không được kiểm soát sẽ khiến nguồn cá ở các khu vực ven bờ cạn kiệt nhanh chóng.
Trung Quốc cũng đã mất phân nửa diện tích vùng đất ngập nước ven bờ, 57% diện tích rừng đước và 80% rạn san hô trong vùng đặc quyền kinh tế. Trong khi đó, đây là môi trường đây là môi trường quan trọng để phát triển nguồn hải sản. Ngoài ra, ngư dân Trung Quốc còn di chuyển xa và sâu hơn, sử dụng thuốc nổ và hóa chất để đánh bắt làm thiệt hại hơn đối với môi trường sống của các loài sinh vật biển.
Trung Quốc hiện sở hữu đội tàu cá đánh bắt xa bờ lớn nhất thế giới, ước tính khoảng 17.000 tàu, trong đó hơn 12.000 tàu hoạt động tại các vùng biển không thuộc chủ quyền Trung Quốc. "Hạm đội" tàu cá của Trung Quốc mỗi năm đánh bắt từ 50 tới 70% tổng sản lượng đánh bắt hải sản trên các vùng biển quốc tế. Mực ống chiếm 1/3 tổng sản lượng đánh bắt của Trung Quốc và trong 9 năm liên tiếp, các tàu cá Trung Quốc câu mực nhiều hơn bất kỳ nước nào khác.
Đội tàu cá của Trung Quốc năm ngoái đã đánh bắt hàng ngàn tấn cá, mực quanh khu bảo tồn biển Galapagos của Ecuador, gây bất bình cho nhiều nước trong khu vực. Các chuyên gia cho biết các hoạt động đánh bắt cá của Trung Quốc “rất đáng báo động” do phạm vi khai thác toàn nhắm vào các nơi có các sinh vật biển dễ bị tổn thương cùng các hệ sinh thái quan trọng.
Các phương pháp đánh bắt của tàu cá Trung Quốc chủ yếu bằng thuốc nổ và chất hóa học, không chỉ giết chết nhiều sinh vật biển, mà còn phá hủy các rạn san hô nuôi dưỡng các loài sinh vật. Trong khi đó, việc sử dụng chất hóa học còn làm gia tăng quá trình tẩy trắng các rạn san hô và đôi khi giết chết chúng. Các phương pháp đánh bắt này cũng được thực hiện ở độ sâu lớn hơn, do vậy tác động tới cả khu vực đáy biển.
Hơn nữa, vai trò khu vực của các đảo tại Biển Đông, như một nguồn bổ sung thủy sản, có thể dễ dàng bị giảm sút do chất lượng môi trường sống bị mất đi và hoạt động khai thác thủy sản địa phương ngày càng mở rộng do việc xây dựng các khu dân cư.
Báo cáo của ORF chỉ đích danh Trung Quốc với yêu sách chủ quyền “đường 9 đoạn” (hay còn gọi là “đường lưỡi bò”) thông qua các hoạt động bồi đắp, cải tạo các đảo ở Hoàng Sa và Trường Sa (thuộc chủ quyền của Việt Nam vốn bị Trung Quốc chiếm đóng trái phép), xây dựng phi pháp các cảng, dường băng và cơ sở quân sự đã dẫn đến việc hủy diệt các rạn san hô.
Việc nạo vét trên những hòn đảo này theo chuyển động tới lui, cắt xuyên qua đủ loại vật chất, từ đá cứng đến trầm tích mềm cũng đã phá hủy sự sống của nhiều loài sinh vật biển. Các hoạt động bồi đắp đảo cũng làm ảnh hưởng tới khả năng hấp thụ và chất diệp lục trong khu vực, điều cần thiết cho sự tồn tại của thực vật phù du - nguồn thức ăn chính cho nhiều loại sinh vật biển. Những hoạt động xây dựng và cải tạo đảo này cũng đã góp phần tăng độ đục và bồi lắng trên các đầm phá xung quanh các rạn san hô, làm cho các loài san hô bị chôn vùi và chết dưới các bãi đá ngầm.
Bên cạnh đó, các hoạt động khai thác dầu của Trung Quốc đã thải ra một lượng lớn hỗn hợp gồm bùn, chất thải, rác ra đại dương, làm tổn hại nghiêm trọng tới hệ sinh thái cũng như gây nguy hiểm cho các loài sinh vật sống trong đó. Các cuộc khảo sát địa chấn sơ bộ, lắp đặt các giàn khoan, thăm dò và khai thác hydrocacbon, vận chuyển dầu khí cũng gây thiệt hại cho đại dương.