Theo Zee News, các nhà khoa học ở Đại học Gothenburg (Thụy Điển) đã phát hiện trong cơ thể có một cơ chế điều chỉnh trọng lượng qua việc theo dõi tình trạng tăng nặng và báo hiệu cho não rằng cần phải giảm lượng tiêu thụ thức ăn.
Hầu như ai cũng biết cả thế giới đang bị bệnh béo phì tấn công. Tăng cân làm tăng nguy cơ các bệnh tiểu đường, cao huyết áp, rối loạn nội tiết và các vấn đề sức khoẻ khác.
Theo các nhà khoa học ở Đại học Gothenburg,trong cơ thể có một cơ chế điều chỉnh trọng lượng qua việc theo dõi tình trạng tăng nặng và báo hiệu cho não rằng cần phải giảm lượng tiêu thụ thức ăn. Cơ chế này hoạt động độc lập với leptin, một hormone liên quan đến sự thèm ăn. Khi một người có lối sống ít vận động, cơ chế đó sẽ tính toán sai trọng lượng (nghĩa là ghi nhận trọng lượng quá thấp). Do đó, lối sống ít vận động làm tăng nguy cơ ăn quá nhiều và dẫn đến béo phì.
Các nhà nghiên cứu tiến hành nhiềuthí nghiệm trên chuột. Các con vật tham gia thử nghiệm đã được cấy dưới da những vật nặng làm tăng trọng lượng của chúng ở mức 15% và 3%. Những kết quả theo dõi cho thấy sau 2 ngày, chuột bắt đầu ăn ít đi và sau 2 tuần bắt đầu giảm cân rõ rệt để trở lại mức trọng lượng ngang với mức ban đầu mặc dù có đeo thêm “hàng”. Tiếp theo, các nhà khoa học lặp lại thí nghiệm với chuột bằng cách dùng các phương pháp công nghệ gien để giảm lượng các tế bào mô xương ở chuột. Kết quả khi giảm lượng mô xương, các con chuột không gầy đi. Các nhà nghiên cứu kết luận rằng khi cảm thấy tải trọng tăng, mô xương của chuột phát tín hiệu làm giảm cảm giác đói và như vậy, tự điều chỉnh được trọng lượng cơ thể.
Các nhà khoa học đã công bố kết quả nghiên cứu trên tạp chí Proceedings of the National Academy of Sciences và hy vọng phát hiện này sẽ dẫn đến việc phát triển các phương pháp điều trị mới cho bệnh béo phì.
Vũ Trung Hương