Mục tiêu của dự án nhằm hỗ trợ tăng cường năng lực, khung pháp lý thúc đẩy phát triển giao thông vận tải theo hướng carbon thấp, giảm phát thải khí nhà kính, góp phần thực hiện NDC của Việt Nam.

Phát triển giao thông vận tải theo hướng carbon thấp, giảm phát thải khí nhà kính

Thu Anh | 15/03/2021, 11:59

Mục tiêu của dự án nhằm hỗ trợ tăng cường năng lực, khung pháp lý thúc đẩy phát triển giao thông vận tải theo hướng carbon thấp, giảm phát thải khí nhà kính, góp phần thực hiện NDC của Việt Nam.

Sáng 15.3, tại hội thảo khởi động dự án Hỗ trợ Bộ Giao thông vận tải thực hiện Đóng góp do quốc gia tự quyết định Việt Nam trong khuôn khổ dự án “Sáng kiến giao thông trong NDC tại các nước châu Á” (NDC-TIA), theo ông Lê Anh Tuấn - Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải, tháng 9.2020 Việt Nam đã hoàn thành cập nhật NDC và là một trong 20 quốc gia đệ trình báo cáo này sớm nhất lên Ban Thư ký Công ước khung của Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu.

So với NDC đầu tiên được xây dựng năm 2015, Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải nhận định mức đóng góp của NDC cập nhật năm 2020 đã tăng cả về lượng giảm phát thải và tỷ lệ giảm phát thải khí nhà kính.

“Việt Nam cam kết giảm 9% tổng lượng phát thải khí nhà kính so với kịch bản phát thải thông thường (BAU) và tăng đóng góp lên tới 27% khi có hỗ trợ quốc tế thông qua thỏa thuận hợp tác song phương, đa phương và thực hiện cơ chế mới theo Thỏa thuận Paris”, ông Lê Anh Tuấn cho biết.

giam-phat-thai-khi-nha-kinh-trong-nganh-giao-thong-van-tai.jpg
Dự án nhằm thúc đẩy phát triển giao thông vận tải theo hướng carbon thấp - Ảnh: Internet

Dự án NDC-TIA do Bộ Môi trường - Bảo tồn thiên nhiên - An toàn hạt nhân của CHLB Đức tài trợ thông qua Sáng kiến Khí hậu quốc tế (IKI). Tổ chức Hợp tác phát triển Đức (GIZ) và Vụ Môi trường (Bộ Giao thông vận tải), Hội đồng Quốc tế về giao thông sạch (ICCT), Viện Nghiên cứu tài nguyên toàn cầu (WRI) cùng triển khai dự án đến hết tháng 12.2023.

Mục tiêu của dự án nhằm hỗ trợ tăng cường năng lực, khung pháp lý thúc đẩy phát triển giao thông vận tải theo hướng carbon thấp, giảm phát thải khí nhà kính, góp phần thực hiện NDC của Việt Nam.

Cụ thể, dự án hỗ trợ kỹ thuật Bộ Giao thông vận tải xây dựng cơ chế, chính sách và lộ trình phát triển phương tiện giao thông điện (E-mobility) cho quốc gia và một thành phố nhằm thúc đẩy sự ra đời và phát triển bền vững của các loại phương tiện giao thông sử dụng năng lượng điện tiên tiến, hiện đại, không phát thải tại Việt Nam.

Xây dựng kịch bản giảm nhẹ phát thải khí nhà kính đến năm 2050 theo hướng phát triển phát thải carbon thấp. Xây dựng quy định về mức tiêu thụ nhiên liệu đối với phương tiện giao thông cơ giới đường bộ.

Xây dựng hệ thống đo đạc, báo cáo, thẩm định (MRV) điện tử về giảm nhẹ phát thải khí nhà kính cho các lĩnh vực đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa, hàng hải, hàng không của ngành giao thông vận tải nhằm tăng cường sự minh bạch về phát thải khí nhà kính trong giao thông vận tải.

Dự án NDC-TIA hỗ trợ các hoạt động giảm nhẹ phát thải khí nhà kính của Bộ Giao thông vận tải cũng như hoạt động thí điểm tại một thành phố được chọn. Do vậy, Bộ Giao thông vận tải (bao gồm các tổng cục, cục), các sở giao thông vận tải và thành phố thí điểm là đối tượng thụ hưởng trực tiếp.

Ngoài ra, các doanh nghiệp tham gia vào dự án là đối tượng gián tiếp được thụ hưởng khi có thể chủ động quản lý giám sát chặt chẽ hơn hoạt động vận tải của doanh nghiệp (về hệ thống quản lý tiêu thụ nhiên liệu, khối lượng luân chuyển hàng hóa hoặc hành khách) thông qua công tác báo cáo phát thải.

Được biết nguồn vốn thực hiện dự án NDC-TIA tại Việt Nam là 4 triệu euro, sử dụng vốn ODA không hoàn lại của Chính phủ Đức. Nguồn kinh phí hỗ trợ dự án được quản lý và giải ngân thông qua Tổ chức Hợp tác phát triển Đức. Vốn đối ứng của Việt Nam đóng góp bằng nguồn nhân lực của Bộ Giao thông vận tải và cơ sở vật chất tương ứng 400.000 euro.

        Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu đã được thông qua tại Hội nghị lần thứ 21 các bên tham gia Công ước khung của Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu (COP21 năm 2015). Đây là thỏa thuận mang tính lịch sử, là cơ sở pháp lý toàn cầu đầu tiên ràng buộc trách nhiệm của tất cả các bên trong ứng phó với biến đổi khí hậu. Việc thực hiện trách nhiệm của mỗi bên chủ yếu thông qua đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC).

Bài liên quan
Việt Nam cam kết giảm 8% lượng khí nhà kính đến năm 2030
Theo INDC của Việt Nam, đến năm 2030, Việt Nam cam kết giảm 8% lượng phát thải khí nhà kính so với kịch bản phát triển thông thường và có thể giảm tiếp đến 25% nếu nhận được hỗ trợ từ quốc tế.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng Phạm Minh Chính tiếp Tổng Bí thư Đảng Cách mạng Hiện đại cầm quyền Dominicana
1 giờ trước Sự kiện
Theo Đặc phái viên TTXVN, trong chương trình thăm chính thức Cộng hoà Dominicana, ngày 21.11 (giờ địa phương), tại thủ đô Santo Domingo, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã tiếp Tổng Bí thư Đảng Cách mạng Hiện đại (PRM) cầm quyền, Thị trưởng Thành phố Santo Domingo - bà Carolina Mejia.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Phát triển giao thông vận tải theo hướng carbon thấp, giảm phát thải khí nhà kính