Trong 4 tháng qua, người biểu tình Thái Lan đã xuống đường đòi cải cách mọi mặt chính trị, gồm cả Hoàng gia. Và giờ, phe bảo hoàng xuống đường đối chọi lại.

Phe bảo hoàng xuống đường phản đối người biểu tình Thái Lan, 2 phe muốn gì?

Anh Tú | 15/11/2020, 21:00

Trong 4 tháng qua, người biểu tình Thái Lan đã xuống đường đòi cải cách mọi mặt chính trị, gồm cả Hoàng gia. Và giờ, phe bảo hoàng xuống đường đối chọi lại.

Các cuộc biểu tình ở Thái Lan không có gì lạ, nhưng điều làm nên sự khác biệt trong lần này là lời kêu gọi đòi hoàng gia minh bạch và có trách nhiệm hơn.

Hầu hết những người biểu tình còn trẻ nhưng đã trưởng thành sau khi họ chứng kiến các cuộc đảo chính quân sự và các cuộc khủng hoảng chính trị khác nhau.

Tại sao các cuộc biểu tình bắt đầu?

Tình trạng bất ổn hiện nay bùng phát ở Thái Lan kể từ năm 2014, khi quân đội nắm chính quyền trong một cuộc đảo chính do Tướng Prayut Chan-o-cha khởi xướng. Và sau đó, ông Prayut đã giữ chức thủ tướng cho đến giờ.

Năm 2016, một cuộc trưng cầu dân ý về hiến pháp đã được tổ chức nhưng các nhà phê bình cho rằng nó chỉ thực hiện dân chủ nửa vời và còn được coi là bước thắt chặt chế độ quân sự của Thái Lan. Nhiều người không xem cuộc trưng cầu là bước tiến dân chủ.

Các quy tắc của bảo hoàng chống lại việc nói xấu, xúc phạm hoặc đe dọa vua, hoàng hậu hoặc thái tử đã được thắt chặt và bất kỳ ai bị kết tội làm như vậy có thể bị bỏ tù từ 3 đến 15 năm.

Năm 2019, Thái Lan tổ chức cuộc tổng tuyển cử đầu tiên kể từ cuộc đảo chính 5 năm trước đó và Tướng Prayut được bổ nhiệm làm thủ tướng. Nhiều người chỉ trích cho rằng cuộc bầu cử đã được dàn dựng có lợi cho ông.

Giọt nước tràn ly đối với những người biểu tình hiện nay là khi tòa án hiến pháp cấm đảng Tương lai - đảng đối lập có tiếng nói nhất ở Thái Lan - vào tháng 2 năm nay.

Hàng nghìn người đã xuống đường ở Bangkok vào tháng 2, nhưng sau đó COVID-19 hoành hành khiến các cuộc tụ tập bị cấm và các cuộc biểu tình phải dừng lại.

Khi lệnh cấm vận được dỡ bỏ vào tháng 7, những người biểu tình đã trở lại đường phố. Lần này, giới sinh viên đã có một danh sách các yêu cầu và cuộc biểu tình lan sang các thị trấn và thành phố khác ở Thái Lan. Hiện tại, các cuộc biểu tình nói chung diễn ra trong hòa bình.

Những yêu cầu của người biểu tình Thái Lan là gì?
Có ba yêu cầu chính được thực hiện:
1. Thủ tướng từ chức và giải tán quốc hội
2. Sửa đổi Hiến pháp
3. Chính quyền chấm dứt quấy rối người biểu tình

Và một số người đang kêu gọi cải cách chế độ quân chủ.  Tại sao những người biểu tình yêu cầu cải cách chế độ quân chủ?

Vua Bhumibol Adulyadej được nhiều người tôn kính, nhưng khi con trai của ông, Vua Maha Vajiralongkorn, 68 tuổi, kế vị sau khi vua cha qua đời vào năm 2016, thì mọi thứ thay đổi. Vua Vajiralongkorn đã củng cố quyền lực, sự giàu có và tăng quyền lực hiến pháp - điều mà những người phản đối muốn đảo ngược.

Các nhà hoạt động Thái Lan đang phản đối chế độ quân chủ lập hiến được thành lập vào năm 1932, khi chế độ quân chủ chuyên chế chấm dứt. Lý do là chế độ quân chủ hiện quá gần gũi với quân đội, điều mà người phản đối cho là đã làm suy yếu nền dân chủ.

Những người biểu tình muốn thay đổi một đạo luật về Hoàng gia và buộc nhà vua từ bỏ quyền cá nhân đối với khối tài sản ước tính hàng chục tỉ đô la của Hoàng gia.

Họ cũng không hài lòng về việc nhà vua đã dành nhiều thời gian ở Đức, nơi những bức ảnh chụp ông mặc áo sơ mi và cánh tay có hình xăm giả đã gây ra sự kinh ngạc ở Thái Lan.

Chính phủ Đức đã điều tra xem nhà vua có vi phạm lệnh cấm điều hành chính trị ở trong nước hay không, nhưng phát hiện ra rằng ông đã không vi phạm.

Những người biểu tình đang nói gì?
Kênh Sky News của Anh đã nói chuyện với các sinh viên Bangkok, những người bắt đầu biểu tình lần đầu tiên cách đây vài tháng.

Prach, 32 tuổi, nghiên cứu sinh

bieutinh1.jpg

"Đối với tôi, việc sửa đổi hiến pháp để mở đường cho việc viết lại hiến pháp là quan trọng nhất vì thông qua đó, bạn có thể đưa ra các yêu cầu khác, chẳng hạn như cải cách chế độ quân chủ, cải cách quân đội và cả nền tư pháp.

"Thủ tướng lên nắm quyền trong một cuộc đảo chính quân sự và ông ấy đã sử dụng quyền lực của nhà nước để dàn dựng một cuộc bầu cử.     
"Lời kêu gọi cải cách chế độ quân chủ, nước đã đổ khỏi bát không thể rút lại được, chúng ta đã đến lúc không còn đường lui.
"Ba tháng trước, không ai nghĩ rằng cải cách là có thể, nhưng bây giờ mọi người đang nghiêm túc nghĩ rằng nó có thể và phải được thực hiện"

Suchada, 21 tuổi, sinh viên

bieutinh2.jpg


Suchada cho biết cô sẵn sàng chết vì dân chủ ở Thái Lan: "Trong sáu, bảy năm qua dưới một chính phủ đã được bầu một cách phi dân chủ thông qua quân đội vào năm 2014, chúng tôi đã sống dưới một chính phủ không quan tâm đến người dân, mà chỉ quan tâm những gì có lợi cho bản thân họ.

"Trong suốt lịch sử của Thái Lan, chế độ quân chủ là một chủ đề nằm ngoài tầm nhận thức của chúng tôi, đó không phải là cách mà nó nên tồn tại ở bất kỳ quốc gia dân chủ nào mà chúng tôi được coi trọng quyền tự do ngôn luận.

"Tôi đang làm bất cứ điều gì tôi có thể làm bây giờ để thúc đẩy chính phủ này và xã hội thay đổi, nhưng tôi hy vọng có một điểm mà chúng ta có thể thỏa hiệp

"Nếu điều đó không đến sớm, tôi sẵn sàng đi tới cùng vì nếu không phải bây giờ thì khi nào?
"Nếu tôi phải mất đi mạng sống hoặc sự an toàn - tôi biết chỉ cần ra ngoài bây giờ là tôi đang khiến mình và những người xung quanh, gia đình tôi gặp nguy cơ bị cảnh sát quấy rối.
"Tôi muốn nói với lũ trẻ rằng tôi đã không im lặng, tôi đã làm điều gì đó để thay đổi cuộc sống của chúng, và cuộc sống của đám trẻ nhà tôi có giá trị hơn mạng sống của tôi"

Nudchanard, 21 tuổi, sinh viên

bieutinh3.jpg

 Nudchanard cho biết nhiều bạn học của cô đang ở trong tù  “Nhiều bạn của tôi phải ngồi tù, tôi phải học trong một lớp học mà nhiều bạn của tôi vắng mặt vì bị bắt.
"Tôi đang chiến đấu cho tương lai của mình, cho cả thế hệ chúng tôi và tất cả người dân trên đất nước.
"Nếu chúng tôi không làm một điều gì đó, nếu không phải là ngay bây giờ, tôi không biết tình trạng này sẽ diễn ra trong bao lâu nữa. Thế hệ sau cũng sẽ phải gánh chịu hậu quả như vậy nếu không phải là tôi, chúng tôi (đấu tranh) thì ai?"
"Chúng tôi hy vọng và muốn đây là cơ hội cuối cùng để phá vỡ chu kỳ. Chúng tôi là một quốc gia nhỏ có số vụ đảo chính lớn nhất trong khu vực.
"Chính phủ tiếp tục cố gắng viết ra các quy tắc - nó không mang lại lợi ích cho bất kỳ ai ở Thái Lan, người dân hoặc tương lai của đất nước.
"Vì vậy, chúng tôi hy vọng đây sẽ là lần cuối cùng chúng tôi có thể thay đổi một đất nước đã suy thoái".

Những người phản đối biểu tình đang nói gì?
Đông đảo những người theo chủ nghĩa bảo hoàng đã ra mặt ủng hộ nhà vua, hầu hết trong số họ thuộc thế hệ trước, những người trung thành mãnh liệt với cựu quốc vương.

Tawatchai Silamut, 64 tuổi, nhân viên ngân hàng

bieutinh4.jpg

Tawatchai Silamut cho biết ông ấy không chắc liệu những người biểu tình ủng hộ dân chủ có hiểu những gì họ đang yêu cầu hay không  "Trong tất cả những năm của tôi, nhà vua là người khá quan trọng đối với Thái Lan, vua là duy nhất, vua luôn quan tâm đến đất nước và công dân của mình.
“Những gì người biểu tình bày tỏ, tôi không chắc họ có hiểu họ đang yêu cầu gì không.
"Để có được giải pháp cho kinh tế hay chính trị là một chuyện, nhưng khi họ trực tiếp tấn công nhà vua thì có nghĩa là họ không thực sự quan tâm đến kinh tế hay chính trị.
"Họ đánh vào trái tim của người dân Thái Lan nên tôi không nghĩ rằng họ đang đòi hỏi điều đúng đắn - chúng tôi không thể đồng ý với điều đó."

Taya Teepsuwan, 48 tuổi, nữ doanh nhân và cựu chính trị gia

bieutinh5.jpg

Taya Teepsuwan ra mặt ủng hộ nhà vua: "Tôi ở đây để đại diện cho những công dân Thái Lan muốn duy trì chế độ quân chủ, những người tin tưởng và rất tự hào về di sản của Thái Lan.  "Chúng tôi đã sống dưới chế độ quân chủ lập hiến trong một thời gian dài và chúng tôi rất tự hào.
“Chế độ quân chủ đã gắn bó với chúng ta hàng trăm năm.
“Vấn đề với những người biểu tình, những gì họ thể hiện trước mắt người dân Thái Lan, đã làm đau lòng rất nhiều người dân Thái Lan yêu mến hoàng gia.
"Chúng tôi không có bất kỳ vấn đề gì với chương trình nghị sự chính trị nhưng chúng tôi muốn thể hiện tiếng nói của mình, với tư cách là công dân Thái Lan, rằng chúng tôi là những người theo chủ nghĩa bảo hoàng và chúng tôi sẽ bảo vệ hoàng gia của mình”.

Liệu các cuộc biểu tình ủng hộ dân chủ có thành công?

“Vô tiền khoáng hậu thường” là một sáo từ được sử dụng quá nhiều, nhưng cuộc biểu tình phản đối chế độ quân chủ Thái Lan lần này thực sự là như vậy.

Mặc dù vậy, Tiến sĩ Thitinan Pongsudhirak, Phó giáo sư tại khoa Khoa học chính trị tại Đại học Chulalongkorn ở Bangkok, cho rằng các cuộc biểu tình sẽ không thay đổi được gì.

Pongsudhirak nói với Sky News: "Điều này đã được ấp ủ trong một thời gian.
"Những người biểu tình thuộc thế hệ Y và Z, dưới 40 tuổi. Họ đã phải đối mặt với các cuộc đảo chính quân sự và khủng hoảng chính trị của Thái Lan trong phần lớn cuộc đời.
"Họ thấy nó không phù hợp, không có tương lai. Họ nghĩ Thái Lan không có tương lai tốt và điều đó có nghĩa là họ không có tương lai.
"Kể từ năm 2014, Thái Lan đã tụt lại phía sau, kinh tế đình trệ, không có chiến lược tăng trưởng nào để tiến lên trong khi tham nhũng, chuyên chế và chủ nghĩa thân hữu xuất hiện trong tất cả các nhánh của bộ máy quan liêu.
"Quân đội đã lỗi thời nhưng chính phủ này đã sắp xếp để hiến pháp được viết lại để họ trở thành một phần của chính trị Thái Lan vô thời hạn.
"Việc tiếp cận với các nền tảng truyền thông xã hội đã mang lại sức mạnh rất lớn cho những người trẻ tuổi, nó đã trở thành đấu trường giúp họ thấy những thông tin mà họ không biết trước đây.
"Những gì họ muốn là chế độ quân chủ lập hiến như ở Vương quốc Anh và Nhật Bản - minh bạch và có trách nhiệm.
"Tuy nhiên, các trung tâm quyền lực được thiết lập sẽ không nhượng bộ vì họ đã nắm quyền trong nhiều thập kỷ và họ đang đóng rễ trong hệ thống.
"Quân đội, quân chủ, tư pháp, giới tinh hoa Bangkok, họ như một bức tường thành quyền lực, họ sẽ không buông bỏ.
"Những người trẻ này cũng sẽ không dừng lại, vì vậy tình hình rất nhạy cảm và có khả năng trở nên tồi tệ hơn trước khi có thể tốt hơn.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tìm giải pháp đảm bảo an ninh nguồn nước vùng đồng bằng sông Cửu Long
2 giờ trước Bảo vệ môi trường
Ngày 26.4, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Trường Đại học Cần Thơ và báo Tuổi Trẻ phối hợp tổ chức hội thảo với chủ đề "Giải pháp về nguồn nước vùng đồng bằng sông Cửu Long".
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Phe bảo hoàng xuống đường phản đối người biểu tình Thái Lan, 2 phe muốn gì?