Ông Phan Văn Mãi, Phó bí thư thường trực Thành ủy TP.HCM đã nhấn mạnh như thế về công tác thu dung, điều trị bệnh nhân COVID-19 tại cuộc họp báo cung cấp thông tin tình hình dịch bệnh COVID-19 vào chiều 28.7.

Phó bí thư Thành ủy TP.HCM: “Áp lực của ngành y tế đang rất lớn”

Hồ Quang | 28/07/2021, 18:40

Ông Phan Văn Mãi, Phó bí thư thường trực Thành ủy TP.HCM đã nhấn mạnh như thế về công tác thu dung, điều trị bệnh nhân COVID-19 tại cuộc họp báo cung cấp thông tin tình hình dịch bệnh COVID-19 vào chiều 28.7.

Thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ để đáp ứng nhu cầu điều trị

Theo Phó bí thư thường trực Thành ủy TP.HCM Phan Văn Mãi, nhiệm vụ hàng đầu hiện nay trong công tác phòng chống dịch COVID-19 là thu dung và điều trị bệnh nhân COVID-19.

Khi số lượng bệnh nhân F0 quá lớn, việc cách ly tập trung dẫn đến quá tải, quá sức phục vụ của ngành y tế. Hiện nay TP đã có trên 70 nghìn F0 nên phải chuyển hướng, chuyển chiến lược điều trị. Do đó, việc cách ly F0 tại nhà là giải pháp để giảm tải phần nào cho các cơ sở thu dung và điều trị.

pho-bi-thu-thanh-uy-tpohcm-ap-luc-cua-nganh-y-te-dang-rat-lon-hinh-anh(1).png
Phó bí thư thường trực Thành ủy TP.HCM Phan Văn Mãi chia sẻ tại buổi họp báo - Ảnh: PV 

“Trong thời gian tới, TP sẽ tập trung thực hiện nhiều hơn nữa việc cách ly F0 tại nhà, thực hiện nghiêm hạn chế tiếp xúc, giãn cách gắn với việc giám sát y tế, tư vấn y tế”, ông Mãi cho biết.

Để đáp ứng nhu cầu điều trị cho bệnh nhân F0, ông Mãi cho biết, TP sẽ mở rộng và củng cố thêm mạng lưới online của cộng đồng bác sĩ trên cả nước. Theo đó, mỗi bác sĩ phụ trách số lượng F0 nhất định, hằng ngày sẽ thăm hỏi, xử lý các tình huống y tế. Song song đó, UBND TP.HCM và ngành y tế cũng có chủ trương huy động mạng lưới y tế tư nhân tham gia vào việc chăm sóc, điều trị bệnh nhân COVID-19; thành lập thêm nhiều bệnh viện dã chiến tham gia vào tầng 3, 4 trong việc điều trị.

“Sáng mai (29.7), Bộ trưởng Y tế sẽ làm việc với TP.HCM để rà soát, đánh giá lại lượng bệnh nhân sẽ tăng trong thời gian tới nhằm chuẩn bị cơ sở vật chất, cũng như tăng cường nhân lực, trang thiết bị y tế cho khâu điều trị ở tầng 3 và tầng 4 này”, ông Mãi thông tin.

Theo Phó bí thư thường trực Thành ủy TP.HCM, trong thời gian tới TP.HCM sẽ tổ chức lại liên thông giữa tầng 3, tầng 4 và tầng 5 nhằm có sự trao đổi tiếp nhận bệnh nhân giữa các tầng trên được kịp thời, chăm sóc tốt hơn, hạn chế chuyển biến nặng và tử vong.

Đối với tầng 5 – Bệnh viện hồi sức COVID-19 với quy mô 1.000 giường đang hoàn thiện để đạt công suất 1.000 giường. Hiện TP đang cố gắng đầu tư thêm trang thiết bị, nhất là nguồn nhân lực. Cùng với các bệnh viện tầng 5 khác, TP cũng đang huy động thêm các bệnh viện lớn chưa tham gia, bệnh viện tư nhân tham gia vào việc điều trị bệnh nhân ở tầng 5 này.

“Hiện nay áp lực đối với ngành y tế TP là rất lớn. Với công suất hiện tại, lượng bệnh nhân gia tăng hàng ngày, gần như các cơ sở thu dung điều trị đã đầy, có lúc bệnh viện gần như quá tải. Thành phố phải cố gắng hơn nữa. Theo đó, TP sẽ rà soát, sắp xếp lại để các tầng để bố trí khoa học hơn, sự phối hợp kịp thời cùng với việc xây dựng thêm một số bệnh viện dã chiến trong thời gian tới sẽ giảm được áp lực này”, ông Mãi nhấn mạnh.

Người dân ra đường từ 6 giờ đến 18 giờ vẫn còn nhiều

Dù trong 2 ngày qua, người dân TP thực hiện tương đối tốt việc hạn chế di chuyển từ 18 giờ đến 6 giờ nhưng theo ông Mãi, vào ban ngày người dân vẫn chưa thực hiện nghiêm. Trong khoảng thời gian từ 6 giờ đến 18 giờ hàng ngày, người dân ra đường vẫn còn đông, sự tiếp xúc còn nhiều.

“Tôi đã nhận được nhiều ý kiến của người dân cũng như các chuyên gia phòng chống dịch, cần phải hạn chế hơn nữa việc ra đường từ 6 giờ sáng đến 18 giờ hàng ngày. Tôi đề nghị các cơ quan thực hiện nghiêm về việc giảm công chức, viên chức, người lao động đi làm ở mức tối thiểu nhất; khuyến khích các cơ quan tổ chức cho cán bộ, công chức, người lao động làm việc tại nhà”, ông Mãi nói.

Đề cập đến vấn đề xử lý các vi phạm trong thực hiện giãn cách, ông Mãi nhấn mạnh đến việc xử lý những vi phạm của các cấp, các ngành chức năng, các tổ chức, cá nhân có trách nhiệm trong việc đảm bảo giãn cách này nhưng chưa thực hiện nghiêm, còn những hạn chế, thiếu sót.

“Thành phố sẽ kiểm tra các quận huyện, thậm chí kiểm tra đến cơ sở để kịp thời chấn chỉnh để uốn nắn và xử lý những hạn chế này. Tất cả vì mục tiêu thực hiện nghiêm chủ trương giãn cách trong thời gian tới nhằm cắt đứt nguồn lây của dịch bệnh”, ông Mãi cho biết.

Để thực hiện triệt để việc giãn cách xã hội, ông Mãi đề nghị người dân giám sát, nếu phát hiện lực lượng chức năng nào chưa làm đúng trách nhiệm, nơi nào chưa thực hiện đúng giãn cách thì phản ánh qua tổng đài hoặc qua đường dây nóng ở các khu phố, xã phường, quận huyện để các cơ quan chức năng xử lý.

Bên cạnh đó, người dân cũng cần thực hiện tốt việc giãn cách, nhà nào ở nhà nấy, hạn chế tối đa việc tiếp xúc, không tiếp xúc với người ngoài gia đình, không đi ra ngoài khi không thực sự cần thiết.

Bài liên quan
Bắt tạm giam Phó bí thư Thường trực Tỉnh ủy Vĩnh Phúc
Ông Phạm Hoàng Anh - Phó bí thư Thường trực Tỉnh ủy, nguyên Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Vĩnh Phúc bị khởi tố về tội “Nhận hối lộ”.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Ba kịch bản về lạm phát năm 2024
Ba kịch bản lạm phát năm 2024 tương ứng với CPI bình quân năm lần lượt là 3,8%, 4,2% và 4,5%.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Phó bí thư Thành ủy TP.HCM: “Áp lực của ngành y tế đang rất lớn”