Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã chỉ đạo Bộ GD-ĐT nên tiếp thu, đưa bản thảo lên mạng để lấy ý kiến các chuyên gia để điều chỉnh nội dung SGK cho phù hợp.

Phó thủ tướng họp với Bộ GD-ĐT để điều chỉnh nội dung SGK Tiếng Việt 1

Dạ Thảo | 12/10/2020, 21:21

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã chỉ đạo Bộ GD-ĐT nên tiếp thu, đưa bản thảo lên mạng để lấy ý kiến các chuyên gia để điều chỉnh nội dung SGK cho phù hợp.

Chiều 12.10, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã chủ trì cuộc họp với Bộ GD-ĐT cùng với Hội đồng thẩm định SGK Tiếng Việt lớp 1 để điều chỉnh và đưa ra hướng xử lý kịp thời những phản ánh xung quanh bộ sách này. Đây là động thái được đánh giá là nhanh chóng của Bộ GD-ĐT sau khi chương trình Giáo dục phổ thông mới được triển khai.

ptt(1).jpg
Phó thủ tướng chỉ đạo tiếp thu ý kiến về sách Tiếng Việt 1

Sách Tiếng Việt lớp 1, bộ Cánh diều đang nhận được nhiều sự chỉ trích từ phía phụ huynh và chuyên gia cho rằng bộ sách đã sử dụng những hình ảnh chưa phù hợp, một số bài học không hiểu ý nghĩa, chưa có tính giáo dục cao. Phát biểu tại cuộc họp, GS Nguyễn Minh Thuyết cho biết ông đã đọc toàn bộ những góp ý từ diễn đàn mạng xã hội và sẽ chọn lọc, cải biên, chỉnh sửa lại bộ sách sao cho phù hợp hơn với các em học sinh. Vì học sinh lớp 1 mới chỉ có vốn từ vựng một cách ít ỏi nên khi biên soạn sẽ lựa chọn những từ ngữ nào phù hợp và dễ hiểu nhất cho các em hiểu câu chuyện. "Giáo viên trên lớp phải có trách nhiệm giải thích cụ thể hơn với học sinh những từ ngữ, đoạn văn nào mà học sinh chưa hiểu".

121093168_1232100910486484_5813728426602803802_n.jpg
SGK Tiếng Việt 1, bộ Cánh Diều nhận được nhiều lời chỉ trích từ dư luận

Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ chia sẻ với tinh thần điểm nào, chỗ nào chưa hoàn thiện, Bộ sẽ chỉ đạo đơn vị chức năng, đặc biệt là yêu cầu các Hội đồng thẩm định sách giáo khoa phải rà soát, giải trình rõ và tiếp thu. Nếu điểm nào chưa phù hợp, Bộ chỉ đạo phải hoàn thiện để sách càng ngày càng tốt hơn.

“Tới đây Bộ cũng mở rộng thêm kênh góp ý, phản biện thêm ngay từ khâu mà các nhóm tác giả, các nhà xuất bản đề xuất bản thảo để có điều kiện cho đông đảo thầy cô, nhân dân góp ý”, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho hay.

Còn ông Phạm Tất Thắng, Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội cho biết: "Chương trình và SGK mới hoàn toàn, việc thực hiện đầu tiên chắc chắn sẽ có nhiều khó khăn. Khó khăn đầu tiên và cơ bản là dư luận xã hội chưa nắm được một cách đồng bộ và cụ thể chương trình đổi mới giáo dục phổ thông mới. Việc góp ý của người dân vô cùng quý báu nên bộ SGK sẽ phải chỉnh sửa lại cho phù hợp hơn."

Tại cuộc họp, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam chỉ đạo: "Nên chăng Bộ GD-ĐT có giải pháp để đưa các bản thảo sách lên mạng , kể cả bộ SGK đó đã nộp cho Hội đồng thẩm định rồi thì vẫn kêu gọi giáo viên, phụ huynh, chuyên gia, xã hội… đưa ra ý kiến đóng góp để góp ý vào bộ sách ngay từ đầu. Điều đó sẽ thuận lợi hơn cho chính NXB hay cả Hội đồng biên soạn và cả Bộ GD-ĐT. Cần tiếp thu, rút kinh nghiệm, thẩm định phê duyệt và trong vấn đề đổi mới giáo viên có quyền tự chủ, sáng tạo phù hợp hơn trong thời đại mới, như vậy sẽ giảm bớt lỗi trong quá trình hoàn thiện sách” – Phó thủ tướng nêu rõ.

Trao đổi với phóng viên về việc nội dung SGK Tiếng Việt lớp 1 cần thay đổi, thạc sĩ Đào Thúy Nga - chuyên gia giáo dục, khoa Giáo dục tiểu học trường ĐH Sư phạm Hà Nội cho biết những người xây dựng bộ SGK cũng đã nỗ lực hết sức để hoàn thiện bộ sách, tuy nhiên việc tiếp thu kiến thức của học sinh lớp 1 đang còn nhiều hạn chế, chính vì thế việc thay đổi nội dung sao cho dễ hiểu hơn, phù hợp với năng lực của học sinh cũng là điều nên làm.

"Các giáo viên tại các trường họ phải quản lý rất đông học sinh nên việc nhận định đại đa số năng lực học sinh của mình để lựa chọn tốc độ dạy còn khó khăn vì có em đã biết chữ, có em thì chưa. Bên cạnh đấy, các chuẩn đầu vào của các học sinh không đồng đều và không được công bố nên giáo viên cũng sẽ khó dạy sao cho đồng đều, thậm chí giảng giải cho học sinh hiểu câu chữ cũng mất khá nhiều thời gian đối với học sinh lớp 1. Theo tôi, sách viết phải theo hiện trạng của người học, để giáo viên biết được đối tượng nào, năng lực học của học sinh nào đọc bài đó là phù hợp. Nếu giáo viên không hiểu rõ sách thì cũng không thể nào dạy được học sinh. Việc viết SGK tôi cảm thấy đang trở nên dễ dãi nên đã gây ức chế cho phụ huynh như hiện nay và chủ biên nên chỉnh sửa lại sao cho phù hợp với thực tế".

Cô giáo Trần Thị Tuyết - giáo viên tại trường tiểu học DVA quận Cầu Giấy, Hà Nội cho biết không chỉ phụ huynh bức xúc mà chính giáo viên cũng đuối sức vì nhịp độ bài quá nhanh, học sinh chưa kịp nhớ mặt chữ đã phải học từ. "Các học sinh mới vào học sẽ học 4-5 từ đơn giản, câu ngắn gọn, tuy nhiên ở chương trình mới các em phải học kèm cả câu ghép, câu đối thoại, thậm chí những từ lặp khiến các em không hiểu, đoạn văn từ 4-5 câu càng khiến các em khó nhớ mặt chữ hơn. Khi tập huấn, chúng tôi rất hiểu vấn đề nhưng để làm sao cho các em nhớ từng mặt chữ trong thời gian quá ngắn là vô cùng khó. Và hiện nay, hầu như bộ sách nào cũng thiết kế cho học sinh đã biết chữ trước rồi mới học kịp, còn đối với học sinh chưa biết chữ trước khi học lớp 1 khiến giáo viên dạy khó hơn, mà các em bị đuối, không tiếp thu kịp các bạn, đặc biệt ở lớp sĩ số trên 60 học sinh".

TS. Hoàng Ngọc Vinh - nguyên Vụ trưởng Vụ giáo dục chuyên nghiệp (Bộ GD-ĐT) cho biết Bộ GD-ĐT nên vào cuộc một cách quyết liệt hơn để tìm hiểu kỹ càng về bộ SGK mới, tránh gây hoang mang trong dư luận. "Theo tôi Bộ GD-ĐT không nên khoán trắng cho các nhà xuất bản hay cho hội đồng thẩm định mà cần cử chuyên gia để tìm hiểu từng môn học, chỉnh sửa sao cho phù hợp với học sinh lớp 1. Còn phụ huynh cũng nên bình tĩnh nhìn nhận lại toàn vấn đề, sự đổi mới nào cũng cần có thời gian và quy luật chính vì thế chỉ cần chỉnh sửa kịp thời thì sẽ giúp chương trình mới thành công một cách nhanh nhất cho các khóa học sau".

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng Phạm Minh Chính tới thủ đô Praha, bắt đầu thăm Cộng hòa Séc
8 giờ trước Sự kiện
Sau khi kết thúc tốt đẹp chuyến thăm chính thức Cộng hòa Ba Lan, vào lúc 13 giờ ngày 18.1, giờ địa phương (tức 19 giờ giờ Hà Nội), chuyên cơ chở Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cùng phu nhân Lê Thị Bích Trân và Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã tới sân bay Václav Havel, thủ đô Praha, bắt đầu thăm chính thức Cộng hòa Séc từ ngày 18 - 20.1, theo lời mời của Thủ tướng Cộng hòa Séc Petr Fiala.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Phó thủ tướng họp với Bộ GD-ĐT để điều chỉnh nội dung SGK Tiếng Việt 1